22/07/2024 - 15:45

Những chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm sâu sắc đến phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển của ngành Văn hóa. Những chỉ đạo sâu sắc, mang tầm chiến lược ấy cũng cho thấy tầm vóc, trí tuệ của nhà lãnh đạo tài ba, lỗi lạc của Ðảng ta.

Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ngành Văn hóa TP Cần Thơ đã có nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa ở địa phương. Trong ảnh: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tại Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Bằng sự uyên bác về lĩnh vực văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư đã đi từ lý luận đến thực tiễn của văn hóa Việt Nam. Ðồng chí nêu định nghĩa văn hóa ở nghĩa rộng và nghĩa hẹp, về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Ðồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”. Ngược lại, theo Tổng Bí thư: “Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”. Quan điểm nhân văn, vừa mang tính triết lý, truyền thống nhưng cũng mang tầm thời đại được Tổng Bí thư nêu ra là: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Sau khi điểm lại những nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam, Tổng Bí thư khẳng định: Từ ngày thành lập đến nay, Ðảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Ðảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Ðảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Tổng Bí thư dẫn lại câu nói của Bác Hồ là: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”!

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Sau khi điểm lại những hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, Tổng Bí thư đã nêu ra những giải pháp mang tầm chiến lược, mang tính lý luận và thực tiễn rất cao. Theo đó, đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Ðể tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, đầu tiên là khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc. Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền. Chú trọng xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Ðảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa
lành mạnh.

Ðể chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam theo phương hướng này, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ ra những giải pháp cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, về di sản văn hóa, Tổng Bí thư nhấn mạnh đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được. Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta. Ðồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.

***

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo lỗi lạc, trí tuệ, một nhà giáo, nhà văn hóa, một nhân cách lớn của dân tộc… đã ra đi. Sinh thời, Tổng Bí thư luôn tâm huyết với công tác văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những chỉ đạo sâu sắc, mang tầm chiến lược của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ mãi là kim chỉ nam để toàn ngành văn hóa và mỗi người dân Việt Nam phấn đấu, chấn hưng văn hóa, dùng “sức mạnh mềm” của văn hóa để nâng tầm vị thế quốc gia.

PV

Chia sẻ bài viết