28/12/2018 - 20:04

Những thay đổi lớn ở Trung Đông 

2018 là một năm đầy biến động ở Trung Đông. Dưới đây là 5 sự kiện được cho là biểu hiện của những thay đổi lớn hơn, dài hơi hơn, có thể làm thay đổi cục diện khu vực trong những năm tới.

Thảm họa Yemen

Cuộc chiến ở Yemen đã tàn phá đất nước nghèo nhất trong khu vực và đẩy người dân đến bờ vực của nạn đói mà theo Liên Hiệp Quốc là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Theo đó, hơn một nửa dân số Yemen có nguy cơ bị đói, cần được hỗ trợ nhân đạo và nửa triệu trẻ em nước này suy dinh dưỡng. Năm 2015, liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu bắt đầu can thiệp quân sự vào Yemen, khiến hơn 100.000 người thiệt mạng. Tổ chức Cứu trợ trẻ em ước tính, ít nhất 36.000 trẻ em Yemen đã chết trong năm 2018, chủ yếu là do đói khát.

Một trẻ em Yemen chỉ còn “da bọc xương”. Ảnh: AP

Trung Quốc “nhảy vào” Trung Đông

Ngày 9-7-2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố một loạt thỏa thuận với tổng trị giá khoảng 20 tỉ USD nhằm giúp các nước Syria, Yemen, Jordan và Lebanon phục hồi kinh tế. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng hứa sẽ viện trợ 15 triệu USD cho Palestine. Cam kết này đánh dấu sự khởi đầu của sáng kiến “Vành đai, Con đường-BRI” đối với khu vực nhưng dường như ít ai biết mục tiêu thực sự của Trung Quốc ở Trung Đông là gì ngoại trừ việc nước này gần đây đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực.

Iran trỗi dậy

Năm 2018, Iran gia tăng ảnh hưởng đáng kể tại Iraq, Syria và Lebanon. Năm 2014, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt đầu hậu thuẫn cho hàng chục nhóm bán quân sự người Hồi giáo dòng Shiite chống lại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq. Tháng 3-2018, Chính phủ Iraq đã chính thức hợp nhất Các đơn vị huy động nhân dân (PMU), được cấu thành chủ yếu từ các nhóm do Tehran hỗ trợ, vào lực lượng quân đội thường trực bất chấp sự phản đối của Mỹ vốn cho rằng động thái này sẽ củng cố ảnh hưởng của Iran.

Tại Syria, hàng trăm ngàn dân quân do Iran hậu thuẫn đã chiến đấu để bảo vệ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Một phần nhờ vào sự hỗ trợ của quân đội Iran, ông al-Assad năm 2018 vẫn “yên vị”.

Còn tại Lebanon, phong trào Hồi giáo Hezbollah do Iran hậu thuẫn cùng các đồng minh đã thắng lớn trong cuộc bầu cử tháng 5-2018. Cụ thể, liên minh do Hezbollah dẫn đầu giành hơn 1/3 số ghế trong quốc hội 128 ghế.

Saudi Arabia bị tai tiếng

Ngày 2-10, nhà báo Jamal Khashoggi mất tích sau khi đi vào lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để đăng ký kết hôn với một phụ nữ địa phương. Đến ngày 20-10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi, người thường chỉ trích Riyadh, chết sau một vụ ẩu đả. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các bằng chứng ghi âm cùng video cho thấy ông Khashoggi bị nhóm đặc vụ Saudi Arabia giết ngay trong lãnh sự quán. Song, nỗ lực đưa ra chứng cứ ngoại phạm của Saudi Arabia đã khiến nhiều nghị sĩ Mỹ giận dữ. Trong khi đó, các quốc gia như Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan và Đức tuyên bố ngừng bán vũ khí cho Riyadh. Phản ứng chưa từng có đối với chính sách đối nội, đối ngoại của Saudi Arabia được cho sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của nước này trong nhiều năm tới.

Palestine bị bỏ rơi

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và di dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến đây. Quyết định này đã làm thay đổi hoàn toàn lập trường của Washington gần 7 thập kỷ qua, đe dọa kích động làn sóng bạo lực mới ở Trung Đông cũng như làm xáo trộn tương lai chính trị của Palestine. Giới quan sát và phân tích người Palestine cho rằng quyết định này là cái chết chính thức của giải pháp 2 nhà nước.

Chỉ ít lâu sau tuyên bố của ông Trump, Israel thông qua luật “Nhà nước Do Thái” mà theo đó chỉ những người Do Thái mới có quyền quyết định vận mệnh dân tộc, đồng thời cấm sử dụng tiếng A-rập như một ngôn ngữ chính thức song song với tiếng Do Thái. Sau đó, một số nước A-rập cũng đã công khai quan hệ đối tác với Israel.

TRÍ VĂN (Theo Al Bawaba)

Chia sẻ bài viết