12/01/2021 - 09:08

Những thông tin hữu ích về bệnh suy thận 

Trong chuỗi chương trình Livestream Sống khỏe cùng Hoàn Mỹ, tổ chức vào cuối năm 2020, các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tư vấn trực tuyến nhiều vấn đề chăm sóc sức khỏe hữu ích cho cộng đồng. Chương trình xoay quanh bệnh lý suy thận và các bệnh đường tiết niệu.

Các diễn giả BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tư vấn trực tuyến tại chương trình Sống khỏe cùng Hoàn Mỹ vào cuối tháng 12-2020.                        

Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng thận, được chia thành 2 nhóm là suy thận cấp và suy thận mạn. Suy thận cấp diễn ra trong vài ngày, sau khi điều trị có thể phục hồi một phần hoặc hoàn toàn chức năng thận. Ngược lại, suy thận mạn là quá trình tiến triển không thể phục hồi chức năng thận. Các biện pháp điều trị chỉ giúp làm chậm tiến triển và ngăn ngừa biến chứng của suy thận mạn. Khi chức năng thận suy giảm tới 90%, người bệnh cần được điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.

Theo diễn giả chương trình, BS CKII Nguyễn Thị Mai Lan, Trưởng Khoa Thận tiết niệu, thống kê tại BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, người có yếu tố nguy cơ cao bị suy thận khi mắc bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường. Ðây cũng là nguyên nhân có liên quan đến yếu tố di truyền của người suy thận. Suy thận còn là hậu quả của việc tự ý hoặc dùng quá liều, lâu dài nhóm thuốc kháng viêm. Một số nguyên nhân khác dẫn đến suy thận gồm bệnh thận đa nang, viêm cầu thận, bệnh nhân mắc bệnh đường tiết niệu, phì đại tiền liệt tuyến.

Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có 3 phương pháp điều trị thay thế với những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Người bệnh chạy thận nhân tạo định kỳ 2-3 lần/tuần, có tốc độ thải độc nhanh. Ngoài thời gian lọc, người bệnh có thể sinh hoạt, làm việc bình thường. Tuy nhiên, người bệnh lọc thận mất nhiều thời gian, tuân thủ chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt. Còn thẩm phân phúc mạc thuận lợi cho người bệnh tự làm tại nhà. Song bác sĩ không chỉ định cho bệnh nhân trên 65 tuổi. Phương pháp này còn đòi hỏi người bệnh có điều kiện sống với nguồn nước sạch và hiểu biết nhất định về chăm sóc, vệ sinh y tế. Phương pháp được xem là ưu việt hơn cả là ghép thận nhưng đòi hỏi phải có người cho phù hợp, chi phí ghép cao, sau ghép bệnh nhân tuân thủ uống thuốc chống thải ghép, hệ miễn dịch yếu, dễ nhiễm khuẩn. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc tình trạng người bệnh, điều kiện kinh tế để tư vấn phương pháp phù hợp.

Buổi tư vấn trực tuyến của BV có nhiều câu hỏi liên quan đến thời gian sống của người suy thận, BS Mai Lan động viên người bệnh có thể lạc quan vì có nhiều bệnh nhân đang sống sau 30 năm phát bệnh. Ngoài hiệu quả của các giải pháp điều trị, để kéo dài tuổi thọ, bệnh nhân cần tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa, thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, thoải mái tinh thần; thường xuyên vận động, khám sức khỏe định kỳ.

Với câu hỏi có phải người bệnh thận không nên uống sữa đậu nành? BS Mai Lan giải thích, sữa đậu nành là nguồn thực phẩm giàu đạm thực vật, tốt cho sức khỏe người mắc bệnh lý này. Người bệnh chỉ hạn chế uống sữa đậu nành hay chất lỏng nói chung khi lượng nước đưa vào vượt quá lượng nước cơ thể thải ra. Bác sĩ cũng khuyến cáo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân suy thận mạn là hạn chế lượng muối, vì ăn quá mặn gây tăng huyết áp, tổn thương nhanh tế bào thận; hạn chế các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo; ăn lượng đường trong thực phẩm vừa đủ, kiểm soát đường huyết ổn định. 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết