17/11/2014 - 14:26

Những vị rau thuốc hay trong vườn nhà

Tận dụng khoảng đất trống quanh nhà hay sân thượng, ban công, nhiều gia đình trồng một số loại rau thông dụng, vừa góp phần cải thiện dinh dưỡng bữa ăn gia đình, vừa yên tâm về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Và điều đặc biệt, nhiều loại rau lại là những vị thuốc hay, giúp điều trị hiệu quả một số bệnh lý thường gặp, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Chị Ngọc Đảnh (phường An Hòa, quận Ninh Kiều) chia sẻ: "Vợ chồng tôi trồng nhiều loại rau như: diếp cá, cải xanh, cải ngọt, rau thơm, quế, hành, nha đam, dưa leo, khế ngọt... trên sân thượng. Buổi tối, vợ chồng tôi dành thời gian tưới rau, vừa hít thở không khí trong lành, vừa cùng nhau trò chuyện, tán gẫu. Vườn rau chính là không gian thư giãn thoải mái nhất, giúp các thành viên trong gia đình vơi bớt ưu phiền trong cuộc sống".

Rau là thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng lo ngại mua phải rau không an toàn, do người trồng sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật; bón phân không cân đối, nhiều đạm và thời gian bón gần với thời điểm thu hoạch dẫn đến tồn lưu nitrat; nguồn nước tưới không sạch hoặc bị ô nhiễm, có nguy cơ thực phẩm bị nhiễm kim loại nặng; sử dụng phân tươi, chưa hoai, dẫn đến nhiễm vi sinh... Do đó, xu hướng hiện nay nhiều người dân sống ở đô thị tranh thủ một số khoảng đất hay không gian trống quanh nhà trồng vườn rau nhỏ để tự cung nguồn thực phẩm tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Lợi ích của vườn rau gia đình là cung cấp rau ngon quanh năm, an toàn, hợp khẩu vị, đầy đủ chất dinh dưỡng; tiết kiệm chi phí sinh hoạt và đảm bảo sức khỏe. Vườn rau còn là nơi thư giãn sau thời gian làm việc và nơi dạy con cái biết yêu thiên nhiên, yêu lao động.

Dễ dàng có rau sạch từ những thùng xốp hoặc khoảng đất trống trong vườn nhà.

Tại Hội thảo duy trì bảo vệ và phát triển cây thuốc, vườn thuốc và con vật làm thuốc đông y, bảo tồn đa dạng sinh học do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Cần Thơ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Đông y thành phố phối hợp thực hiện, Thạc sĩ Lê Thị Thúy Kiều (cán bộ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Cần Thơ) chia sẻ những công dụng làm thuốc của một số loại rau cải thường gặp, vừa cung cấp vitamin và khoáng chất bổ dưỡng cho cơ thể, vừa có tác dụng làm thuốc chữa bệnh.

Sau đây là một số loại rau vị thuốc thường gặp:

+ Rau diếp cá: có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, sát trùng; hỗ trợ điều trị sỏi thận; trị mụn nhọt sưng đỏ (khi chưa có mủ); chữa táo bón, trị chứng đái buốt, đái gắt; trị bệnh trĩ.

+ Cây hẹ: giàu dược tính, có mùi thơm rất đặc trưng, không chỉ dùng nhiều trong các món ăn như nấu canh mà còn là cây thuốc chữa được nhiều bệnh. Hẹ có tác dụng kháng khuẩn mạnh với nhiều loại vi khuẩn. Hẹ có rất nhiều chất xơ, tác dụng giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngừa xơ mỡ động mạch, bảo vệ tuyến tụy.

+ Rau đay: chữa ít sữa, chữa cảm nắng nhẹ, chữa nóng trong người, chữa táo bón, giúp nhuận trường.

+ Rau xà lách: rất thích hợp cho việc giảm cân, có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp cho cơ thể các chất khoáng, enzim, hợp chất hữu cơ, đặc biệt nguồn vitamin E và C phong phú và rẻ tiền lại cung cấp nhiều chất xơ. Xà lách còn có tác dụng giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, lợi sữa, trị ho, suy nhược tâm thần, táo bón, thấp khớp.

+ Rau cần: có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bình can, thanh nhiệt, trừ phong lợi thấp, nhuận phế, ngưng ho, giảm áp suất máu. Tất cả các bộ phận của cây rau này đều có tác dụng chữa bệnh. Rau cần cung cấp nhiều chất xơ, có tác dụng loại trừ các chất thải có độc có trong hệ tiêu hóa. Ngoài ra, hương thơm của rau cần còn kích thích và lưu thông các tuyến mồ hôi, giảm huyết áp.

+ Húng lũi: hương thơm, vị the và một khả năng chữa bệnh tuyệt vời. Húng lũi có chứa hợp chất perillyl, có khả năng giải tán sự tụ tập của các tế bào gây ung thư ruột, phổi, da… Húng lũi còn giúp cải thiện hội chứng kích ứng ruột, làm chậm đi sự tăng sinh của vi khuẩn và các loại nấm gây bệnh. Húng lũi cũng có công năng điều trị bệnh suyễn, các bệnh về hô hấp do khả năng làm nguội và làm dịu cổ họng, mũi, các ống hô hấp.

+ Dưa leo: loại rau rất mát, giòn, ngon ngọt. Dưa leo có chứa pectin, axit và các enzym có thể thúc đẩy sự trao đổi chất, điều trị cháy nắng, tàn nhang, táo bón, dị ứng da… Dưa leo tươi hay nước ép dưa leo còn có thể dùng để giải rượu, ức chế carbohydrate thành chất béo; do đó, ăn dưa leo còn là bí quyết để giảm cân và phòng ngừa bệnh tim mạch vành.

+ Mồng tơi: có tác dụng giúp lưu thông khí huyết, nhuận tràng, da dẻ mịn màng, tươi trẻ hoặc để dưỡng da, làm mịn nếp nhăn ở mặt. Mồng tơi chữa táo bón, đại tiện xuất huyết kinh niên, tiểu tiện không thông, tiểu dắt, tiểu nhỏ, chứng ngực bồn chồn, đầy tức và cầm máu, giúp vết thương mau lành.

+ Rau muống: cung cấp nhiều chất xơ, các vitamin. Những người cao tuổi ăn rau muống thường xuyên ít bị suy giảm tinh thần so với những người ít ăn.

+ Rau húng chanh: có vị chua the, mùi thơm, hăng hăng, tính ấm, đi vào phế, thường dùng giải cảm rất hay và dùng sát khuẩn, tiêu đàm, khử độc. Lá húng chanh có giá trị trị liệu cao, được sử dụng dưới nhiều cách khác nhau như: giã lấy nước uống thô với chút muối để xoa dịu các cơn ho kéo dài, trừ giun sán. Lá húng chanh tươi giã, cho vào băng gạc để đắp, có thể ngăn ngừa nhiễm trùng cho vết thương ngoài da. Lá húng chanh ngâm với rượu dùng để xoa khi đau bụng.

+ Gừng: vừa là gia vị, vừa là vị thuốc với nhiều tác dụng: chống ung thư, chữa viêm khớp, hạ cholesterol, chống nghẽn mạch máu, cường dương, trị rụng tóc, làm tan mỡ…

THU SƯƠNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết