19/07/2015 - 16:40

Kỷ niệm 68 năm Ngày THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 – 27/7/2015)

Những cô gái, chàng trai trên tuyến lửa 1-C...

Theo Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam, tính đến tháng 6-2015 đã có 37 cán bộ, chiến sĩ TNXP được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), Anh hùng lao động. Trong đó, liệt sĩ Võ Thị Hồng Láng (nguyên tiểu đội trưởng, đại đội Nguyễn Việt Khái 2) được truy tặng danh hiệu AHLLVTND vào năm 2007, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Đẹp (nguyên trung đội trưởng, đại đội Nguyễn Việt Khái 3) được truy tặng danh hiệu anh hùng sau đó 4 năm. Đó là 2/399 liệt sĩ trong tổng số khoảng 800 TNXP Tây Nam bộ thuộc Liên đội 1 – đơn vị được phong tặng danh hiệu AHLLVTND năm 2011. Phạm vi loạt bài này xin được đề cập một vài trong đa số cựu TNXP đang tiếp tục phát huy truyền thống thời 1-C tuyến lửa...

Bài 1: Người con gái Vĩnh Thuận Đông!

Tháng 1-1968, đang là ủy viên ban chấp hành xã Đoàn xã Vĩnh Thuận Đông (Long Mỹ - Cần Thơ cũ), chị Trần Thị Điền (Tám Điền) được rút về Tỉnh đoàn đảm nhiệm cương vị đại đội phó đại đội Tây Đô (gồm 36 người, trong đó có 29 nữ). Đây là bước ngoặt của cô giáo tiểu học trường làng rồi tham gia công tác Đoàn và trở thành người TNXP – một lực lượng mà hồi ấy các chiến sĩ giải phóng quân thường trìu mến, thân thương tặng cho biệt danh là "Đội quân chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên"...

1. Theo lời chị Tám Điền, sau đó, tại Khu đoàn, Liên đội 2 TNXP Tây Nam Bộ được thành lập, bao gồm: đại đội Tây Đô, đại đội TNXP tỉnh Cà Mau, và lực lượng TNXP tỉnh Trà Vinh - nhận nhiệm vụ phục vụ chiến trường Vòng Cung, chuẩn bị đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968...

Đến tháng 6-1969, Liên đội 2 được lệnh tập kết về Cầu Ván (Vĩnh Viễn - Long Mỹ); rồi không lâu sau thì hành quân lên tuyến đường 1-C, trải dài từ Cái Sắn đến rừng tràm Hà Tiên (với cả vùng ba hòn, bảy núi) tới biên giới Campuchia... Đầu tháng 8-1969, khi lên tới rừng tràm Hà Tiên, đại đội Tây Đô bị địch phát hiện, đánh phá dữ dội. Liên đội 2 giải thể, "xé" ra sáp nhập cùng Liên đội 1 - Tám Điền trở thành đại đội trưởng đại đội 1. Sau đó, đại đội 1 được lệnh điều lên tỉnh Kandal...

 Chị Tám Điền gặp lại người phụ trách kho quân khí A2 thuộc Trung đoàn 195 thuở ấy...

Khi qua lộ Tà Keo, bị phía Campuchia phát hiện, lãnh đạo đoàn cùng một người biết tiếng địa phương ra đối thoại... Cuối cùng, trừ một bộ phận được bí mật ém lại, đoàn chấp nhận cho họ bắt làm tù binh! Vũ khí, ghe xuồng, tư trang... bị lấy hết, chỉ còn lại soong nồi, nhờ vậy mình có dụng cụ để tự nấu ăn; mỗi ngày họ đem tới cho đoàn 1 xe củi, 1 xe gạo, và thực phẩm - trong đó có bọc mắm bò-hóc. Trong 15 ngày bị "giam" (theo kiểu quốc tế), lãnh đạo đoàn tận dụng thời gian tổ chức dạy văn hóa. Nhờ vậy, các anh chị em mới biết đọc biết viết khi vào đơn vị dần tiến bộ, biết làm các phép tính đơn giản... Ngày thứ 16, đoàn được đưa về Nông-Pênh, "giao" cho đại sứ quán Việt Nam làm thủ tục trao trả. Ở đây, đoàn được xem phim tài liệu về lễ tang Bác Hồ, lúc này mọi người mới được tha hồ tự do khóc Bác!

