10/07/2011 - 08:20

Những người hùng cao niên ở Nhật Bản

Không khoanh tay đứng nhìn quê hương đối mặt với nguy cơ phóng xạ, hai nhà khoa học kỳ cựu ở Nhật Bản đã đứng ra thành lập Hội cựu chuyên gia, tập hợp các tình nguyện viên về hưu và có chuyên môn sẵn lòng tham gia khắc phục sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nơi bị ảnh hưởng nặng nề sau thảm họa kép ngày 11-3.

 

Hai ông Nobuhiro Shiotani và Yasuteru Yamada, cùng 72 tuổi, đã lập ra kế hoạch mà một số người coi đó là hành động quả cảm, trong khi số khác cho là dại dột và tự sát. Đầu tháng 4, ông Yamada (ảnh) bắt đầu gọi điện thoại cho các đồng nghiệp cũ. Cựu kỹ sư môi trường này đã viết nhiều thư tay và thư điện tử, thậm chí gia nhập mạng xã hội Twitter để gửi thông điệp đến 2.500 người. Kết quả, 400 người (cả nam lẫn nữ) đã gia nhập Hội cựu chuyên gia, trong đó có các kỹ sư điện, công nhân xây dựng, thành viên lực lượng đặc nhiệm của quân đội, đầu bếp... Người trẻ nhất 68 tuổi, già nhất 78 tuổi.

Nhiều người cho rằng trách nhiệm khắc phục sự cố tại nhà máy điện hạt nhân phải thuộc về chính những người đã để điều đó xảy ra, tức ban quản lý nhà máy Fukushima số 1 thuộc Công ty điện lực Tokyo (TEPCO). Thế nhưng, những người tình nguyện đặt câu hỏi: tại sao phải mạo hiểm sức khỏe của thế hệ trẻ trong môi trường phóng xạ đầy nguy hiểm? Họ cho rằng các tế bào trong cơ thể người già thường phát triển chậm, vì vậy bất kỳ căn bệnh ung thư nào gây ra bởi tình trạng phơi nhiễm với chất phóng xạ cũng mất rất nhiều thời gian để hình thành. Ông Yamada dí dỏm nói rằng ông sẽ lìa trần bởi một nguyên nhân khác, trước khi căn bệnh ung thư có thể giết chết ông. “Những công nhân trẻ có thể sinh ra một thế hệ cho tương lai. Hơn nữa, bản thân họ cũng dễ bị tổn thương trước các tác hại của phóng xạ, do đó họ không nên tham gia công việc này” - ông phân tích.

Cả ông Yamada và Shiotana, một nhà vật lý và hóa học đã nghỉ hưu, đều cảm thấy có trách nhiệm đối với thảm họa tại nhà máy Fukushima số 1. Họ đã lập hẳn một trang web riêng cho Hội cựu chuyên gia để trình bày lý do. “Thế hệ của chúng ta, đặc biệt là những người đã từng tung hô khẩu hiệu “điện hạt nhân an toàn”, nên là những người đầu tiên gia nhập hội. Đây là trách nhiệm của chúng ta đối với thế hệ tương lai và mai sau”. Sau khi làm việc với các quan chức chính phủ và TEPCO, hai ông đã được họ cho phép thâm nhập vào nhà máy để giúp thiết kế hệ thống làm mát lò phản ứng mới thay cho cái đã bị sóng thần phá hỏng. Trong vài tuần tới, các tình nguyện viên sẽ có cuộc họp đầu tiên để vạch ra chiến lược hành động, trong khi hai ông Yamada và Shiotana tiếp tục thảo luận với chính phủ và TEPCO thời điểm họ có thể vào bên trong nhà máy.

Yamada nói rằng ông không phải là người hùng, mà chỉ là đang cố gắng bảo vệ thế hệ trẻ ở một đất nước có gần 1/4 dân số là người trên 60 tuổi. Thầy giáo cũ của ông Shiotana, Giáo sư Theodore Rowland ở Đại học Illinois (Mỹ), bày tỏ sự ủng hộ sau khi nhận được e-mail của học trò. Ông gọi đó là một việc làm ý nghĩa để ông Shiotana thể hiện lòng trung thành với tổ quốc lúc cần. Theo giáo sư này, dự án cho thấy những chuyên gia lớn tuổi vẫn có thể góp một phần công sức cho đất nước.

THANH TRÚC (Theo LA Times)

Chia sẻ bài viết