08/08/2017 - 14:28

Những đổi thay...

Sóc Trăng có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Nhiều năm qua, tỉnh đã được trung ương đầu tư nhiều chính sách phát triển vùng đồng bào Khmer. Nhờ đó, đến nay đời sống của đồng bào từng bước đổi thay.

Nhờ có chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước nên các trường học ở vùng có đông đồng bào Khmer được xây dựng khang trang. Trong ảnh: Trường THCS Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị.

Nhờ có chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước nên các trường học ở vùng có đông đồng bào Khmer được xây dựng khang trang. Trong ảnh: Trường THCS Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị.

Theo ông Lâm Văn Mẫn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, đa số hộ Khmer nghèo đều nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước và phát huy một cách hiệu quả. Nhiều hộ Khmer nghèo tiếp cận được nguồn vốn phát triển sản xuất, chọn mô hình làm ăn phù hợp và tự vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

6 tháng đầu năm 2017, tỉnh cấp 299.069 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ Khmer; giới thiệu việc làm cho hơn 5.200 lao động Khmer có việc làm ổn định... Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer của tỉnh giảm dần theo từng năm. Nếu khi thành lập tỉnh (năm 1992), tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer của tỉnh chiếm 65% thì đến nay, còn 15,3%.

Là một xã nghèo có trên 81% là đồng bào Khmer, sau nhiều năm thực hiện chính sách dân tộc và nguồn vốn Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), xã Phú Tân, huyện Châu Thành, đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015.

Ông Phạm Ngọc Đức- Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân, cho biết: “Những năm qua, Phú Tân được hưởng nhiều chính sách dân tộc nên cuộc sống của bà con Khmer được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 13% (theo tiêu chí mới).

"Đặc biệt là Chương trình 135 đã đầu tư phát triển toàn diện hệ thống hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… Hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn của xã liền ấp, liền xã; trường học từ cấp mầm non đến THCS đều được đầu tư khang trang theo hướng đạt chuẩn; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia…”.

Chính sách dân tộc được triển khai sâu rộng, hiệu quả, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Anh Lâm Rích, ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, chia sẻ: “Trước đây, nhà nghèo, sống tạm trên đất của bà con và quanh năm đi làm thuê, chỉ lo được cơm ăn hằng ngày, không dư dả. Bây giờ, được Nhà nước cấp đất, xây nhà ở, kéo điện, nước cho sử dụng và cho vay 30 triệu đồng để làm kinh tế. Có vốn, vợ tôi bán rau cải ở chợ Nhu Gia (xã Thạnh Phú), tôi và con trai đi làm thợ hồ, còn con gái ở nhà bán tạp hóa. Cuộc sống dần khá lên. Tôi cố gắng hơn nữa, không để rơi vào hộ nghèo ”.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục, đào tạo, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc được tỉnh đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt. Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.700 đảng viên người Khmer; có 2 đại biểu Quốc hội, 11 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 58 đại biểu HĐND cấp huyện và 484 đại biểu HĐND cấp xã là người dân tộc Khmer.

Ngoài ra, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc ngày càng được nâng lên. Toàn tỉnh có trên 2.800 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc có trình độ đại học, 107 thạc sĩ và 1 tiến sĩ… Từ đó, đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong vùng đồng bào Khmer được vững mạnh; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định. 

Ông Thạch Văn Mến- Bí thư Đảng ủy xã Viên An, huyện Trần Đề, cho biết: “Là xã có trên 90% là bà con Khmer, Đảng ủy rất quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển đảng viên người Khmer nhằm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hiện toàn xã có 130 đảng viên dân tộc Khmer. Đây là những hạt nhân gương mẫu, tích cực đưa chính sách dân tộc đến với người dân ngày càng sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con Khmer”.

Theo ông Lý Bình Cang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, cuộc sống của bà con Khmer dần được nâng lên, tinh thần đoàn kết được phát huy, những vùng nông thôn có đông đồng bào Khmer đổi thay theo hướng hiện đại. Thời gian tới, Ban dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ban ngành liên quan, tập trung thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc hằng năm đạt từ 3% trở lên.

Đường nông thôn ấp Trà Ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề được mở rộng, thuận tiện giao thương.

Đường nông thôn ấp Trà Ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề được mở rộng, thuận tiện giao thương.

Trong năm 2016, tỉnh Sóc Trăng được Trung ương hỗ trợ trên 232 tỉ đồng để thực hiện các chương trình, dự án như: Chương trình 135; chính sách định canh, định cư; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất; nước sinh hoạt, kéo điện sử dụng; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; vay vốn phát triển sản xuất; phát triển giáo dục và đào tạo; bảo tồn và phát triển văn hóa… Đến nay, hầu hết các xã có đông đồng bào Khmer đều có trường THCS, trạm y tế, đường ôtô đến trung tâm xã; 95% hộ dân tộc thiểu số được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 99,4% hộ dân tộc Khmer có điện thắp sáng…

Bài, ảnh: DUY ANH

Chia sẻ bài viết