05/09/2007 - 17:06

Những rào cản nào phải vượt qua?

Từ lâu, nhiều doanh nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuất khẩu hàng hóa nông, thủy sản, thủ công mỹ nghệ... vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn và không ít đơn vị đã bị vướng mắc bởi các rào cản. Làm gì, để hàng hóa của ĐBSCL xuất khẩu thành công vào thị trường to lớn EU?

THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU LỚN

EU hiện có 27 nước thành viên, với gần 500 triệu người có thu nhập cao, một nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dự báo năm 2007, tổng kim ngạch ngoại thương của EU gần 1.400 tỉ USD, chiếm gần 20% thương mại toàn cầu. Nếu tính cả mậu dịch nội khối thì tổng kim ngạch mậu dịch là 3.092 tỉ USD, chiếm 41,4% thị phần thế giới. EU đứng đầu thế giới về xuất khẩu dịch vụ, chiếm 43% thị phần thế giới, gấp 2,5 lần Mỹ và chiếm 42,7% nhập khẩu dịch vụ thế giới. Trong đó, 65,5% nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, 22,5% năng lượng, 7,2% nông sản và 4,8% các sản phẩm sơ cấp khác. Trong cuộc hội thảo “Kinh doanh ở thị trường EU” mới vừa được tổ chức ở Cần Thơ, ông Nicholas Greenfiel, Giám đốc Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam, đã giới thiệu với các doanh nghiệp xuất khẩu ĐBSCL là tiềm năng xuất khẩu của hàng hóa khu vực ĐBSCL sang EU đang nhiều hứa hẹn.

Thủy sản là mặt hàng chủ lực của ĐBSCL xuất khẩu sang EU. Trong ảnh: Chế biến sản phẩm thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần thủy sản Hiệp Thanh - Thốt Nốt (TP Cần Thơ).

Đây là thị trường xuất khẩu to lớn của Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng. Kể từ năm 1990, khi Việt Nam và EU thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế và thương mại Việt Nam-EU đã phát triển rất nhanh và mạnh. EU đã trở thành một trong những đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm gần 20%. Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU chính yếu là giày dép, dệt may, đồ gỗ, cà phê, thủy sản... Theo Eurostat, năm 2006, thương mại hai chiều giữa EU-Việt Nam đạt 8,75 tỉ euro, tăng 18% so với năm 2005. Trong đó, EU nhập khẩu khoảng 6,8 tỉ euro. Dự báo năm nay, Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt kim ngạch 8,3 tỉ USD, tăng 22% so với năm 2006. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là hàng dệt may, thủy sản, cao su tự nhiên, đồ gỗ, cà phê, thủ công mỹ nghệ... sẽ tăng mạnh. Đó cũng là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông, thủy sản của ĐBSCL.

ĐỂ THÀNH CÔNG TRÊN THỊ TRƯỜNG EU

Các nhà nghiên cứu EU cho rằng, ĐBSCL hiện chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 65% lượng thủy hải sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước, có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường EU mở rộng. Như thủy sản -mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL- là nhu cầu tiêu dùng rất lớn của EU, nhưng hiện nay tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này từ ĐBSCL đối với EU chiếm rất nhỏ, không đáng kể.

Tuy nhiên, hàng hóa của ĐBSCL cũng đang đối mặt với nhiều thách thức với thị trường rất khó tính này. Điều đầu tiên là phải vượt qua 5 rào cản về các tiêu chuẩn: chất lượng, vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, lao động. Như vậy, các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL muốn xuất khẩu thành công ở thị trường EU cần phải tìm hiểu các đặc điểm cung-cầu về hàng hóa nhập khẩu, phải áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn như ISO 9000, HACCP, ISO 14000, SA 8000... Đối với các sản phẩm chế biến thực phẩm như thủy sản xuất khẩu của ĐBSCL phải áp dụng tiêu chuẩn HACCP (Hazard Analysis Critical Control Point) là hệ thống phân tích mối nguy và xác định điểm kiểm soát trọng yếu. Đây là yêu cầu bắt buộc của EU. Các chuyên gia kinh tế cho rằng để xâm nhập một thị trường khó tính như EU, đặc biệt trong bối cảnh EU giám sát xuất xứ đối với hàng thủy sản Việt Nam, thì cần khuyến cáo cho các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản biết các tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định ngặt nghèo của EU; bảo đảm an toàn thực phẩm từ nuôi trồng đến tận khâu thu hoạch, chế biến và xuất khẩu.

Ông Uwe Hoelzer, Tổng giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam, cho biết mỗi năm tiêu thụ hơn 1.000 tấn cá của ĐBSCL và xem nơi đây là nhà cung cấp chính các loại tôm sú và cá da trơn cho Metro Cash & Carry Đức với sản lượng 5 triệu euro/tháng, để phân phối cho thị trường EU. Ông Uwe Hoelzer đúc kết: “Danh tiếng và thuận lợi thì rõ ràng là lớn, nhưng cả hai yếu tố này dễ bị mất đi nhanh chóng nếu không tuân thủ theo một điểm quan trọng. Đó là tính đồng nhất và đáng tin cậy của chất lượng. Việc cung cấp đồng nhất các sản phẩm chất lượng tốt, sản phẩm không sử dụng hóa chất bị cấm hoặc thuốc trừ sâu là đều rất quan trọng cho tương lai thành công của vùng ĐBSCL”.

Đối với các loại rau quả được chế biến là mặt hàng được thị trường EU ưa chuộng cũng vậy. TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng để trái cây ĐBSCL xâm nhập vào thị trường EU thì phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ngon, đẹp, có xuất xứ hàng hóa rõ ràng, phải đạt tiêu chuẩn EUREGAP. Các nhà nghiên cứu thị trường EU cho biết thêm là tăng cường quản lý chất lượng, hạn chế sử dụng quá mức thuốc trừ sâu, phân bón và các hóa chất khác trong sản xuất nông nghiệp cần được thực hiện một cách hệ thống, để có thể tạo ra bước đột phá về cải thiện chất lượng; qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng nông sản tại một thị trường lớn và khó tính như EU.

Việt Nam đã là thành viên WTO, cánh cửa xuất khẩu cho hàng hóa nông, thủy sản ĐBSCL đang mở rộng ra thị trường thế giới nhất là thị trường EU. Với những thành công và thách thức trong thời gian qua sẽ là bài học kinh nghiệm lớn để các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL vươn ra biển lớn, thâm nhập thành công thị trường EU.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Chia sẻ bài viết