13/12/2016 - 21:08

Những nghiên cứu giúp trì hoãn mất trí nhớ

Thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh có thể hạn chế suy giảm nhận thức và mất trí nhớ, nhưng phát hiện bệnh sớm và chọn lựa giải pháp phòng ngừa phù hợp được xem là thách thức lớn của ngành y. Tin vui là các nhà khoa học thế giới vừa tìm ra một số biện pháp đơn giản giúp chẩn đoán sớm hoặc trì hoãn bệnh ở người có nguy cơ cao.

Những tiến triển gần đây trong công cuộc nghiên cứu giải pháp phòng chống mất trí nhớ gồm có Sổ đăng ký Sức khỏe Não bộ (Brain Health Registrie) trực tuyến, các diễn đàn khám phá và chia sẻ dữ liệu đa quốc gia, cùng những thử nghiệm ngăn ngừa dựa vào Internet. Để xử lý lượng thông tin sức khỏe khổng lồ gọi là "dữ liệu lớn" (big data) của các phương pháp trên, các nhà nghiên cứu phải vận dụng công nghệ học máy (machine learning) – một loại trí thông minh nhân tạo (AI) "dạy" máy tính đưa ra và cải thiện những dự đoán dựa trên kho dữ liệu dồi dào.

Bài tập tăng cường nhịp tim, nhịp thở được chứng minh cải thiện chức năng não bộ. Ảnh: huffingtonpost

 

Trong nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Bệnh Alzheimer, nhóm bác sĩ và kỹ sư ở Phần Lan và Thụy Điển đã sử dụng phương pháp học máy để phát triển "Chỉ số nguy cơ mất trí nhớ" – công cụ dùng đánh giá khả năng mắc bệnh của một người và xác định những mục tiêu phù hợp nhất để áp dụng biện pháp ngăn ngừa. Ưu điểm của công cụ này là khả năng cung cấp chi tiết tiểu sử nguy cơ của người đó ở dạng dễ xem và dễ hiểu.

"Chỉ số nguy cơ mất trí nhớ" hoạt động tốt trong việc đọc toàn bộ tiểu sử để dự đoán tiến triển của bệnh sớm 10 năm trước khi khởi phát. Đây là kết quả được nhóm nghiên cứu rút ra sau khi phân tích dữ liệu từ nghiên cứu Các Yếu tố Nguy cơ gây bệnh tim mạch, Lão hóa và Mất trí nhớ (CAIDE) được thực hiện ở Đông Phần Lan. Những người tham gia nghiên cứu thuộc độ tuổi từ 65-79, có khả năng nhận thức bình thường và đều trải qua những đánh giá chi tiết về sức khỏe, bao gồm trí nhớ, khả năng nhận thức, tình trạng mạch máu... Các nhà khoa học nhận định "chỉ số nguy cơ mất trí nhớ" có thể giúp xác định những người lớn tuổi có nguy cơ mất trí nhớ cao nhất và những ai có thể hưởng lợi nhiều nhất từ các biện pháp can thiệp phòng ngừa.

Còn theo nghiên cứu công bố trước đó trên Tạp chí Bệnh Alzheimer, các nhà khoa học cho biết dùng đồng hồ bấm giờ đo tốc độ đi bộ và lực kế đo lực bóp của bàn tay có thể dự đoán người nào có nguy cơ cao nhất mắc chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer).

Nghiên cứu dựa trên dữ liệu kiểm tra thể chất và nhận thức của những người tham gia Nghiên cứu Tim Framingham – nghiên cứu bệnh dịch dài hơi nhất của Mỹ. Theo đó, nhóm nghiên cứu do hai chuyên gia thần kinh học Erica Camargo Faye thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) và Galit Wainstein thuộc Đại học Haifa (Israel) dẫn đầu đã kiểm tra sức mạnh bàn tay và tốc độ đi bộ của hơn 2.100 người (từ 35- 84 tuổi) không bị bệnh về não. 11 năm tiếp theo, nhóm nghiên cứu theo dõi những ai bị bệnh Alzheimer, sau đó rà soát mối liên hệ giữa kết quả kiểm tra ban đầu với tiến triển của bệnh. Họ phát hiện những người có lực bóp bàn tay yếu nhất (10% cuối nhóm) lúc bắt đầu nghiên cứu có hơn gấp đôi khả năng phát triển Alzheimer hoặc các dạng mất trí nhớ khác so với bình thường. Tương tự, những người di chuyển chậm – tốc độ tối đa chưa đến 1 mét/giây – cũng có nguy cơ Alzheimer và mất trí nhớ cao gần gấp 3 lần so với những người đi nhanh hơn. Theo Phó giáo sư Galit Wainstein, các hình thức kiểm tra đơn giản này có thể tiến hành ngay tại phòng mạch, hứa hẹn giúp những người có nguy cơ cao nhận diện bệnh sớm và áp dụng biện pháp can thiệp kịp thời để trì hoãn tiến triển của bệnh.

Thêm một tin đáng mừng là mới đây, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Tiến sĩ Laura D. Baker tại Trường Y Wake Forest (Mỹ) phát hiện các bài tập tăng cường nhịp tim, nhịp thở giúp gia tăng kỹ năng tư duy và thể tích não ở những người bị suy giảm khả năng nhận thức nhẹ (MCI), một yếu tố nguy cơ dẫn đến Alzheimer.

Đầu tiên, 35 người bị MCI được chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ, rồi chia thành 2 nhóm tập kéo giãn cơ hoặc các bài tập tăng cường nhịp tim, nhịp thở (như đi trên máy chạy bộ, đạp xe tại chỗ bằng máy), với cường độ 4 lần/tuần. Sau 6 tháng, họ được chụp MRI lần thứ hai để kiểm tra kết quả. Các nhà nghiên cứu phát hiện cả hai nhóm đều có sự gia tăng thể tích ở nhiều vùng chất xám trong não, trong đó có thùy thái dương vốn hỗ trợ trí nhớ ngắn hạn. Tuy nhiên, mức độ gia tăng lớn hơn hẳn ở nhóm đi bộ và đạp xe. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn nhận thấy những người áp dụng bài tập giúp tăng nhịp tim, nhịp thở cũng cải thiện kỹ năng tư duy (gồm ghi nhớ, suy luận và giải quyết vấn đề), trong khi nhóm đối chứng thì không.

HẠNH NGUYÊN (Theo bu.edu, foxnews, natureworldnews)

Chia sẻ bài viết