Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, một chế độ ăn giàu thịt cung cấp nhiều đạm và những dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, nhưng đồng thời cũng dễ dẫn tới nhiều nguy cơ sức khỏe và tác động không tốt tới môi trường. Trong khi đó, việc giảm ăn thịt và tăng cường tiêu thụ rau quả được chứng minh không chỉ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, mà còn góp phần làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Đậu hủ và đậu lăng là hai thực phẩm giúp ích cho quá trình “cai thịt”.
Dưới đây là những cách giảm ăn thịt đơn giản và dễ thực hiện :
1. Chuẩn bị kế hoạch ăn uống
Việc thiết lập các thực đơn ăn uống cân bằng và bổ dưỡng là việc khó khăn, song đây là điều cần thiết để bắt đầu thực hiện kế hoạch ăn uống chứa nhiều thực vật và giảm thực phẩm từ nguồn động vật - theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Marisa Moore.
Chẳng hạn, để bữa ăn ngon miệng mà vẫn đảm bảo no bụng, bạn cần bổ sung nguồn thực phẩm chứa prôtêin, chất bột - đường giàu chất xơ và chất béo lành mạnh (các loại đậu, khoai, rau củ, trái bơ, dầu ô liu...). Khi lên kế hoạch ăn uống, cần chuẩn bị cho nhiều ngày liên tiếp, nhằm đảm bảo sử dụng hết lượng thực phẩm đã mua và tránh lãng phí.
2. Quy định một ngày không ăn thịt mỗi tuần
Theo chuyên gia dinh dưỡng Bansari Acharya - người chuyên sáng tạo những công thức nấu nướng dành cho chế độ ăn dựa trên thực vật, cách bắt đầu như vậy giúp người theo đuổi chế độ ăn giảm thịt không cảm thấy căng thẳng vì đột ngột loại bỏ thịt ra khỏi khẩu phần ăn, đồng thời cũng tạo điều kiện cho hệ thống cơ thể thích ứng dễ dàng hơn. Việc ăn thêm các loại đậu, rau củ và trái cây cũng giúp cơ thể dung nạp thêm chất xơ, có lợi cho sức khỏe đường tiêu hóa, giảm cảm giác khó tiêu và đầy hơi trong trường hợp bạn đột ngột giảm ăn thịt.
3. Tận dụng bữa ăn sáng
Bữa ăn đầu tiên trong ngày có thể là lựa chọn dễ dàng nhất cho việc giảm tiêu thụ thịt trong ngày. Theo chuyên gia dinh dưỡng Sharon Palmer, việc biết rằng mình đã bắt đầu ngày mới bằng một bữa ăn sáng không chứa thịt có thể giúp bạn tiếp tục chuỗi hoạt động giảm ăn thịt và lựa chọn nhiều thực vật hơn vào bữa trưa và bữa tối.
4. Bớt chú tâm vào việc cắt giảm thịt, nghĩ ra nhiều cách thêm rau củ vào khẩu phần
Chuyên gia Acharya cho biết: “Khi bạn tăng cường ăn trái cây và rau củ, bạn sẽ tự động nhận thấy rằng lượng thịt mà mình tiêu thụ đang giảm dần”. Ví dụ, bạn có thể thử thêm ít bông cải xanh hoặc cải bó xôi vào khẩu phần (canh hoặc xào), thêm nhiều loại rau củ yêu thích vào cà ri và súp vốn thường chứa nhiều thịt.
5. Thử dùng chế phẩm từ đậu nành
Chuyên gia dinh dưỡng thể thao thiên về thực vật Kelly Jones cho biết đậu hũ và tương nén cho đến nay vẫn là những lựa chọn thay thế linh hoạt nhất cho thịt. Tuy có vị nhạt, nhưng hai chế phẩm từ đậu nành này có thể dễ dàng được chế biến thành những món ăn có hương vị ngon hơn, bằng cách nêm vào các loại gia vị (như thảo mộc tươi, nước tương) hoặc thông qua nhiều cách chế biến (như xào, chiên hoặc hầm chung với những thực phẩm khác).
6. Kết bạn với người muốn giảm ăn thịt
Chuyên gia dinh dưỡng thuần chay Rhyan Geiger cho biết: “Hợp tác với một người cùng chí hướng có thể giúp bạn duy trì quá trình giảm ăn thịt của mình”. Chẳng hạn, một người bạn đã theo đuổi lối ăn uống thuần chay có thể chia sẻ lời khuyên hữu ích, như cách chọn thực đơn tại nhà hàng hoặc chọn thực phẩm trong tình huống giao tiếp xã hội. Nhưng ngay cả việc kết giao với một người mới đặt mục tiêu giảm ăn thịt cũng sẽ giúp bạn tăng cường quyết tâm giảm ăn thịt và là nguồn để trao đổi các công thức nấu ăn chứa ít thịt hơn. Hơn thế nữa, những người bạn còn có thể cùng nhau đưa ra những lựa chọn thức ăn theo tiêu chí giảm thịt.
AN NHIÊN (Theo SELF)