24/03/2019 - 14:41

Những “tuyệt kỹ” của tài tử Tây Đô 

Các nghệ nhân: Hai Lợi, Đào Xinh và Thanh Tùng là 3 trong 8 nghệ nhân Cần Thơ vừa được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Đây là những nghệ nhân gạo cội của đờn ca tài tử Cần Thơ, sở hữu những “tuyệt kỹ” mà giới tài tử Nam bộ đều công nhận.

Tiếng đờn tranh của NNƯT Hai Lợi

Giới đờn ca tài tử Cần Thơ xem NNƯT Hai Lợi như “người anh cả” bởi ngoài lối sống trải lòng, trải đời, thì ông còn am hiểu và giỏi nghề đờn ca. Ông có thể sử dụng nhiều loại đờn cổ nhạc nhưng trứ danh với cây đờn tranh. Tiếng đờn tranh của NNƯT Hai Lợi huyễn hoặc, lúc nhặt - lúc khoan, có bổng - có trầm… làm say lòng người. Nhiều người nói rằng, tiếng đàn tranh của NNƯT Hai Lợi như đem người nghe ra khỏi cuộc sống quay cuồng của xã hội công nghệ hóa, cùng ông bước vào thế giới thanh âm nhiều cảm xúc.

NNƯT Hai Lợi. Ảnh: DUY KHÔI

NNƯT Hai Lợi. Ảnh: DUY KHÔI

Với cây đờn tranh của miền Nam, dây đờn bằng kim loại, tính năng của dây kim loại thường tạo ra thanh âm trong trẻo, véo von. Vậy nhưng NNƯT Hai Lợi đã mang đến cho đờn tranh những âm sắc riêng, trong trẻo thì thật thanh tân mà trầm ấm thì cũng thật xúc cảm. Nghệ nhân ca tài tử thì nói rằng, NNƯT Hai Lợi đờn cho ca thì yên tâm, nhịp nhàng ông nắm chắc “trong lòng bàn tay”, “vớt” được hết những “sự cố” của người ca. Nhưng, “vớt” cho xong rồi thì ông buông đờn, nhỏ nhẹ góp ý, thân tình chỉ bảo. Đồng nghiệp thương ông ở chỗ đó.

Ngoài 70 tuổi nhưng NNƯT Hai Lợi vẫn rất tâm huyết với đờn ca tài tử. Ông vẫn đang tìm và đào tạo những em thiếu nhi yêu thích đờn ca. Ông xem đó là trách nhiệm của một người “gìn vàng giữ ngọc” cho đờn ca tài tử.

“Đệ nhất” ca ra bộ Đào Xinh

“Nghề chính của tôi là hớt tóc. Ca hát là cái nghiệp. Hơn 40 năm qua tôi lấy nghề nuôi nghiệp”, NNƯT Đào Xinh nói về nghiệp đờn ca của mình như vậy. 65 tuổi, NNƯT Đào Xinh vẫn chưa bao giờ làm khán giả thất vọng khi gọi ông là “đệ nhất” ca ra bộ.

Ca ra bộ là bước phát triển mới của đờn ca tài tử, tiền đề cho sân khấu cải lương. Nghệ nhân không còn ngồi hoặc đứng để ca mà còn ra động tác, điệu bộ sao cho phù hợp với nội dung bài ca. Bây giờ, còn không nhiều nghệ nhân theo đuổi cách trình diễn này, nhưng NNƯT Đào Xinh vẫn trọn lòng.

Giọng ca của NNƯT Đào Xinh hào sảng, trầm ấm nhưng khi cần lại tếu táu, dí dỏm. Ông chia sẻ bí quyết rằng, ca ra bộ phải “ca như kể” mà “kể như ca”, diễn cảm, kết hợp động tác ra bộ thật đúng điệu. Những bài ca “để đời” của NNƯT Đào Xinh như “Máu thắm đồng Nọc Nạn”, “Anh Hai tài tử”, “Nối tiếp những chiến công”… Với mọi người, NNƯT Đào Xinh là “đệ nhất” ca ra bộ nhưng với chính ông, ông chỉ xem đó là “cái duyên trời cho”.

NNƯT Đào Xinh (đứng) và NNƯT Thanh Tùng (thứ 2, từ phải qua) trong một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử. Ảnh: DUY KHÔI

NNƯT Đào Xinh (đứng) và NNƯT Thanh Tùng (thứ 2, từ phải qua) trong một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử. Ảnh: DUY KHÔI

 

Khi NNƯT Thanh Tùng ca bài vọng cổ nhịp 16...

Vốn là con “nhà nòi”, cha là nghệ nhân đờn, 5 anh chị em đều ca tài tử hay, nên NNƯT Thanh Tùng biết ca tài tử lúc mới 10 tuổi. Từ bản nhỏ rồi lên bài ca lớn, Thanh Tùng ca chững chạc, tiết tấu, nên được nhiều người đánh giá tiềm năng. Lúc ngoài đôi mươi, anh từng chuyển qua ca nhạc và đạt giải Nhất Giải Ca nhạc huyện Ô Môn (cũ). Nhưng rồi anh nhận ra rằng, dường như sở trường của anh phải là tài tử. Anh quyết chí tôi luyện ngón nghề và NNƯT Hai Lợi chính là người “tiếp sức” cho anh.

NNƯT Thanh Tùng ca được hầu hết bài bản tài tử nhưng để lại dấu ấn đậm nét nhất là bản vọng cổ nhịp 16. Hơn 20 năm qua, nhắc đến giọng ca Thanh Tùng Cần Thơ ca vọng cổ nhịp 16, tài tử Nam bộ đều phải khen hay. Điều này được minh chứng khi anh vinh dự là nghệ nhân trình diễn trong chương trình UNESCO vinh danh Đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2014. Lời giới thiệu: “Nghệ nhân Thanh Tùng của TP Cần Thơ sẽ ca bài vọng cổ nhịp 16 “Chuyện người xưa”!” là một niềm tự hào không nhỏ! Hay tại đêm khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I tại Bạc Liêu, NNƯT Thanh Tùng cũng được mời ca bản vọng cổ nhịp 16 “Sầu vương biên ải”. Cũng tại sự kiện này, Thanh Tùng đã đạt Huy chương Vàng cũng với bài vọng cổ nhịp 16 “Tâm sự Cao Văn Lầu”.

Nói về vọng cổ nhịp 16, không quá lời khi nói đây là bản nhạc không dành cho người “yếu nghề”. Bởi chỉ cần ca “suông” thôi đã khó vì bản vọng cổ nhịp 16 rất khó canh nhịp và thể hiện được cái thần bài ca. Vậy nhưng điều độc đáo ở NNƯT Thanh Tùng là lối ngân nga, tự sự lại bạo dạn ca chẻ nhịp vô cùng điệu nghệ. Nói bạo dạn vì chỉ cần một chút sơ sảy, sẽ ca trật nhịp ngay. Người mộ điệu còn thích giọng ca Thanh Tùng ở sự đằm thắm, từng trải mà xúc cảm, không màu mè, chỉnh sửa.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết