01/06/2008 - 21:47

TP Cần Thơ

Nỗ lực kiềm chế lạm phát

Sau “cơn sốt ảo”, giá gạo trên thị trường Cần Thơ nay đã tạm bình ổn trở lại.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những giải pháp mà Chính phủ đã triển khai để khắc phục những nguyên nhân căn bản về tiền tệ, giá cả... khiến lạm phát tăng cao đang phát huy tác dụng. Trong bối cảnh này, người dân ở TP Cần Thơ đang trông chờ vào sự nỗ lực từ phía lãnh đạo các ngành hữu quan, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong việc kiểm soát thị trường, hạ giá thành sản phẩm góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới.

HỆ QUẢ TỪ GIÁ HÀNG HÓA “LEO THANG”

Cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2008, “nổi đình, nổi đám” nhất là “cơn sốt ảo” thị trường gạo. Các ngày 26 đến 30-4-2008, giá gạo bất ngờ tăng mạnh. Gạo tẻ thường giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, tăng lên 8.000 - 11.000 đồng/kg. Gạo tẻ ngon giá từ 12.000-14.000 đồng/kg tăng lên 18.000 - 20.000 đồng/kg. Cùng thời gian này, UBND TP Cần Thơ đã có Công văn số 2206/UBND-KT chỉ đạo, các Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp đầu cơ tăng giá gạo, gây bất ổn định thị trường. Nhờ vậy, “cơn sốt ảo” mau chóng lắng dịu, lượng gạo trên thị trường đảm bảo cung cấp đủ cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện nay, so với đầu trung tuần tháng 4, giá gạo trên thị trường vẫn ở mức khá cao, từ 11.000 - 17.000 đồng/kg. Điều này làm các sản phẩm hàng hóa làm từ gạo trên thị trường tăng giá. Ví dụ như: bún từ 5.000 đồng/kg, tăng lên 6.000 - 7.000 đồng/kg; bánh đa, hủ tiếu tươi tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg... Nhiều mặt hàng thực phẩm công nghệ tại các siêu thị trên địa bàn thành phố đã đồng loạt tăng giá bán từ đầu tháng 3 và tháng 4-2008 từ 20-25% so với tháng 2-2008 và giữ mức tăng này trong tháng 5. Đối với các loại hàng thực phẩm do đã tăng từ tháng trước nên tháng 5-2008 này ít biến động. Cụ thể: giá thịt heo nạc bình quân 68.000 - 72.000 đồng/kg; giá gia cầm từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, thịt bò từ 95.000 - 110.000 đồng/kg...

Đối với mặt hàng xây dựng, trong tháng 5 này, theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố xảy ra hiện tượng các chủ vựa tăng giá xi măng. Có nơi giá bán xi măng PC40 lên đến 80.000 đồng/bao. Và hiện nay, thị trường này còn đang diễn biến hết sức phức tạp gây nhiều khó khăn cho các công trình xây dựng.

Giá một số mặt hàng thiết yếu tăng mạnh đã làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 5-2008 tăng cao. Theo số liệu của Cục Thống kê TP Cần Thơ, từ mức 5,76% ở tháng 3-2008, chỉ số giá tiêu dùng ở tháng 4 chỉ còn ở mức 2,84%. Đến tháng 5 -2008, chỉ số giá tiêu dùng của TP Cần Thơ tăng 4,08% so với tháng trước và tăng 18,24% so với tháng 12 năm 2007.

CHUNG SỨC “HẠ NHIỆT” THỊ TRƯỜNG

Trong các mặt hàng được đưa vào tính chỉ số giá tiêu dùng, so với tháng 4-2008, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất (tăng 6,75%; trong đó, mức độ tăng của nhóm hàng lương thực đến 21,75%); kế đến là nhóm hàng giáo dục (tăng 2,11%). Các nhóm hàng còn lại như: nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế; giao thông - bưu chính viễn thông; văn hóa, thể thao và giải trí... chỉ tăng ở mức 0,18 - 0,68%. Điểm đáng chú ý nhất trong tháng 5-2008 chính là chỉ số giá tiêu dùng của 2/10 nhóm hàng hóa đã “giảm nhiệt” so với tháng 4-2008. Đó là các nhóm hàng: đồ uống và thuốc lá (giảm 0,02%); may mặc, mũ nón và giày dép (giảm 0,12%). Riêng nhóm hàng bưu chính viễn thông thuộc nhóm giao thông- bưu chính viễn thông cũng giảm 0,08%.

Theo nhận định của các ngành chức năng, mức độ “hạ nhiệt” hàng hóa chưa đáng kể. Song, kết quả này đánh giá hiệu quả bước đầu những nỗ lực của Chính phủ cũng như thành phố trong việc kiềm chế lạm phát trong thời gian qua.

Sự kiện đáng chú ý trong tháng 5-2008 ở TP Cần Thơ chính là cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố với hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp bình ổn giá, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giá thị trường, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; đẩy mạnh sản xuất để thay thế hàng hóa nhập khẩu, đảm bảo cân đối các mặt hàng chiến lược, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lạm dụng các biến động trên thị trường để đầu cơ, nâng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng”.

Tại cuộc họp này, nhiều doanh nghiệp tỏ rõ sự đồng tình với lãnh đạo thành phố trong việc có những động thái kịp thời để bình ổn thị trường gạo; cắt giảm hoặc hoãn thời gian thi công các công trình xây dựng không mang lại hiệu quả... Cũng tại cuộc họp này, nhiều doanh nghiệp bày tỏ quyết tâm của mình trong việc tăng khả năng sản xuất, thực hành tiết kiệm trong điều hành và sản xuất, tìm giải pháp hạ giá thành sản phẩm, giảm giá bán đến người tiêu dùng... để cùng thành phố vượt qua khó khăn, cùng kiềm chế lạm phát.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết