21/10/2009 - 21:10

Những mảnh đời bất hạnh

Gia đình bà Phan Thị Trong và ông Trương Văn An thuộc diện hộ nghèo, gặp khó khăn nhất ở khu vực Thới Lợi, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Bà Trong hàng ngày nuôi dưỡng mẹ già bị lẫn, cháu nội mồ côi mẹ sống đời thực vật. Còn ông An, dù bản thân mang bệnh nặng vẫn ráng lao lực để nuôi vợ bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối và đứa con trai tật nguyền.

* Tuổi già cơ cực

Gia đình khốn khó của bà Phan Thị Trong. 

Bà Trong 53 tuổi, về sinh sống ở khu vực Thới Lợi 35 năm nay. Ngày xưa, nhà đông anh em, nghèo, bà không được đi học, vào đời sớm bằng nghề làm mướn, phiêu bạt nhiều nơi. Năm 20 tuổi, bà Trong lấy chồng, tiếp tục chuỗi ngày cơ cực.

Bà Trong có 4 người con, trong đó bất hạnh nhất là người con cả Trần Văn Quyền, 34 tuổi. Hôn nhân đổ vỡ, vợ bị bệnh chết để lại cho anh Quyền đứa con tật nguyền tên Trần Thị Tú Hảo, khi bé vừa lên 5 tuổi. Anh cưới vợ sau để có người đỡ đần, nhưng chịu không được cực khổ, người vợ bỏ đi lấy chồng khác, để lại đứa con trai 5 tuổi tên Trần Khánh Linh cho anh Quyền. 3 cha con anh Quyền sống chung nhà với bà Trong nên gánh nặng gia đình tiếp tục đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của bà.

Lúc mới sinh ra, bé Hảo bình thường, cơn sốt lúc 8 tháng tuổi làm chân tay bé co rút, từ đó đến nay bé sống đời thực vật. Khi cháu bị liệt, bà Trong chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Từ tấm lòng yêu thương đối với đứa cháu mồ côi mẹ, bà Trong tập cho Hảo bò lết, ngồi dậy, dù Hảo ngồi không được lâu, ngã hoài. Có những cơn đau làm Hảo rớt nước mắt, bà Trong cứ xoa bóp chân tay rồi ôm cháu vào lòng, khóc theo. Năm nay Hảo đã 14 tuổi, mọi chuyện vệ sinh, ăn uống, chăm sóc đều một tay bà nội lo. Bà Trong kể: “Cực nhất là đút ăn, cháu ăn rất lâu, hay ọc ra ngoài. Dù không nói, không nhận biết được xung quanh nhiều nhưng mỗi khi thấy bà nội, mắt Hảo ánh lên niềm vui, ráng lết về phía tôi”. Nhìn bà Trong nhỏ thó trong bộ quần áo cũ, gồng hết sức ẵm cháu Hảo đi lòng vòng xóm chơi mỗi chiều, ai thấy cũng thương cảm.

Còn bé Linh, từ khi mẹ bỏ đi, bé hay ra cửa ngõ ngồi khóc. Thấy cháu như vậy, bà Trong ráng làm, bù đắp những thiếu thốn để Linh được đi học như các bạn. Linh năm nay đã vào lớp 1, người xanh xao, cứ quấn theo bà nội, không rời. Hỏi về ước mơ, bé Linh ngây thơ nói: “Con thích bữa cơm nào cũng có thịt, cá, ăn rau hoài ngán lắm. Con sẽ ráng học để có nghề nuôi bà nội, chị và cha”.

Mấy người con khác của bà Trong đều nghèo nên không phụ giúp được gì, còn anh Quyền đi làm bất kể đêm ngày để phụ mẹ lo cho con nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Thời gian trước, lúc chồng bà Trong còn sống, kinh tế đỡ được phần nào. Khi chồng bà phát bệnh ung thư phổi, bao nhiêu tài sản trong nhà bán hết để chữa bệnh. Chồng bà Trong mất 2 năm nay, lưng bà càng oằn hơn vì gánh nặng gia đình. Chồng mất chưa bao lâu, mẹ ruột bà Trong đã 87 tuổi bị bệnh lẫn, bà rước mẹ về phụng dưỡng. 2 năm qua, dù thiếu thốn trăm bề nhưng bà hết lòng hiếu thảo với mẹ gia. Hễ có dư chút đỉnh là bà mua thuốc và thức ăn để bồi dưỡng mẹ, mua thêm tấm áo mới cho hai cháu, còn bản thân bà chỉ ăn cơm sau khi mọi người đã ăn xong, mặc đồ cũ của người khác cho. Bà Trong bị đau đầu, cảm lạnh thường xuyên nhưng sợ tốn tiền, không dám mua thuốc uống, chỉ kiếm cây cỏ về nấu xông.

Để có tiền lo cho cháu và mẹ, đêm nào cũng vậy, 3 giờ sáng bà Trong quá giang ghe qua Vĩnh Long lấy cá về rồi đội đi bán. Hôm nào bán đắt, lời được chừng 30.000 đồng, bán ế thì lỗ vốn. Buổi sáng, lo bé Linh đi học, cho mẹ và bé Hảo ăn sáng xong, bà đi bán cá khoảng 8 giờ về, chuẩn bị cơm trưa, dọn dẹp nhà cửa... Nhà bà thường xuyên thiếu mùng mền vì mẹ bà và bé Hảo đi vệ sinh nhiều lần trong ngày, không tự chủ được. Bà con lối xóm đều thương nên hay giúp đỡ bà trong lúc khó khăn, lấy hàng giúp khi cháu bà bệnh, giữ bé Hảo cho bà đi bán... Không có tiền xoay xở, bà Trong mượn tiền từ nguồn vốn xoay vòng của Chi hội phụ nữ khu vực làm vốn bán cá, giờ bà còn thiếu Ngân hàng Chính sách Xã hội quận Ô Môn 5 triệu đồng mà chưa có tiền trả.

Bà Đào Thị Chàng, Trưởng khu vực Thới Lợi, phường Phước Thới, quận Ô Môn, cho biết: “Bà Trong rất chịu khó, giỏi giang, cả đời hy sinh cho gia đình. Tôi mong mọi người chung tay đóng góp giúp bà Trong bớt nhọc nhằn, có điều kiện chăm sóc mẹ và cháu được tốt hơn”.

* Cả nhà bệnh tật

Nhà ông Trương Văn An ở số 158/1 khu vực Thới Lợi, căn nhà nằm lọt thỏm trong vuông đất của người khác. Cái chái bếp đã rệu rã, bên trong, mái tôn thủng lỗ chỗ, hễ mưa lớn nước tạt qua vách làm nền nhà ướt như ngoài sân. Trong nhà, không có tài sản nào đáng giá, ngoài mấy chục chén tô sứt mẻ, bàn ghế mục gãy chân nằm lăn lóc, cái ti vi người ta cho đã bị hư. Hôm chúng tôi đến, ông An đang khó nhọc kéo từng bó củi vào nhà, rồi ôm ngực thở dốc. Bữa cơm trưa của ông An là chút cơm nguội, đựng trong cái nồi sứt quai, nhúm rau luộc và chén nước mắm ớt. Ông An cười hiền: “Tiền đâu mà mua thịt cá, có gạo ăn đã là may rồi!”.

Ông Trương Văn An nấu nước trong căn bếp rách nát. 

Mấy ngày nay, vợ ông An là bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng đi bệnh viện lọc thận. Gia cảnh đơn chiếc nên con trai ông An là Trương Nguyễn Hoài Thanh, 24 tuổi, bị tật nguyền, teo cơ, phải đi theo nuôi mẹ. 8 năm trước, bà Hồng bị bệnh tiểu đường. Không tiền chạy chữa, bà chỉ uống thuốc nam cầm chừng, giờ bệnh đã chuyển qua giai đoạn cuối. Cách đây mấy tháng, đau chịu không nổi, bà đi khám thì phát hiện thêm bệnh thận. Ba tháng qua, cứ cách 2 tuần, bà Hồng phải đi lọc thận một lần. Anh em trong nhà mỗi người góp một ít tiền, giúp bà Hồng chữa bệnh nhưng ai cũng khó khăn, không thể lo được lâu dài. Ông An kể: “Có lúc mình mẩy vợ tôi sưng phù, đau nhức, không ăn uống gì được. Giờ mắt bà ấy cũng không còn thấy đường, khổ lắm! Tôi bế tắc quá, không biết phải làm sao?”.

Vợ chồng ông An chỉ có đứa con duy nhất là Thanh. Khi Thanh lên 3 tuổi bị sốt, liệt 2 chân. Không lâu sau đó, Thanh bị xe đụng nên việc di chuyển càng khó khăn. Ông An ráng làm lụng nuôi Thanh đi học, tới lớp 9, do đường đi cách trở nên Thanh nghỉ ở nhà. Ông An vay mượn tiền cho Thanh học nghề sửa xe gắn máy, nhưng không nơi nào nhận vào làm vì thấy Thanh tật nguyền. Để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, Thanh đi chăn vịt thuê cho người ta nhưng công việc cũng không thường xuyên. Còn ông An, 10 năm nay bị bệnh thòng tinh hoàn, không làm việc nặng được, chỉ quanh quẩn trồng vài cây mít, cam trên phần đất mượn của người khác đắp đổi qua ngày. Thương hoàn cảnh của ông An, bà con lối xóm giúp gạo, quần áo, mướn ông làm việc lặt vặt để có thu nhập nuôi vợ con.

Chị Bùi Thị Ngọc Minh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Thới Lợi, phường Phước Thới, cho biết: “Ông An là hộ nghèo nhất của khu vực, cả nhà đều bệnh tật. Dù có thẻ bảo hiểm y tế, chính quyền thường xuyên giúp đỡ nhưng không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Cách đây 8 năm, mọi người có đóng góp cất cho ông căn nhà tình thương, giờ đã xuống cấp. Gia đình ông An ăn ở hiền lành, thật thà nên được nhiều người thương quý”.

Ông An năm nay 51 tuổi, quê ở Đồng Tháp. Kể chuyện nhà, ông rưng rưng nước mắt. Từ khi lập gia đình đến nay đã 32 năm, vợ chồng ông An sinh sống bằng nghề làm mướn. Nhờ gia đình vợ cho miếng đất cất nhà nên ông thoát cảnh ở nhờ người khác. Lúc trước, khi còn khỏe, bà Hồng phụ tiệm uốn tóc, vay tiền nuôi heo, may quần áo... nên cũng đủ sống. Từ khi vợ chồng cùng đổ bệnh, gia đình lâm vào bước đường cùng. Nhìn cảnh vợ bệnh không biết sống được bao lâu, con trai tật nguyền, ông An thường ra hè ngồi cố chịu đựng những cơn đau do căn bệnh quái ác hành hạ. Cơ thể ngày một suy nhược nhưng ông giấu không cho vợ con biết. Ông An bày tỏ: “Tôi mong có tiền cho Thanh đi học nghề sửa chữa điện thoại di động vì nghề này phù hợp với tình trạng sức khỏe của cháu hơn, mong vợ được lọc thận đúng định kỳ để không phải chịu những cơn đau nhức hành hạ, có cơ may kéo dài sự sống”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết