18/05/2016 - 14:21

Những phát hiện mới về mối liên hệ sức khỏe giữa mẹ bầu và em bé

Trong một loạt nghiên cứu tìm hiểu mối liên hệ giữa lối sống, chế độ ăn uống và sức khỏe của bà bầu với em bé, các nhà khoa học đã rút ra nhiều phát hiện mới có thể giúp cha mẹ hiểu để chăm sóc con tốt hơn từ trong bụng.

Chứng béo phì và thừa cân của trẻ bắt nguồn từ trong bụng mẹ

Các nhà khoa học tại trường Cao đẳng Hoàng đế Luân Đôn (Anh) đưa ra cảnh báo trên sau khi theo dõi những bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ, tình trạng chỉ xảy ra khi thai phụ có quá nhiều đường trong máu, có thể dẫn đến các biến chứng bao gồm sẩy thai và thai chết lưu.

Nghiên cứu, công bố trên tạp chí Diabetes Care, đã theo dõi 44 trẻ sinh ra bởi những phụ nữ khỏe mạnh với 42 trẻ là con của các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Các bé được so sánh lượng mỡ trong cơ thể bằng cách chụp cộng hưởng từ (MRI). Vào lúc các bé được 10 tuần tuổi, các chuyên gia nhận thấy con của những phụ nữ từng bị tiểu đường thai kỳ có lượng mỡ trong cơ thể trung bình nhiều hơn 16% so với nhóm đối chứng. Theo Tiến sĩ Karen Logan, tác giả chính của nghiên cứu, phát hiện mới này cho thấy bệnh tiểu đường ở người mẹ có thể kích hoạt những thay đổi quan trọng về trao đổi chất ở em bé từ rất sớm (bởi máu của người mẹ truyền cho thai nhi thông qua nhau thai). Do tiểu đường thai kỳ ngày càng phổ biến và con của những bà mẹ này có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu đường khi trưởng thành, nên chúng ta cần hiểu rõ ảnh hưởng của thai phụ đối với em bé.

Trong một nghiên cứu khác có liên quan, các nhà khoa học Canada phát hiện bà bầu dùng nước ngọt và các loại đồ uống chứa đường nhân tạo khác trong thai kỳ có liên quan với tình trạng thừa cân ở bé sau khi chào đời. Trong số 3.033 bà mẹ được theo dõi sức khỏe và dinh dưỡng bằng bảng câu hỏi, các nhà khoa học tại Đại học Manitoba ghi nhận gần 30% sử dụng đồ uống chứa đường hóa học khi mang thai. Sau khi loại trừ các yếu tố của mẹ có thể ảnh hưởng đến thể trạng của bé như chỉ số khối cơ thể (BMI), tuổi tác, thời gian cho con bú, thói quen hút thuốc, bệnh tiểu đường thai kỳ…, họ thấy rằng so với con của những người không uống nước ngọt lúc mang thai, con của những phụ nữ uống trung bình 1 phần nước ngọt chứa đường nhân tạo mỗi ngày có gấp đôi nguy cơ thừa cân vào lúc 1 tuổi.

Ảnh: Shutter Stock và PTI

Tuy không khẳng định thai phụ uống nước ngọt chứa đường nhân tạo khiến con bị thừa cân về sau, song nhóm nghiên cứu khuyến cáo chị em tốt nhất tránh xa loại thức uống vô bổ này như một cách đề phòng các nguy cơ sức khỏe ở bé.

Những tác động không ngờ của stress và axít folic

Thai phụ bị căng thẳng tinh thần (stress) và trầm cảm từ lâu được xem là có hại cho sức khỏe của em bé, nhưng một nghiên cứu mới phát hiện trạng thái tâm lý này mang lại một số lợi ích nhất định cho trẻ.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Đại học Basel (Thụy Sĩ) theo dõi 100 bà mẹ và con của họ trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh. Tiếp theo, họ lấy máu cuống rốn từ 39 trẻ sơ sinh và đánh giá cortisol – hoóc-môn gây căng thẳng tinh thần – trong mẫu nước bọt của mẹ, đồng thời đánh giá những vấn đề căng thẳng trong cuộc sống và sức khỏe tâm thần của những người này thông qua bảng câu hỏi. Kết quả cho thấy nồng độ các hoóc-môn gây stress và các triệu chứng trầm cảm của người mẹ khi mang thai có liên quan đến những thay đổi biểu sinh trong cơ thể đứa trẻ. Cụ thể là nó làm thay đổi gien thụ thể oxytoxin – đóng vai trò quan trọng đối với hành vi xã hội và khả năng thích nghi với căng thẳng – cho phép nó được kích hoạt dễ dàng hơn.

Phát hiện này cung cấp bằng chứng cho thấy hoàn cảnh bất lợi trong quá trình mang thai đôi khi cũng có thể kích hoạt các cơ chế bảo vệ em bé, giúp bé phát triển khả năng vượt qua những thách thức và nghịch cảnh trong tương lai. Nói cách khác, căng thẳng trong thai kỳ làm tăng tính kiên cường ở trẻ.

Trong khi đó, việc thai phụ bổ sung axít folic (folate) được xem là cần thiết nhằm phòng ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, nhưng một nghiên cứu gần đây phát hiện thừa dưỡng chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã theo dõi sức khỏe của 1.391 bà mẹ và em bé, trong đó, việc đo hàm lượng folate được tiến hành trong vòng 1-3 ngày sau khi sinh. Các chuyên gia phát hiện nếu nồng độ folate của mẹ quá cao sau sinh, nguy cơ mắc chứng tự kỷ của con sẽ tăng gấp đôi so với các trường hợp khác. Điều này cho thấy, nguy cơ tiềm ẩn rất nghiêm trọng nếu người mẹ dùng quá liều folate trong thai kỳ.

Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo chị em không nên quá lo lắng mà từ bỏ loại dưỡng chất có lợi này. Điều cần nhấn mạnh ở đây chính là liều lượng, bởi hệ quả nói trên chỉ xảy ra với các trường hợp người mẹ có hàm lượng folate cao gấp 4 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo cơ quan này, thai phụ trong 3 tháng đầu của thai kỳ chỉ cần bổ sung folate với nồng độ từ 13,5-45,3 nanomol/lít máu là đủ.

HOÀNG ĐIỂU
(Theo Daily Mail, AFP, DNA, India Times)

Chia sẻ bài viết