30/05/2019 - 09:03

Nỗ lực của ngành công thương 

Tại lễ tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngành Công thương, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, tỷ lệ hàng Việt hiện chiếm từ 80-90% tại các kênh phân phối hiện đại và 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Công thương thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu...

Chuyển biến

Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo Kết luận số 264-KL/TW ngày 31-7-2009 về tổ chức Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (gọi tắt là Cuộc vận động). Thực hiện các kết luận của Trung ương, Chỉ thị của Thủ tướng và các Nghị quyết của Chính phủ đối với Cuộc vận động, ngành Công thương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hưởng ứng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước. Xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại là điểm phân phối hàng Việt hiệu quả.

10 năm qua, ngành Công thương đã đồng hành Cuộc vận động cùng các cấp, địa phương, doanh nghiệp, từ đó làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng, tạo nên diện mạo mới trên thị trường. Người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao chất lượng của hàng hóa Việt Nam, tạo niềm tin và sự quan tâm mua sắm, góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trên thị trường nội địa. Đến nay, đã xây dựng hơn 100 điểm bán hàng Việt cố định ở khoảng 60 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Bộ Công thương tổ chức triển khai hiệu quả công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng tới uy tín và chất lượng của hàng Việt Nam.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, Cuộc vận động đã tạo được niềm tin và quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Đồng thời khơi dậy được tiềm năng về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế. Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, đã có nhiều sản phẩm, hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng. Trong đó, nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của Việt Nam. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều đạt mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới mức 5% trong các năm
gần đây.

 Hiệu quả

Sở Công thương TP Cần Thơ phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố cùng ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người tiêu dùng nhận biết về chương trình và chất lượng hàng hóa khi tham gia mua sắm. Kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền như: Tổ chức các đợt bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu đông dân cư, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi, tuyên truyền qua hội nghị, các buổi tập huấn… Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, hằng năm Sở Công thương TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ngoài ra, còn phối hợp  UBND quận, huyện và đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND thành phố về việc thực hiện Chương trình bình ổn thị trường và tích cực hưởng ứng Cuộc vận động.

Những năm qua, tại TP Cần Thơ không xảy ra các trường hợp khan hàng, sốt giá, ngay cả trong những đợt cao điểm lễ, Tết. Để thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, Sở Công thương TP Cần Thơ đã ký thỏa thuận kết nối cung - cầu hàng hóa ổn định thị trường với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Thường xuyên trao đổi thông tin diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu giữa các tỉnh, thành để kịp thời phối hợp xử lý, nhằm ổn định thị trường giá cả. Phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường và các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Găm hàng, vận chuyển mua bán hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố gặp gỡ các nhà thu mua, các nhà phân phối (siêu thị, chợ đầu mối...) ở các tỉnh, thành để trao đổi, tìm hiểu sản phẩm, hàng hóa và ký kết hợp tác tiêu thụ. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các địa phương tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chương trình "Tuần khuyến mại" Cần Thơ được tổ chức hằng năm ngày càng thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp. Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện chương trình, có 50 doanh nghiệp đăng ký tham gia, với 60 điểm bán hàng, tổng giá trị hàng dịch vụ thực hiện khuyến mại hơn 23 tỉ đồng.  Năm 2017, có 212 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký tham gia, tổng giá trị hàng dịch vụ thực hiện khuyến mãi hơn 606,5 tỉ đồng. Đến năm 2018 có 250 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ thực hiện khuyến mại hơn 660,5 tỉ đồng. Việc kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại cũng được đẩy mạnh...

Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố có bước phát triển đa dạng. Tổng số chợ hiện có trên địa bàn: 107 chợ bố trí hợp lý trên địa bàn 9 quận, huyện. Hiện có 19 siêu thị, trung tâm thương mại đang hoạt động có hiệu quả (tăng 9 đơn vị so với năm 2009; trên 75 cửa hàng tiện ích thuộc các công ty, tập đoàn như: Vinmart+, Cao cấp Việt, Satrafood, Co.opfood, Bách hóa Xanh…). Từ năm 2009 đến nay Sở Công thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ và UBMTTQVN TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức phiên chợ về nông thôn, khu dân cư và khu công nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và công nhân lao động.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tổ chức lồng ghép Cuộc vận động vào chương trình bình ổn giá; tổ chức thêm các phiên chợ hàng Việt về nông thôn... Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hợp tác thương mại giữa TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, đầu tư sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại tại địa phương, tăng cường hoạt động xúc tiến
thương mại...

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết