22/12/2020 - 05:54

Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo 

Tăng cường đầu tư các nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo... là giải pháp mà nhiều trường đại học, cao đẳng ở Cần Thơ tập trung thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Sinh viên tìm cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp năm 2020, do Trường Đại học FPT - Phân hiệu Cần Thơ tổ chức ngày 19-12.

Sinh viên tìm cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp năm 2020, do Trường Đại học FPT - Phân hiệu Cần Thơ tổ chức ngày 19-12.

Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp năm 2020 do Trường Đại học FPT - Phân hiệu Cần Thơ vừa tổ chức, nhận được nhiều đánh giá tích cực. Bành Vân Anh, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế, cho biết: “Ngày hội giúp em được gặp trực tiếp doanh nghiệp, biết được họ chú trọng những năng lực, phẩm chất nào của nhân viên và cơ hội việc làm. Từ đó em có động lực học tập tốt hơn”. Vân Anh đang học năm thứ 3 và chuẩn bị đi thực hành một học kỳ tại doanh nghiệp. Còn Nguyễn Văn Lâm, sinh viên năm thứ 4 ngành Quản trị kinh doanh, cho rằng: “Sau ngày hội, em sẽ trang bị thêm ngoại ngữ và tác phong làm việc chuyên nghiệp; bên cạnh giữ vững thành tích học tập”. 

Sự kiện trên thu hút sự tham gia của khoảng 800 sinh viên và đại diện 45 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Kinh tế - Tài chính, Du lịch - Lữ hành… Tại ngày hội còn diễn ra 2 hội thảo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên ở khối ngành Kinh tế và Công nghệ thông tin. Theo nhiều doanh nghiệp, sinh viên năng động và chịu khó khi đi thực tập; nhưng vẫn còn tâm lý học việc, nên chưa phát huy hết năng lực, tinh thần chuyên nghiệp vẫn chưa cao. Để nhanh hòa nhập vào thị trường lao động, sinh viên trong giai đoạn thực tập cần có tâm lý tự xem như nhân viên chính thức để làm việc thực sự hết mình. Phía nhà trường nên nghiên cứu tăng thêm thời lượng thực hành, thực tập của sinh viên tại doanh nghiệp, để người học được rèn luyện kỹ năng, cọ xát thực tế nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Nhân sự Công ty Cần Thơ Ford, cho biết công ty sẵn sàng hỗ trợ sinh viên tham gia thực tập; giúp sinh viên học hỏi và nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Trường Đại học FPT - Phân hiệu Cần Thơ, ngày hội tạo cầu nối để sinh viên tiếp xúc với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, thể hiện năng lực và tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên ngành đã học, tại các doanh nghiệp uy tín. Thầy Huỳnh Văn Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT - Phân hiệu Cần Thơ, cho biết: Để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, chương trình của trường dựa trên 3 nền tảng, 5 khối kiến thức. Trong đó 3 nền tảng là yêu cầu quốc gia về nguồn nhân lực, yêu cầu của doanh nghiệp và chuẩn quốc tế. Việc gắn kết với doanh nghiệp vì vậy không thể thiếu trong hoạt động đào tạo của trường”.

*   *   *

Nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố như: Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Tây Đô, Nam Cần Thơ… đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt gắn kết với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo mới, điều chỉnh, cập nhật bổ sung chương trình hiện hành phù hợp với thị trường lao động… Điển hình như Trường Đại học Cần Thơ, với vai trò “đầu tàu” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo mời doanh nghiệp, cựu sinh viên đóng góp cải tiến chương trình đào tạo của trường. Gần đây, Hội nghị “Cải tiến phương pháp giảng dạy trên cơ sở phản hồi từ người học và người sử dụng lao động” do Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức là điển hình. Ghi nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, cựu sinh viên, Ban Chủ nhiệm Khoa Kinh tế tiến hành hiệu chỉnh, bổ sung chương trình các ngành để sát thực tế hơn. Ví dụ ngành Tài chính - Ngân hàng được tăng thời lượng đào tạo lĩnh vực Bảo hiểm, bổ sung môn Pháp luật ngân hàng thương mại…

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Đại học Tây Đô đào tạo ngành Dinh dưỡng trình độ đại học. Đây là trường đại học đầu tiên ở ĐBSCL tuyển sinh và đào tạo ngành Dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ lĩnh vực khoa học sức khỏe cho ĐBSCL và cả nước. Theo lãnh đạo nhà trường, ngành học được hình thành với sự giúp đỡ của nhiều cơ quan và đơn vị. Trong đó, có Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, sau thành công của Hội thảo khoa học quốc tế “Tiếp cận cá thể hóa trong phát triển nguồn nhân lực và thực hành dinh dưỡng lâm sàng - tiết chế”. Hội thảo đã mở ra cơ hội để Trường Đại học Tây Đô đánh giá cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác, để xây dựng đề án và đăng ký mở ngành đào tạo trên.

Tăng cường tiếp cận doanh nghiệp; năng động tổ chức các hội nghị, hội thảo để nhận các ý kiến đóng góp cải tiến chương trình hiện có, đồng thời mở ra cơ hội để phát triển các ngành nghề mới... đang được các cơ sở giáo dục đại học ở Cần Thơ thực hiện nhằm huy động mọi nguồn lực tri thức để nâng cao hoạt động đào tạo.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết