08/02/2011 - 11:17

Những chuyện vui của đồng bằng

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, năm 2010, ĐBSCL có hơn gần 100.000 lượt hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương. Các hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn còn ấm áp hơn khi được các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trên địa bàn giúp đỡ, nhất là những cán bộ đảng viên nơi cư trú luôn có mặt để chia sẻ khó khăn, giúp bà con vươn lên. Bởi vậy, trong hành trang bước vào năm mới, tuy chưa hết vất vả, khó khăn, nhưng những hộ nghèo luôn ấm áp tình người, tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Trên tuyến đường nhựa rộng hơn 6 mét, nối dài từ trung tâm TP Bạc Liêu đến xã Vĩnh Trạch Đông, tôi gặp những phụ nữ đẩy xe đi bán hàng rong. Người bán rau, củ, quả. Người bán bánh cam, bánh bò, người bán thịt heo... Dừng chân bên đường, hỏi thăm mới biết, các chị đều là bà con dân tộc Khmer. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên mỗi chị được chính quyền địa phương và Hội LHPN TP Bạc Liêu cho vay từ 3 - 5 triệu đồng, đóng xe đẩy và làm vốn mua hàng đi bán trong xóm ấp. Chị Thạch Thị Hen, đẩy xe đi bán rau xanh, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm, không lo đủ tiền mua gạo hàng ngày, nhiều khi phải ăn rau cải trừ cơm. Giờ được Nhà nước xây dựng nhà tình thương, được phụ nữ TP Bạc Liêu cho vay tiền đóng xe đẩy, hội phụ của nữ xã hùn vốn tiết kiệm cho mượn trả hàng tháng làm vốn mua rau, thịt đi bán, mỗi ngày lời khoảng 30.000 đồng. Giờ đây tôi đã trả xong tiền vay đóng xe, có thêm điều kiện lo cho các con ăn học”.

 Đồng bào Khmer huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, được hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Năm trước, tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành chương trình 1.400 căn tạm cho bà con. Năm nay, hơn 6500 lượt hộ nghèo, hộ dân tộc có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất; hàng trăm thanh niên con em dân tộc được học nghề, tạo việc làm. Có thể khẳng định, các chương trình, dự án của Nhà nước khi phân bổ đến địa phương, đều được các cấp, các ngành triển khai đến bà con, tạo cho bà con cơ hội để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Bên cạnh đó, các địa phương ở ĐBSCL còn có những biện pháp giúp bà con, như: phân công cán bộ, đảng viên, hội viên đoàn thể đỡ đầu hộ nghèo, vận động các mạnh thường quân xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, tập hợp bà con tham gia các tổ đoàn kết sản xuất, tổ tiết kiệm, hùn vốn, cây con giống để sản xuất... Điển hình như tại xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, 54 đảng viên trong xã đều cam kết sản xuất đạt thu nhập khá trở lên, làm gương để hướng dẫn bà con sản xuất. Là xã có hơn 70% hộ dân là người dân tộc, do đó, các đảng viên người dân tộc của xã Thạnh Lộc được giao nhiệm vụ trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo là đồng bào dân tộc. Qua hai năm triển khai, nhiều hộ nghèo trong xã từng bước biết cách khai thác đất đai trồng rau màu, chăn nuôi gia cầm, thay vì trước đây bỏ ruộng hoang, đi làm thuê kiếm sống. Theo ông Danh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, vốn chỉ là cơ sở để bà con phát triển sản xuất, còn quá trình sản xuất mang lại hiệu quả ra sao, quản lý đồng vốn như thế nào, nhất thiết phải có sự giúp đỡ của cán bộ, đảng viên và cộng đồng.

Năm qua, tại ĐBSCL, phong trào huy động cộng đồng hướng về người nghèo đã mang lại hiệu quả đáng kể. Các đơn vị thực hiện nhiều chương trình giúp hộ nghèo an sinh trong năm 2010 phải kể đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng; Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang; Hội phụ nữ tỉnh Bạc Liêu; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Cà Mau... Mỗi đơn vị, địa phương đều có những biện pháp vận động, thực hiện khác nhau, song tất cả đều toát lên mục đích cố gắng chăm lo, giúp đỡ ngày càng nhiều cho hộ nghèo, hộ dân tộc có hoàn cảnh khó khăn. Ở đó có rất nhiều cán bộ đầy nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn, vượt kinh rạch, lặn lội đến từng xóm ấp cùng chính quyền địa phương khảo sát thực trạng đời sống người dân, lập danh sách, phân bổ kinh phí giúp bà con có mái ấm. Điển hình như bà Huỳnh Thị Xen, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, luôn như con thoi. Hết gặp gỡ, vận động các mạnh thường quân ủng hộ Quĩ vì người nghèo, lại đi cơ sở họp dân bình xét để xây dựng nhà cho hộ nghèo... Hôm cùng bà Xen về ấp Lê Văn Xe, xã Ngọc Đông - một xã vùng sâu của huyện Mỹ Xuyên, bàn giao nhà tình thương cho ông Phạm Văn Sáu năm nay 64 tuổi. Qua hơn 15 cây số đường gồ ghề, sau đó đi bộ hơn 2 cây số và qua mấy cây cầu khỉ chênh vênh mới tới ấp Lê Văn Xe. Trên đường đi, bà Xen tâm sự: “Mình làm cán bộ thực hiện chính sách của Đảng, phải khắc phục khó khăn, thường xuyên bám cơ sở và phải có tâm thì mới hoàn thành được nhiệm vụ và chia sẽ khó khăn với người nghèo, bất hạnh. Từ các nguồn vồn, đến thời điểm này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng và bàn giao hơn 14.300 căn nhà, mang lại niềm hạnh phúc cho những hộ nghèo trong dịp xuân về”.

Năm 2010, ĐBSCL có hơn 100.000 lượt hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương. Các hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn còn ấm áp hơn khi được các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan đoàn thể giúp đỡ, hướng dẫn để bà con vươn lên trong cuộc sống. Để người nghèo có những cái Tết đầm ấm, các chính quyền, tổ chức đoàn thể trong khu vực ĐBSCL đang tập trung vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, ủng hộ, giúp đỡ cho hộ nghèo lon gạo, gói đường, hộp bánh, gói trà... để nhà nhà đều có mùa Xuân.

Hồ Trúc Điệp

Chia sẻ bài viết