12/09/2019 - 13:38

Nhức nhối nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá 

Những vụ xúc phạm nhắm vào tiền đạo Raheem Sterling ở giải Ngoại hạng Anh mùa bóng rồi và Romelu Lukaku tại Serie A (Ý) gần đây là lời nhắc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn bám rễ trong bóng đá.

 Ảnh: Independent

 Ảnh: Independent

Trước khi đá quả phạt đền giúp Inter Milan đánh bại Cagliari 2-1 hôm 1-9, Lukaku đã bị các cổ động viên chủ nhà miệt thị và thậm chí giả làm tiếng khỉ để gây áp lực tâm lý cho chân sút 26 tuổi gốc CHDC Congo.

Theo Kick It Out- tổ chức nghiên cứu đẩy lùi nạn phân biệt đối xử trong bóng đá chuyên nghiệp và phong trào của Anh, báo cáo các trường hợp kỳ thị ở mùa giải 2018-2019 đã tăng 32% so với mùa trước đó. Trong đó, phân biệt chủng tộc vẫn là hình thức phổ biến nhất và số vụ đã tăng 43%, mức đáng báo động. Mùa giải rồi, Kick It Out tiếp nhận 159 thông tin về nạn phân biệt đối xử trên mạng xã hội mà nhiều nhất là phân biệt chủng tộc, chiếm 62% số vụ.

Sự ra đời của mạng xã hội bị cho đã mang đến cho những kẻ phân biệt chủng tộc công cụ để nhắm vào các ngôi sao bóng đá trong khi thủ phạm nặc danh và thoát khỏi tầm mắt của các camera trong sân vận động. Chỉ riêng mùa giải này, tiền đạo trẻ Tammy Abraham (ảnh) của câu lạc bộ Chelsea, các đồng nghiệp Paul Pogba và Marcus Rashford tại Manchester United đều trở thành mục tiêu xúc phạm thậm tệ trên mạng Twitter sau khi họ sút hỏng các quả phạt đền. Hôm 9-9, Abraham đã phải lên tiếng đề nghị Twitter cần nỗ lực hơn để bảo vệ cầu thủ trước “những tài khoản giả” vốn cho phép đối tượng phân biệt chủng tộc núp sau tính năng nặc danh để buông ra những lời khó nghe. Về phần mình, Twitter tuần rồi cho biết họ đã có những hành động ngăn chặn hơn 700 vụ xúc phạm liên quan đến bóng đá Anh.

Thiếu vắng đại diện da màu ở các ghế cấp cao

Mặc dù 25% cầu thủ chuyên nghiệp hành nghề ở xứ sương mù là người da màu hoặc dân tộc thiểu số, nhưng con số này lại không được thấy ở những vị trí cấp cao hoặc quyền lực trong môn thể thao vua. Chỉ vỏn vẹn 4/92 huấn luyện viên (chiếm 4,3%) hành nghề ở các giải đấu chuyên nghiệp của Anh là người da màu, châu Á và dân tộc thiểu số (còn gọi là nhóm BAME).

Để giải quyết tình trạng này, Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) hồi tuần rồi đã bắt đầu hành động. Cụ thể, Chris Powell, cựu chiến lược gia của Charlton và Huddersfield, đã được đưa vào ban huấn luyện của đội tuyển Anh dưới thời Gareth Southgate, trong khi 4 nhà cầm quân BAME khác sẽ huấn luyện các đội trẻ ở những nhóm tuổi khác nhau, bao gồm U18, U21 và U23. Theo kế hoạch, cựu tuyển thủ Anh Powell sẽ đồng hành cùng ông Southgate dự vòng chung kết giải EURO 2020.

Tuy nhiên, khi nhìn vào trọng tài BAME trong FA thì vẫn chưa có sự thay đổi. Không có “vua áo đen” da màu nào làm nhiệm vụ tại 4 giải đấu hàng đầu nước Anh. Còn tại các giải đấu không chuyên thì có 2.000 trọng tài da màu trong tổng số 28.000 trọng tài (chiếm 7,1%), theo số liệu của FA.

Vấn đề ít có đại diện người da màu không chỉ ảnh hưởng đến chuyện phân xử và huấn luyện mà còn xảy ra ở những vị trí thương mại cấp cao trong bóng đá Anh. Tại cuộc họp hồi tháng 6, Ban Tổ chức giải Hạng nhất Anh (EFL) thông báo sẽ chính thức áp dụng “luật Rooney” sau 18 tháng thử nghiệm. Luật, được đặt theo tên của chủ tịch ủy ban phụ trách vấn đề đa dạng hóa của giải Vô địch bóng bầu dục Mỹ (NFL) Dan Rooney, bắt buộc các câu lạc bộ phải phỏng vấn ít nhất một ứng viên BAME cho vị trí điều hành hoặc huấn luyện còn trống.

Hiện có chưa tới 1% ghế cấp cao trong ban điều hành đội bóng được nắm giữ bởi một người da màu hoặc dân tộc thiểu số.

THANH BÌNH (Theo CNN, Independent)

Chia sẻ bài viết