Theo lời chị Tám Điền, thời gian hoạt động trên tuyến 1-C, ai cũng vất vả, gian lao, nhất là chị em phụ nữ do đặc điểm tâm sinh lý riêng - nhưng không ai tỏ ra nao núng hay chùn bước. Là con người, không ai tránh khỏi những phút giây buồn bã, lo âu hoặc thương nhớ người thân... Song, nơi chiến trường nửa thầm lặng (đi trong đêm, hoặc ngày nhưng không để "ló đuôi"), nửa công khai (khi phải đương đầu sự đánh phá tàn khốc của địch), lúc về lại căn cứ, trong khoảnh khắc nghỉ ngơi ít ỏi, thì tiếng cười, tiếng hát của anh chị em vẫn tươi vui, giòn giã, đầy sức sống. Kỷ niệm vui của chị còn đọng lại đó là, khi biết mình bị lác, chị không dám thổ lộ cùng ai... Tưởng chỉ có mình "bị" nên mắc cỡ không nói - chừng biết ra, hầu như 80-90% TNXP đều được "tạo hóa" ban tặng chứng bệnh hơi tế nhị này - ai nấy cũng cười xòa...

Nhắc đến một thời "tuyến 1-C", tôi hiểu chị Tám Điền không muốn "ôn khó, kể khổ" nhiều, hay nói về thành tích riêng, bởi theo chị, tất cả là thành tích chung của lực lượng TNXP Tây Nam Bộ thời chống Mỹ. Trong đó, có nhiều anh chị em đã anh dũng hy sinh - có người đến nay vẫn chưa tìm ra hài cốt!...

Được biết, tuyến 1-C dài hằng trăm cây số, không dân cư, toàn đồng hoang rừng vắng, bị chia cắt thành nhiều tuyến do đồn bót địch. Ngoài ra, chúng còn lập cả một khu chiến thuật riêng chuyên đánh phá hành lang vận chuyển trên tuyến đường này. Có tháng địch đổ quân đánh phá suốt 30 ngày; có ngày máy bay bắn phá 15-17 lần, nhưng các đội TNXP Tây Nam Bộ thời chống Mỹ đã bền bỉ, dũng cảm, mưu trí, không chỉ đảm bảo vận chuyển hàng chiến lược, còn phải chiến đấu để tự bảo vệ mình và bảo vệ hàng, diệt nhiều địch quân, bắn rơi nhiều máy bay... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!


2. Sau đảo chánh ở Campuchia, Tám Điền cùng đơn vị rút về hoạt động ở rừng tràm Hà Tiên. Tháng 11-1970, về vùng ba hòn, chị được điều sang làm đại đội phó, chi ủy viên chi bộ B8 (B8 được thành lập từ 1 đại đội TNXP và một bộ phận của Trung đoàn 195). Chi ủy B8 lúc ấy gồm 5 người, trong đó đồng chí nguyên bí thư Tư Tâm nay đã từ trần; số còn lại đang sinh sống tại Hậu Giang, TP Cần Thơ, như: chị Lâm Thị Minh Tâm - chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Cần Thơ; anh Sáu Bé; anh Năm Quờn. Không khác với đa số TNXP ngày ấy, các anh chị luôn có ý thức giữ gìn, phát huy phẩm chất người TNXP, nêu gương sáng để giáo dục con cháu mình và góp phần giáo dục thế hệ trẻ nói chung về truyền thống yêu nước, tinh thần xung phong, xả thân khi Tổ quốc cần, lên tiếng gọi...

Riêng Tám Điền, người con gái Vĩnh Thuận Đông, đến nay vẫn chưa lập gia đình; ngoài tình yêu thương dành cho các cháu, chị dồn cả tâm tư vào hoạt động qua vai trò chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hậu Giang. Tôi e dè hỏi chị vì sao không có mái ấm và hạnh phúc riêng tư. Chị cười, thổ lộ hồn nhiên "Tại hồi đó chị biểu người ta chờ tới hòa bình, nhưng người ta là con một, không thể chờ! Sau đó thì... không có ai phù hợp lứa tuổi!".

