02/09/2013 - 21:21

Nỗ lực cứu làng gạch

Tỉnh Vĩnh Long từng được ví là "vương quốc gạch, gốm" ở ĐBSCL. Tuy nhiên, công nghệ lạc hậu, cộng với sự bùng nổ của ngành vật liệu xây dựng thay thế gạch nung và Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch từ đất sét… đã đẩy làng gạch truyền thống vào giai đoạn thoái trào.

Làng nghề "thoi thóp"

Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, đến tháng 6-2012, tỉnh có gần 1.100 cơ sở sản xuất gạch, ngói với khoảng 2.284 miệng lò và 45 cơ sở sản xuất gốm (380 miệng lò) thì nay 70% cơ sở sản xuất gạch, ngói đã ngưng hoạt động, 30% còn lại đang hoạt động cầm chừng, nhằm giữ nghề truyền thống tồn tại hàng chục năm qua.

 Nhiều lò gạch bỏ hoang vì thua lỗ.

Xã Nhơn Phú và Mỹ An, huyện Mang Thít, là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều năm qua các tỉnh miền Đông được đầu tư xây dựng hệ thống lò công nghệ cao, nên gạch từ các tỉnh miền Đông đang chiếm lĩnh thị trường ĐBSCL, các lò gạch truyền thống của Vĩnh Long không thể cạnh tranh nổi. Dọc tuyến đường về trung tâm xã Nhơn Phú và Mỹ An khá nhiều lò gạch đã xuống cấp trầm trọng, nhiều miệng lò đã bỏ hoang, ẩm mốc. Ông Trương Chí Cường, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, gắn bó với nghề gạch hơn 20 năm, chứng kiến thăng trầm của làng nghề, ông chua chát: "Nghề gạch ở đây đã có từ hàng chục năm trước, mỗi lò gạch giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương. Nơi đây đã hình thành "chợ lao động" có lúc lên đến cả trăm người. Không chỉ làm công cho các chủ cơ sở của xã mà nhiều lao động đến "chợ lao động" còn đi theo các ghe gạch xuôi ngược khắp miền Tây để đưa gạch lên. Nhờ vậy, người lao động có thêm thu nhập từ 200.000 đồng – 300.000 đồng/ngày. Giờ đây, lò gạch hoạt động cầm chừng, vật giá leo thang ngày càng khó khăn, có lúc không có việc làm!". Ông Cường cũng như hàng trăm chủ cơ sở khác ở vùng này đang lo lắng, mai này nghề gạch truyền thống sẽ đi về đâu?! Ông Cường có 2 cơ sở sản xuất, với 4 miệng lò đang hoạt động cầm chừng, thương lái đến mua giảm dần, nên lò này làm thì lò kia phải nghỉ.

Toàn xã Nhơn Phú khoảng 2.000 hộ dân, cao điểm số hộ sản xuất gạch chiếm đến ¼ tổng số hộ toàn xã, với trên 1.000 miệng lò hoạt động, góp phần nâng cao cuộc sống cho bà con, đóng góp vào nguồn thu cho xã từ 5 đến 6 tỉ đồng/năm. Đó là chuyện của vài năm trước, hiện tại xã chỉ còn khoảng 150 cơ sở sản xuất.

Nhiều chủ lò gạch ở tỉnh Vĩnh Long ngán ngẩm vì nung gạch cả tháng mới ra một lò, trong khi gạch ở miền Đông sản xuất theo công nghệ mới kiểu lò Hoffman liên hoàn chỉ 15 đến 20 tiếng là gạch ra lò. Giá thành chỉ khoảng 500 đồng/viên, còn gạch Vĩnh Long thì tới 720 đồng/viên. Nếu ra tới cửa hàng thì gạch miền Đông chỉ 750-800 đồng/viên, còn gạch của Vĩnh Long lên tới 1.100 đồng/viên. Công nghệ đã thua "đứt" gạch miền Đông, giá bán lại cao, nên số lượng lò cứ giảm dần vì không cạnh tranh nổi, nhiều chủ lò điêu đứng vì thua lỗ triền miên, hàng ứ đọng.

Đổi mới công nghệ để cứu làng nghề

Ngày 16-4-2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 10, khuyến khích áp dụng vật liệu xây dựng không nung để thay thế gạch đất sét nung, nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên không tái tạo (đất sét và than), bảo vệ môi trường. Chỉ thị quy định đến năm 2015 sẽ có 50% lò tròn truyền thống chuyển sang công nghệ mới ứng dụng Hoffman và đến năm 2020 sẽ xóa bỏ hoàn toàn lò nung thủ công. Thực hiện Chỉ thị 10 đúng lộ trình là thách thức lớn cho làng gạch của tỉnh Vĩnh Long, bởi việc đổi mới công nghệ tốn thời gian, chi phí rất lớn, các chủ lò cũng chưa sẵn sàng.

Theo thống kê của UBND huyện Mang Thít đến thời điểm này, số cơ sở ứng dụng công nghệ mới Hoffman trên địa bàn huyện chưa được 10%. Ông Trương Thành Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít, cho biết: "Để chuyển đổi lò gạch truyền thống sang sản xuất gạch không nung, ứng dụng công nghệ mới, cần vốn rất lớn. Theo tính toán, để có một dây chuyền sản xuất gạch không nung tốn chi phí khoảng 14 tỉ đồng, nên không nhiều cơ sở sản xuất gạch có đủ khả năng chuyển đổi. Địa phương có vận động các doanh nghiệp ứng dụng lò Hoffman và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động, nhưng họ chưa mặn mà". Nghề sản xuất gạch truyền thống của Vĩnh Long bị cạnh tranh khốc liệt bởi gạch miền Đông, trong khi nguồn nguyên liệu tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, 2 thành phần chính để sản xuất gạch là đất sét và trấu phải mua từ các tỉnh lân cận, như Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang… nên chi phí sản xuất và giá thành gạch của Vĩnh Long cao.

Để giải quyết khó khăn về vốn cho các cơ sở sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh chủ trì đề tài "Nghiên cứu hỗ trợ sản xuất, doanh nghiệp sản xuất gạch, gốm cải tiến, đổi mới công nghệ nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường" (lò nung cải tiến) triển khai từ tháng 7-2012 và đã nghiệm thu trong tháng 6-2013. Lò nung cải tiến của tỉnh Vĩnh Long được nghiên cứu thực hiện trên cơ sở nguyên lý hoạt động của lò Hoffman, nhưng được cải tiến, thiết kế áp dụng ưu điểm nguyên lý lửa đảo của lò tròn truyền thống, chỉ trong vòng 24 giờ có thể cho ra 1 lò. Giải pháp cải tiến này phù hợp với quy định của Chỉ thị số 10 và được xem là giải pháp khả thi nhất hiện nay, phù hợp điều kiện địa phương, vừa đảm bảo môi trường, phù hợp với khả năng đầu tư của các cơ sở sản xuất gạch. Đề tài cho kỹ sư Vũ Ngọc Tú làm chủ nhiệm, vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ký quyết định công nhận và cho phép công bố đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Ông Vũ Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, tính toán: "Chi phí để xây dựng lò theo công nghệ mới tương đối phù hợp với khả năng kinh tế của các cơ sở, chỉ khoảng 2,8 tỉ đồng cho 1 lò có công suất 10 triệu viên/năm. Nếu áp dụng lò nung cải tiến giảm từ 400 đến 500gr nhiên liệu trấu/1 viên gạch, trong khi năng suất cao gấp 15 – 20 lần/lò truyền thống đặc biệt không ảnh hưởng đến môi trường"…

Ngành chức năng tỉnh đã nỗ lực duy trì làng nghề, với quyết tâm cải tiến công nghệ sản xuất. Đây là bước khởi đầu cho quá trình đổi mới, duy trì và phát triển làng nghề trong bối cảnh cạnh tranh. Nó đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành chức năng tỉnh mà còn là sự quyết tâm, nhập cuộc của các cơ sở sản xuất. Có như vậy, làng nghề mới tìm lại giá trị truyền thống, tạo thu nhập cho người dân địa phương và đóng góp vào ngân sách tỉnh.

Bài, ảnh: QUỐC TRUNG

Chia sẻ bài viết