03/03/2023 - 09:20

Những người trẻ thêm sắc hồng cho quýt Lai Vung 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, vườn quýt hồng Ba Liên (ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp) là điểm tham quan được nhiều người lựa chọn. Với cách tiếp đón chuyên nghiệp, ân cần cùng vườn quýt hồng đẹp như tranh, những hình ảnh từ vườn quýt hồng Ba Liên lan tỏa mạnh trên mạng xã hội. Ðằng sau thành công ấy là câu chuyện của những người trẻ cố công gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.

Phạm Thị Ðủ bên vườn quýt hồng dịp Tết 2023.

Thoạt nghe tên vườn quýt là Ba Liên, nhiều người nghĩ đó là tên của một lão nông tri điền miệt vườn Lai Vung. Nhưng không, đó là cô gái sinh năm 1991 Phan Thị Bích Liên. Ba Liên từng đi học nước ngoài, về nước làm việc và hiện là phiên dịch viên cho một công ty nước ngoài. Cách đây khoảng 5 năm, Ba Liên đã tiếp quản khu vườn rộng khoảng 30 công đất trồng cây ăn trái, trong đó gần 20 công trồng quýt hồng Lai Vung, của gia đình. Cô mong muốn nâng tầm loại trái cây đặc sản gắn liền với quê hương từ trăm năm qua; và kết hợp làm du lịch là cách mà Ba Liên chọn lựa.

Ðồng hành cùng Ba Liên còn có hai người chị em trong gia đình là Phạm Thị Ðủ, sinh năm 1987 và Phan Văn Sang, sinh năm 1999 (ba người là chị em họ). Cùng chung tình yêu với cây quýt, ba chị em quyết tâm khôi phục vườn quýt để làm du lịch, phân chia công việc rõ ràng: Ba Liên do phải đi làm xa nên đảm trách công việc quản trị, hoạch định chiến lược và đầu tư; Ðủ lo nhiệm vụ đón, hướng dẫn và phục vụ khách tham quan; Sang thì chuyên lo kỹ thuật trồng quýt. Từ vườn quýt cằn cỗi trước đây, nay thì vườn quýt hồng Ba Liên nổi lên như một “hiện tượng” du lịch vào dịp giáp Tết Nguyên đán hằng năm.

Phan Văn Sang kể, ngay từ năm học lớp 7, lớp 8, em đã được ba hướng dẫn làm vườn nên khá thông thạo các công việc. Năm Sang học lớp 9, ba em qua đời và từ đó em nối nghiệp ba. Sang nhớ lại, 4 năm trước, không chỉ vườn Ba Liên mà nhiều vườn quýt hồng ở Lai Vung, cây bị vàng lá thối rễ hư đến 80% diện tích. Các nhà khoa học ở Trường Ðại học Cần Thơ vào cuộc và đánh giá một phần nguyên nhân do lạm dụng phân hóa học, làm hư cấu tạo đất. Khuyến cáo được đưa ra là bà con nên thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tự nhiên, cải tạo đất, dùng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học thay thế. Sang làm theo và từng bước thành công.

Ngoài ra, vườn Ba Liên còn thực hiện việc trồng cỏ phủ bồi, sử dụng phân chuồng theo hướng truyền thống và dùng thiên địch diệt côn trùng gây hại. Với cách làm này, sản lượng trái của vườn đạt hiệu quả tốt, khoảng 2,5 tấn quýt hồng/công. Phan Văn Sang chia sẻ phương châm của nhà vườn rất hay rằng: “Du lịch xanh, nông nghiệp sạch, thêm màu xanh cho quê hương”.

Phan Văn Sang tâm tình: “Em là đời thứ 3 trong gia đình trồng quýt hồng, em cố gắng giữ nghề của cha ông. Em cũng muốn chung tay cùng bà con Lai Vung bảo tồn nguồn gien của loại trái cây đặc sản này”. Năm 2022, vườn quýt hồng Ba Liên tham gia Ðề án Bảo tồn nguồn gien cây quýt hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020-2024, được UBND tỉnh Ðồng Tháp phê duyệt. Ðề án đưa ra 7 nhóm giải pháp thực hiện, bao gồm giải pháp về quy hoạch; khoa học công nghệ; đào tạo, tập huấn, thông tin - tuyên truyền; cơ giới hóa sản xuất; kỹ thuật canh tác; sản xuất và cung ứng giống; sản xuất, cung ứng phân hữu cơ. Phan Văn Sang, chàng trai sinh năm 1999 đã tâm huyết và bám sát các giải pháp này để khôi phục vườn nhà.

Quýt hồng mỗi năm chỉ cho trái một vụ và thu hoạch vào dịp cận Tết. Trước đó, nhiều nhà vườn ở Lai Vung mở dịch vụ cho khách tham quan, trải nghiệm. Hai năm qua, dịch vụ tham quan này đã giúp vườn Ba Liên có thêm khoản thu nhập khá, bên cạnh bán quýt. Người chuyên công việc này là cô gái sinh năm 1987 Phạm Thị Ðủ. Ðủ có gương mặt ưa nhìn, tính tình vui vẻ và tiếp đón, hướng dẫn khách không khác hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Từ chuyện canh tác quýt hồng, đến cách lựa chọn trái ngon, giới thiệu về đất và người Lai Vung... Ðủ đều khiến cuộc trò chuyện rôm rả, thú vị. Anh Phạm Khắc Huy, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, nói: “Vườn quýt cho trái rất đẹp, không gian vườn thơ mộng, người hướng dẫn thì nhiệt tình, tôi rất hài lòng về chuyến đi này”.

Phạm Thị Ðủ nói rằng, thay vì phải ly hương làm ăn xa thì cô chọn lập nghiệp ngay chính quê hương. Ðiều tâm huyết nữa là Ðủ muốn giới thiệu trái quýt hồng đến với du khách gần xa, để đặc sản quê nhà được nhiều người biết đến. Cứ vậy, hai chị em Ðủ và Sang thường trực tại vườn, vun vén cho vườn thêm tươi tốt và thường xuyên “họp online” với Ba Liên, bàn chiến lược phát triển vườn cho vụ tới.

Thành công của ba bạn trẻ cho thấy tương lai của quýt hồng Lai Vung. Những ngày này, Phan Văn Sang ngày ngày cặm cụi bên từng cây quýt, chăm bón cho vụ sau sai oằn trái chín; Ðủ thì tạo tác thêm các tiểu cảnh, suy nghĩ ra nhiều món ngon để phục vụ khách. Ba Liên cũng cặm cụi vạch ra những kế sách dài hơi cho nhà vườn. Ðể mỗi dịp cuối năm, khách đến vườn quýt Ba Liên tham quan đều cảm nhận “mỗi năm mỗi khác”. 

Chia sẻ bài viết