01/01/2023 - 05:16

Những việc cần làm để cải thiện sức khỏe trong năm mới 

AN NHIÊN (Theo USA Today, AMA)

Tiêm chủng đầy đủ là một trong những biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe.

Tiêm chủng đầy đủ là một trong những biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe.

Đầu năm mới, mọi người thường đặt ra những mục tiêu phấn đấu mới, bao gồm nâng cao sức khỏe và chất lượng sống. Vì khỏe mạnh là điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu trong cuộc sống, các chuyên gia của Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) khuyến nghị mọi người nên ưu tiên cải thiện sức khỏe để có một năm tràn đầy sinh lực và thành công, thông qua những việc làm cụ thể như:

+ Tăng cường tập thể dục và kiểm soát căng thẳng tinh thần (stress). Nếu mong muốn sở hữu thân hình cân đối và khỏe mạnh hơn, AMA đề nghị mọi người duy trì tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất 150 phút/tuần. Còn với những người thích vận động ở cường độ mạnh hơn thì nên tập luyện 75 phút/tuần.

Ngoài ngủ đủ giấc (ít nhất 7,5 giờ/đêm) và ăn uống lành mạnh, việc thực hiện các hoạt động tốt cho tâm trí - như yoga và thiền - cũng giúp ích trong việc duy trì và cải thiện sức khỏe tâm thần. Khi cảm thấy stress quá mức, đừng ngần ngại tìm đến chuyên gia sức khỏe tâm thần để được trợ giúp.

+ Hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn, thức uống chứa đường. Thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, một số bệnh ung thư và gây giảm tuổi thọ. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí JAMA Network Open còn cảnh báo thức uống chứa đường có thể làm tăng nguy cơ tử vong vì mọi nguyên nhân. Vì thế, các chuyên gia AMA khuyên mọi người giảm dùng thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường, đồng thời thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn hằng ngày như ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, tiêu thụ nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn (như rau quả tươi, dầu ôliu, các loại quả và hạt), uống nước lọc.

+ Tiêm chủng đầy đủ. Thực tế cho thấy tiêm chủng là cách hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh tật cũng như cứu sống hàng triệu người mỗi năm, song vẫn có nhiều người bị bệnh hoặc chịu cảnh tàn tật vì các bệnh truyền nhiễm vốn có thể phòng ngừa bằng vaccine. Đó là lý do tại sao cập nhật lịch tiêm chủng cho cả gia đình có ý nghĩa quan trọng. AMA khuyên mọi người nên tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine cần tiêm nhắc, như vaccine cúm và vaccine COVID-19.

+ Khám sức khỏe định kỳ. Số liệu thống kê cho thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hàng triệu người đã bỏ lỡ việc khám sàng lọc để chẩn đoán ung thư vú, đại trực tràng và tuyến tiền liệt. Trong khi đó, Chủ tịch AMA Jack Resneck cho biết những bệnh ung thư này khó điều trị và nguy cơ tử vong cao hơn khi được phát hiện muộn. Đó là lý do họ khuyến cáo mọi người chú trọng kiểm tra sức khỏe định kỳ.

+ Kiểm soát huyết áp và tìm hiểu nguy cơ tiểu đường tuýp 2. Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ của nhiều căn bệnh nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận... Do vậy, điều quan trọng là cần hiểu rõ tình trạng huyết áp của bản thân và tích cực thực hiện các biện pháp duy trì mức huyết áp trong phạm vi an toàn, qua đó giảm thiểu các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hơn 80% người trưởng thành không biết bản thân đang trong tình trạng tiền tiểu đường. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho biết tiểu đường tuýp 2 là một yếu tố rủi ro đáng kể, dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi mắc COVID-19, bao gồm nguy cơ nhập viện điều trị hoặc tử vong. Vì vậy, mọi người nên tầm soát nguy cơ tiểu đường tuýp 2 trong các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ.

+ Hạn chế uống rượu và cai thuốc lá. Để giảm nguy cơ phát triển vấn đề sức khỏe do rượu, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị hạn chế uống rượu ở mức tối đa 1 ly/ngày với nữ và 2 ly/ngày với nam. Ngoài ra, AMA cũng khuyên mọi người nên nhờ bác sĩ hỗ trợ trong việc cai thuốc lá hoặc các sản phẩm thuốc lá điện tử khác.

+ Tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Đối với bất kỳ ai dùng thuốc theo toa, chuyên gia y tế khuyến cáo uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, bảo quản thuốc an toàn để ngăn ngừa quên uống hoặc uống thuốc quá liều.

+ Giảm thời gian dùng thiết bị điện tử. Mặc dù đại dịch COVID-19 đã thay đổi đời sống của mọi người, đồng thời cho phép tận dụng các công cụ kỹ thuật số để làm việc từ xa, học tập tại nhà và duy trì kết nối cá nhân qua mạng. Nhưng việc “dán mắt” vào màn hình điện tử quá nhiều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Đó là lý do chúng ta nên chủ động giảm thời gian xem màn hình điện tử.

Chia sẻ bài viết