Tùy theo mục đích chăm sóc sức khỏe, mọi người thường áp dụng một chế độ ăn có lợi cho bản thân. Chẳng hạn, chế độ ăn DASH phù hợp cho người bị cao huyết áp, chế độ ăn Whole30 thích hợp cho người muốn giảm cân an toàn, chế độ ăn Địa Trung Hải giúp phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm. Trong khi đó, chế độ ăn thuần chay nổi tiếng là vừa mang đến nhiều lợi ích sức khỏe, vừa tốt cho động vật và môi trường. Dưới đây là những lý do có thể thuyết phục bạn ăn thuần chay:
+ Hỗ trợ giảm cân. So với thực phẩm động vật, mật độ calo của thực phẩm thực vật thấp hơn nhiều nên đảm bảo nạp ít calo hơn, khiến cơ thể buộc phải “đốt” mỡ thừa làm năng lượng. Do vậy, hầu hết những người chuyển sang chế độ ăn thuần chay đều giảm cân đáng kể nếu họ tập trung vào việc ăn toàn thực phẩm thực vật.
Một bữa ăn thuần chay thường chứa nhiều rau quả tốt cho sức khỏe.
+ Hạ huyết áp. Rau quả dồi dào chất chống ôxy hóa, các khoáng chất như kali và nitrat, đều có lợi ích giảm huyết áp. Nghiên cứu cho thấy người ăn thuần chay có thể cải thiện đáng kể huyết áp so với người ăn cả thực phẩm động vật.
+ Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hầu hết nghiên cứu cho thấy chế độ ăn thuần chay giúp giảm mức cholesterol “xấu” LDL và cholesterol toàn phần - nên có lợi cho sức khỏe tim mạch. So với người theo đuổi các chế độ ăn chứa thực phẩm động vật, người theo đuổi chế độ ăn thuần chay có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và xơ vữa động mạch.
+ Hấp thụ nhiều chất chống ôxy hóa hơn. Đa số thực phẩm thực vật đều chứa hàm lượng cao các chất chống ôxy hóa, có lợi cho sức khỏe tổng thể. Ví dụ, việt quất, mâm xôi và các hoa quả màu tím và xanh dương rất giàu anthocyanin, các chất chống ôxy hóa có công dụng giảm cholesterol, giảm viêm, tăng cường năng lực nhận thức và giảm nguy cơ ung thư. Chúng cũng chứa flavonoid, procyanidin và polyphenol - những chất giúp cải thiện tâm trạng, năng lực nhận thức, ghi nhớ và học tập.
+ Hỗ trợ sức khỏe đường tiêu hóa. Nhờ ưu điểm giàu chất xơ, chế độ ăn thuần chay thúc đẩy hoạt động tiêu hóa khỏe mạnh và giảm táo bón. Thông thường, các lợi khuẩn trong ruột sẽ phân hủy chất xơ và các dưỡng chất đa lượng lớn thành các dưỡng chất mà cơ thể dễ dàng hấp thụ, đồng thời sản xuất các vitamin quan trọng như B12 và K. Trái lại, tiêu thụ thực phẩm động vật (điển hình như thịt, sữa, phô-mai và trứng) có thể phá vỡ và gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến khó tiêu, đầy bụng, tăng cân, viêm nhiễm, mắc bệnh da liễu và khó đi tiêu.
+ Chống viêm nhiễm. Thực phẩm thực vật là nguồn thực phẩm kháng viêm tốt nhất, vì chúng giàu chất chống ôxy hóa trong khi chứa ít hợp chất gây viêm như dầu tinh chế và chất béo bão hòa. Hơn nữa, dung nạp axít béo omega-3 từ thực vật (như trong hạt lanh, tảo, rong biển, hạt chia, hạt dẻ cười và hạt óc chó) cũng giúp giảm viêm. Để tối ưu hóa tác dụng chống viêm của chế độ ăn thuần chay, bạn cần hạn chế ăn đường.
+ Kiểm soát đường huyết, cải thiện độ nhạy insulin, giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Lợi ích này chủ yếu là nhờ tiêu thụ hàm lượng cao chất xơ, rau xanh và các loại tinh bột - đường phức hợp có mức đường huyết thấp (như các loại đậu và củ). Chế độ ăn thuần chay cũng ít chất béo bão hòa, thành phần dễ làm tăng đường huyết.
+ Chống ung thư. Chế độ ăn thuần chay thúc đẩy việc tiêu thụ nhiều siêu thực phẩm giàu các vitamin, khoáng chất và chất chống ôxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại. Trong khi đó, chất chống ôxy hóa ngăn ngừa tổn thương ôxy hóa trong cơ thể, ức chế gien sản sinh khối u và mang lại tác dụng kháng viêm. Nhờ đó, người ăn thuần chay có thể giảm nguy cơ một số bệnh ung thư - bao gồm ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bao tử, ung thư ruột kết và ung thư vú.
+ Giúp bảo vệ môi trường và động vật. Chế độ ăn thuần chay tiêu hao ít nước và tài nguyên hơn so với chế độ ăn bao gồm cả thực phẩm động vật, cũng như tạo ra lượng khí thải carbon ít hơn. Ngoài ra, việc không tiêu thụ động vật cũng giúp người ăn thuần chay tránh được những hành vi tổn hại đến động vật, bao gồm không mặc áo làm từ lông/da động vật, hoặc sử dụng bất kỳ hóa mỹ phẩm nào có chứa các thành phần từ động vật.
AN NHIÊN (Theo The Manual)