31/03/2024 - 08:48

Những điểm sáng trong thu hút FDI 

Năm 2023, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 36,61 tỉ USD, tăng 32,1% so với năm 2022; trong khi vốn FDI toàn cầu chỉ tăng 3%. Điều này cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đang hấp dẫn hơn, được các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp FDI đánh giá cao. Các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều thách thức, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển vốn FDI và ban hành các chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư hiệu quả.

Tín hiệu tích cực

Theo tính toán của một số tổ chức quốc tế, dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm đáng kể trong thời kỳ COVID-19; năm 2022 giảm 12% xuống còn 1.300 tỉ USD, đến năm 2023 tăng 3% và đạt mức 1.370 tỉ USD. Trong khi vốn FDI vào Việt Nam đã tăng trở lại và về tương đương mức trước đại dịch COVID-19, chứng tỏ Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn. Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023, các dự án FDI đầu tư tại Việt Nam đã giải ngân được gần 23,2 tỉ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Giải ngân vốn FDI tăng lũy tiến qua từng năm, cho thấy sản xuất kinh doanh của khối ngoại đạt hiệu quả. Tiếp nối thành công của năm 2023, trong quý I-2024, vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 6,71 tỉ USD, tăng 13,4% và vốn thực hiện đạt khoảng 4,63 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện trong quý đầu năm 2024 cũng là vốn giải ngân cao nhất của các dự án FDI trong 3 tháng đầu năm, kể từ năm 2019 đến nay.

Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ (tổng diện tích quy hoạch 900ha) - hợp tác Việt Nam - Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam. Trong ảnh: Trao Bản ghi nhớ (MOU) cho các nhà đầu tư tiên phong thuê đất và hợp tác kinh doanh. Ảnh: M.H

Tính đến ngày 20-3-2024, cả nước có 39.758 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký gần 475,83 tỉ USD; vốn thực hiện bằng 63,4% tổng vốn đăng ký (tương đương khoảng 301,8 tỉ USD). Mới đây, tại buổi công bố Báo cáo thường niên FDI năm 2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE), môi trường đầu tư Việt Nam cũng tiếp tục được nhấn mạnh tiếp là điểm đến hấp dẫn, niềm tin của các nhà đầu tư tăng mạnh và lạc quan với các bước tiến phát triển của Việt Nam. Đáng chú ý là FDI vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, công nghệ cao, kỹ thuật số… tăng, Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội này để thu hút FDI, tăng cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.  

Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang hấp dẫn vốn FDI và dẫn đầu về vốn đầu tư, số dự án FDI trong nhiều năm qua. Trong xu hướng nhiều tập đoàn quốc tế muốn chuyển khỏi Trung Quốc thì Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á, nhờ lợi thế về nhân lực, môi trường đầu tư được cải thiện liên tục… Một số nhận định cho rằng, Việt Nam cũng đang rất hấp dẫn đối với các tập đoàn sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực chip bán dẫn. Việt Nam đang chú trọng xây dựng hệ sinh thái dành cho các doanh nghiệp công nghệ; chú trọng thu hút dự án công nghệ cao, xanh… để tạo động lực phát triển mới. 

Để tạo làn sóng mới trong thu hút FDI

Báo cáo hội nhập kinh tế châu Á 2024 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố, cho thấy khi các căng thẳng chính trị, thương mại gia tăng thì những doanh nghiệp đến từ các nước công nghiệp phát triển bắt đầu thực hiện chiến lược giảm rủi ro trong đầu tư. Các nền kinh tế Đông Nam Á được xem là lựa chọn thay thế khả thi nhờ môi trường đầu tư thuận lợi, chi phí lao động và đầu vào cạnh tranh. Các công ty đa quốc gia cũng đang hướng mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược (chất bán dẫn, hạ tầng viễn thông và 5G, thiết bị chuyển đổi năng lượng xanh, dược hoạt tính, các khoáng sản chiến lược). Ở châu Á, đầu tư FDI vào lĩnh vực chiến lược đạt trung bình 180 tỉ USD từ năm 2020 đến năm 2022, tăng gần gấp đôi trung bình giai đoạn 2010-2014. Trong đó, khu vực Đông Nam Á, FDI vào lĩnh vực chiến lược tăng trung bình 22% mỗi năm giai đoạn 2003-2022, với các công ty công nghệ như Apple, Samsung và Sony đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam hoặc Thái Lan.

Theo ADB, các quốc gia cần xác định các chiến lược thu hút đầu tư có chất lượng, có tác động lan tỏa đến nền kinh tế nội địa và tối đa hóa lợi ích phát triển. Hoạt động đầu tư toàn cầu có sự phân mảnh trong 5 năm gần đây. Theo đó, xu hướng đầu tư đang thay đổi từ FDI tìm kiếm hiệu quả (chủ yếu tập trung vào sản xuất, các công ty đa quốc gia thường cơ cấu khoản đầu tư để tận dụng sự khác biệt về yếu tố giá - nhất là chi phí lao động) sang FDI tìm kiếm thị trường (tập trung vào dịch vụ). Máy tính và điện tử là lĩnh vực chính hướng tới mục tiêu tìm kiếm hiệu quả ở các nền kinh tế Đông Á và Singapore. Ở Việt Nam, FDI tìm kiếm hiệu quả đang tập trung vào ngành bán dẫn. Đối với Trung Quốc, đầu tư tìm kiếm hiệu quả chủ yếu đổ vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao (máy tính) và thiết bị điện tử). Ở Ấn Độ, công nghệ thông tin và dịch vụ thông tin là xu hướng nổi bật trong những năm gần đây... Với FDI tìm kiếm thị trường ở châu Á chủ yếu tập trung vào dịch vụ (viễn thông, tài chính và dược phẩm, thực phẩm và đồ uống). Vậy nên, các chính sách thu hút FDI nên nhắm mục tiêu đầu tư tìm kiếm hiệu quả vì lợi ích của nó đối với tăng trưởng kinh tế, năng suất và nâng cấp công nghệ. Bên cạnh đó, các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào dịch vụ thì việc thiết kế các chính sách cho FDI tìm kiếm thị trường cũng rất quan trọng.

Nhận định về các cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, TS Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia kinh tế cho biết, sau đại dịch COVID-19, các tập đoàn lớn đang tái cấu trúc lại địa điểm đầu tư, trong đó Việt Nam đang nổi lên trước sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Khu vực ĐBSCL của Việt Nam cũng được doanh nghiệp FDI quan tâm nhờ vào sự chuyển dịch trong phát triển nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… Để không chậm chân trong đón sự dịch chuyển dòng vốn FDI, thì ĐBSCL cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển, có chiến lược thu hút FDI. Không thu hút bằng mọi giá, mà cần chắt lọc. ĐBSCL đang có nhiều cơ hội phát triển thuận lợi, đó là Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phát triển ĐBSCL; có quy hoạch tích hợp chung của vùng được Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch tỉnh, thành… đang mở ra không gian phát triển mới, với sự phân vai rõ ràng cho các địa phương trong phát triển. Cùng với đó, các dự án hạ tầng giao thông lớn (đường cao tốc, cảng…) đang được đầu tư tại vùng sẽ tạo động lực cho thu hút vào các ngành, lĩnh vực thế mạnh của ĐBSCL. Cần ưu tiên thu hút dự án vào nông nghiệp, thủy sản, năng lượng tái tạo; đầu tư phát triển nguồn nhân lực… để tạo nên sức hút đầu tư trong bối cảnh mới.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết