01/04/2023 - 10:32

Nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

TP Cần Thơ đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh trồng lúa theo hướng chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các bên trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và khai thác tốt các nguồn phụ phẩm, giúp giảm các tác động xấu đến môi trường và tạo ra giá trị gia tăng cao.

Thu hoạch lúa tại huyện Thới Lai.

Sản xuất lúa chất lượng cao

Cần Thơ có hơn 114.250ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 78.000ha đất canh tác lúa. Diện tích đất lúa của TP Cần Thơ khá ít so với nhiều tỉnh trong vùng ÐBSCL nhưng nhờ thâm canh tăng vụ nên hằng năm sản xuất 3 vụ lúa đạt tổng diện tích hơn 220.000ha, với sản lượng từ 1,3-1,4 triệu tấn. Với điều kiện diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ít và có xu hướng bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, TP Cần Thơ rất quan tâm đến việc hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Thông qua các chương trình khuyến nông và tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các tổ chức quốc tế, thành phố không chỉ tăng cường hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mà còn tích cực định hướng nông dân phát triển trồng lúa theo hướng chất lượng cao (CLC), an toàn. Thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết với nhau và với doanh nghiệp, hình thành các cánh đồng lớn (CÐL) và vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn với hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Mô hình CÐL lúa được thực hiện ở Cần Thơ từ vụ hè thu 2011, với diện tích ban đầu chỉ 400ha tại huyện Vĩnh Thạnh, nhưng đến nay đã được nhân rộng lên hầu khắp các quận, huyện trồng lúa, với tổng diện tích hơn 33.000ha/vụ, trong đó có 10.000ha lúa sạch.

Ðể bán sản phẩm giá cao, ngành Nông nghiệp thành phố đã tích cực khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sử dụng giống đạt chuẩn và áp dụng gieo sạ thưa với mật độ phù hợp. Chú trọng chọn sản xuất các loại lúa CLC, lúa thơm, đặc sản và hạn chế việc trồng các giống lúa cho gạo phẩm chất thấp và trung bình. Nhờ vậy, gần đây phần lớn lượng lúa gạo được sản xuất tại thành phố là lúa gạo thơm ngon, đặc sản và lúa gạo CLC. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trong năm 2022, tổng diện tích sản xuất 3 vụ lúa của thành phố đạt 216.385ha, với sản lượng đạt hơn 1,36 triệu tấn. Tỷ lệ sử dụng giống lúa CLC và các giống thơm, đặc sản chiếm trên 95%, với tỷ lệ sử dụng giống đạt chuẩn từ cấp xác nhận trở lên chiếm hơn 80%. Còn vụ đông xuân 2022-2023, Cần Thơ gieo sạ được 75.028ha lúa, trong đó phần lớn các diện tích cũng được gieo trồng các giống lúa thơm, đặc sản và CLC. Trong đó, lúa Ðài Thơm 8 chiếm tỷ lệ khoảng 48%, lúa thơm RVT chiếm tỷ lệ 13%, lúa thơm Jasmine 85 chiếm tỷ lệ 9%, các giống OM (như OM 5451, OM 18, OM 380) chiếm tỷ lệ 17%, các giống ST chiếm 6% trên tổng diện tích.

Giảm phát thải

Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn nông dân khai thác tốt các phụ phẩm trong quá trình sản xuất lúa theo hướng kinh tế tuần hoàn nhằm tạo thêm giá trị gia tăng. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, ngành Nông nghiệp thành phố đã hỗ trợ nông dân trong đầu tư, mua sắm máy cuốn rơm và đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm rạ nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm này phục vụ chăn nuôi, trồng nấm rơm, làm phân bón hữu cơ và phát triển các hoạt động sản xuất khác để nâng cao thu nhập. Qua đó, nhằm giải quyết tình trạng nông dân đốt hay vứt bỏ rơm rạ trên đồng, vừa lãng phí, vừa tạo ra khí thải và chất thải gây tác động xấu cho môi trường.

Các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa như gói kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", tưới ngập khô xen kẻ nhằm giảm khí phát thải nhà kính… đã và đang được nông dân tại thành phố áp dụng phổ biến. Sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt cũng ngày càng được nhiều nông dân áp dụng và hiện thành phố đã có hơn 560ha diện tích sản xuất lúa theo VietGAP và Global GAP. Nông dân cũng quan tâm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP), canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ðể tiếp tục đẩy mạnh sản suất lúa gạo theo hướng CLC và giảm khí phát thải carbon, hiện Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã tham mưu UBND TP Cần Thơ đăng ký với Bộ NN&PTNT tham gia thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên lúa CLC gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL, với diện tích vùng chuyên canh lúa CLC đến năm 2030 tại thành phố đạt 50.000ha. Qua thống kê, rà soát bước đầu cho thấy, TP Cần Thơ có các diện tích trồng lúa tại 3 huyện sản xuất lúa trọng điểm của thành phố là Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ và Thới Lai có thể tham gia đề án ngay trong năm 2024. Ðây là những diện tích đã tham gia Dự án VnSAT có các điều kiện thuận lợi về hạ tầng thủy lợi, về liên kết sản xuất, về ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu gom rơm và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để sản xuất lúa theo hướng CLC, giảm khí phát thải. Tại 3 huyện trên có diện tích lúa đã tham gia Dự án VnSAT là 34.000ha, trong đó có hơn 27.000ha áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Ông Lâm Hồng Sững, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Ðỏ, cho biết: "Hiện Cờ Ðỏ có khoảng 11.000ha lúa có thể tham gia ngay Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên lúa CLC gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL. Ðây là những diện tích lúa đã có liên kết trong sản xuất và bao tiêu của doanh nghiệp. Tới đây, huyện cũng tiếp tục quan tâm công tác tập huấn kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển thủy lợi… để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất lúa".

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, để phát triển vùng chuyên canh lúa CLC gắn với tăng trưởng xanh bền vững thì không thể để nông dân sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún. Cần dẫn dắt nông dân vào tổ hợp tác, hợp tác xã và tạo điều kiện cho nông dân liên kết với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và gắn kết sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị, cũng như phát triển theo hướng đa giá trị. Khai thác hiệu quả các tài nguyên và nguyên phụ phẩm trong sản xuất lúa gạo, trong đó có rơm rạ để giảm tác động xấu đến môi trường và mang lại thêm nhiều nguồn lợi cho nông dân.

Chia sẻ bài viết