Dù đã 68 tuổi, nhưng chị Tám Điền trông lạc quan, khỏe, trẻ hơn so độ tuổi. Từ sau khi người anh thứ Bảy hy sinh (năm 1963), chị tham gia công tác cách mạng, rồi làm công tác Đoàn (1967), rồi TNXP, khi TNXP giải thể, trở lại công tác ở Khu Đoàn rồi Tỉnh Đoàn (đến 1979) - có lẽ thời gian và môi trường công tác ấy đủ cho chị ngấm sâu "chất trẻ". Thoạt đầu gặp gỡ, nghe chị nói "Số không chết... nên lọt vô chỗ chết hoài mà vẫn sống" trong tiếng cười sảng khoái - tôi chưa thể hình dung rõ về một cô giáo Tám Điền "ham đi quân sự, ham bắn súng" mà vẫn vô cùng lãng mạn. Chừng nghe kể, trong lần Xã đoàn kết hợp Xã đội Vĩnh Thuận Đông đi bắn qua đồn Vịnh Chèo, chị đã tự tay bắn "lăn-xà-bom" (một loại cối tự tạo); xong trận, về tắm sông, cứ nâng niu, o bế mái tóc dài suôn mượt, mà mấy anh xã đội thường kêu cắt ngắn đi... nhưng chị không làm theo, dù rất ham tham gia "đánh trận".

Trong câu chuyện, chỉ nghe chị tỏ ra hối tiếc một điều. Đó là, khi má lớn tuổi, chị xin về Vị Thanh công tác (1988) để tiện chăm sóc mẹ, không dè chỉ 3 năm sau má đã qua đời! Người mẹ ấy, năm 1995, đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, do có 3 người con là liệt sĩ. Ngoài anh Bảy, còn có anh Ba Trần Văn Quới, hy sinh năm 1970 tại xã Vĩnh Viễn (lúc đang là ủy viên ban an ninh thị xã Vị Thanh cũ); và anh Tư Trần Văn Quang, trưởng ban an ninh xã Vĩnh Thuận Đông, hy sinh năm 1972 tại xã nhà.

Lúc đi TNXP, chị Tám Điền hoàn toàn "mất liên lạc" với gia đình. Đến cuối năm 1972, trên đường trở về Khu đoàn, chị mới được gặp lại má tại nhà của người chị họ ở ngã ba sông Ba Đình (Vĩnh Thuận-Kiên Giang). Lúc nghe tiếng máy ghe dưới bến, chị mừng rỡ chạy như bay từ trong nhà ra đón má... Nào ngờ, vừa ôm chặt lấy chị trong vòng tay dang rộng, má vừa mếu máo, nghẹn lời "Con về tới đây thì hai anh con đã hy sinh hết rồi Tám Điền ơi!". Chị rụng rời, hai chân chừng quỵ xuống, mà nước mắt như đã chảy ngược vào lòng - chỉ khi màn đêm sụp xuống, chị mới khóc, như đã khóc hồi xem phim lễ tang của Bác...

Một điều chị rất bất ngờ khi nghe má kể, lúc anh Tư hy sinh, trong túi anh có tờ giấy báo tử mang tên chị... Không biết ý đồ địch nhằm gây hoang mang, lung lạc tinh thần gia đình chị, lòng người mẹ vốn đinh ninh tin tức ấy là sự thật... Đùng một cái, đứa cháu họ (gọi Tám Điền bằng dì) chạy ghe về tới Vĩnh Thuận Đông, nói rước bà lên gặp chị... Bà vừa khóc người con trai thứ Tư chưa kịp nguôi đã khấp khởi lên đường để được nhìn tận mặt, được ôm hôn đứa con gái trở về... từ cõi chết! Rồi mới yên tâm, tiếp tục tiễn đưa con vào lại chiến trường....

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

Bài 2: NGƯỜI MANG VỀ "BÁU VẬT"!

Chia sẻ bài viết