Dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C) hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của thành phố, mở rộng không gian phát triển thành phố về phía Tây, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Với ý nghĩa trên, thành phố đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án…

Thi công cầu Ba Láng (gói thầu 20) thuộc dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ.
Khối lượng thực hiện gần 33%
Dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ do Sở Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư, có chiều dài tuyến hơn 19,26km, khởi công xây dựng vào tháng 11-2022. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng là 156,32ha; có 1.247 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án; dự kiến bố trí tái định cư khoảng 464 trường hợp. Theo Sở Xây dựng thành phố, đến nay đã hoàn thành kiểm đếm nhà, vật, kiến trúc, cây trồng. Ðã phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ cho 673 trường hợp, đạt tỷ lệ 54,1% và chi trả tiền bồi hoàn cho 655 trường hợp, đạt tỷ lệ 52,5%. Bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đạt khoảng 50%.
Dự án có 7 gói thầu xây lắp, hiện đang triển khai thi công 4 gói thầu (gói 16, gói 17, gói 19 và gói 20). Tính đến ngày 25-3-2025, giá trị khối lượng 4 gói thầu đã thực hiện gần 709,6 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 32,82%; giá trị khối lượng đã nghiệm thu hơn 678,3 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 31,37%. Nhà thầu đã thi công cơ bản hoàn thiện các cầu trên gói thầu số 16, 17 như cầu Tắc Ông Thục, cầu Kênh Thủy Lợi, cầu Kênh Ông Huyện, cầu Thủy Lợi Giữa 2, cầu Ngã Cạy. Các gói thầu còn lại đã có kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án mới có kết quả thẩm định hồ sơ dự toán.
Hiện dự án đang bị chậm tiến độ do ảnh hưởng một số khó khăn. Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, có khoảng hơn 50% tổng số hộ dân bị ảnh hưởng đã được chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và đã bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, mặt bằng không liên tục, hiện nay nhà thầu chỉ triển khai trên phần mặt bằng hiện có nên chưa thể triển khai thi công đồng bộ được toàn bộ các gói thầu số 16, 17, 19. Năm 2025, nguồn vốn đã bố trí gần 1.109,4 tỉ đồng (vốn Trung ương bố trí cho xây lắp là 800 tỉ đồng và vốn địa phương gần 309,4 tỉ đồng), để giải ngân hết số vốn này cần phải có thêm mặt bằng để triển khai thi công 4 gói thầu đang thực hiện và đấu thầu các gói thầu còn lại.
Một số khu tái định cư của các quận, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa có giá nền tái định cư nên chưa đủ điều kiện để bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân. Ðối với các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, đơn vị thực hiện đang hoàn tất thủ tục để làm cơ sở xem xét bồi thường, hỗ trợ di dời theo quy định nên chưa thực hiện di dời. Bên cạnh đó, nguồn vật liệu cát nền hiện khan hiếm, giá tăng cao so với giá cát nền trong gói thầu. Ðoạn tuyến từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết đường dẫn phía mố M1 cầu Ba Láng theo Nghị quyết số 38/NQ-HÐND do nhà đầu tư thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai để kết nối giao thông liên tục... Ðể đảm bảo tiến độ và nguồn vốn thực hiện dự án, Sở Xây dựng đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án…
Tập trung triển khai
Sau hơn 2 năm khởi công xây dựng, dự án đường vành đai phía Tây thành phố chậm tiến độ. Thành phố đang khẩn trương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án. Sở Xây dựng hiện xây dựng hai phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư, gồm: phương án tách đoạn tuyến từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường tỉnh 923 lập chủ trương dự án riêng để thực hiện song song, và phương án không tách dự án riêng.
Ðể đảm bảo tiến độ giải ngân vốn dự án năm 2025 đạt tỷ lệ trên 95%, theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện liên quan chỉ đạo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất đẩy nhanh tiến độ xét pháp lý, sẵn sàng phê duyệt và bàn giao mặt bằng các gói thầu đang triển khai thi công, ngay sau khi chủ trương đầu tư và tổng mức dự án được phê duyệt. Ðối với các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất các quận, huyện và các đơn vị chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng hoàn tất thủ tục để làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ di dời theo quy định. Sở kiến nghị UBND thành phố hỗ trợ làm việc với các địa phương có nguồn cung cấp cát hỗ trợ cung cấp cát cho dự án...
Trong chuyến kiểm tra thực tế dự án đường vành đai phía Tây thành phố mới đây, ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Ðây là dự án hết sức quan trọng, công trình trọng điểm của thành phố. Do vậy, chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch chi tiết, có lộ trình và phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo tiến độ dự án. Ðồng thời, khẩn trương xây dựng hai phương án cụ thể về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sớm trình thành phố xem xét. Chủ đầu tư phối hợp UBND các quận, huyện liên quan tập trung công tác giải phóng mặt bằng các gói thầu đang triển khai để bàn giao cho đơn vị thi công...
Dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C) có tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỉ đồng do Sở Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư. Chiều dài tuyến hơn 19,26km, đi qua địa bàn các quận: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Điểm đầu giao với quốc lộ 91 (tại Km20+370 quốc lộ 91) và giao với đường tỉnh 922; điểm cuối giao với quốc lộ 61C (tại Km1+400 quốc lộ 61C). Dự án nhóm A; loại công trình giao thông (đường đô thị) cấp II, công trình cầu Ba Láng cấp I. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2026.
Bài, ảnh: L. MẪN