Năm 2023, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Sang năm 2024, các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng nhu cầu tín dụng cải thiện mạnh hơn, nhất là trong 6 tháng đầu năm nay.
Năm 2024, các TCTD kỳ vọng kinh tế tốt lên để tăng cầu tín dụng. Ảnh minh họa
Thu hẹp mức độ “tăng” nhu cầu tín dụng
Theo NHNN, kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các TCTD trong tháng cuối năm 2023 cho thấy, về việc sẵn sàng đáp ứng vốn cho nền kinh tế, trong 6 tháng cuối năm 2023 các TCTD đã đáp ứng nhu cầu vay vốn tổng thể của khách hàng với tỷ lệ cao hơn 6 tháng đầu năm 2023 và cùng kỳ năm 2022. Riêng nhóm 15 ngân hàng thương mại (NHTM) trọng yếu, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu vay vốn là 100%, nhóm các NHTM còn lại trên 75%. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, các TCTD đã tiếp tục “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn đối với 2 lĩnh vực ưu tiên là “Cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao”, “Cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics”; và chuyển sang “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn đối với nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2023 “cải thiện” chậm hơn so với 6 tháng đầu năm 2023 và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Tính chung cho cả năm 2023, tỷ lệ TCTD nhận định nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng “cải thiện” thấp hơn nhiều so với kỳ vọng và diễn biến thực tế của các năm trước, dự báo tiếp tục “cải thiện” chậm trong 6 tháng đầu năm 2024 so với 6 tháng cuối năm 2023 ở hầu hết các lĩnh vực “cải thiện” mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 để đạt kỳ vọng “cải thiện” tốt hơn trong tổng thể năm 2024 so với năm 2023. Trong 4 lĩnh vực chính được thống kê, đáng chú ý tại kỳ điều tra này, nhu cầu vay “phát triển công nghiệp và xây dựng” có tỷ lệ TCTD nhận định và dự báo “tăng” cao nhất trong năm 2023 và năm 2024 thay vì lĩnh vực “vay phục vụ đời sống và tiêu dùng” như trong năm 2022.
So với kỳ điều tra tháng 6-2023, tại kỳ điều tra này, các TCTD đã thu hẹp bớt kỳ vọng về mức độ “tăng” nhu cầu tín dụng của 11/13 lĩnh vực điều tra trong năm 2024 trong khi giữ nguyên hoặc mở rộng nhẹ kỳ vọng về mức độ tăng nhu cầu tín dụng của 2/13 lĩnh vực điều tra (đầu tư công nghiệp hỗ trợ và đầu tư ứng dụng công nghệ cao).
Nhận định về tình hình vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh tháng đầu năm 2024 trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cho biết, tháng đầu năm mới, các TCTD trên địa bàn thành phố tiếp tục đảm bảo hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế thành phố. Ðồng thời đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt trong dịp Tết; đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống và thanh toán. Năm 2023, tổng dư nợ cho vay của các TCTD hơn 156.441 tỉ đồng, tăng 10,3% so với cuối năm 2022. Ước đến cuối tháng 1-2024, tổng dư nợ cho vay đạt 157.200 tỉ đồng, tăng 0,49% so với tháng 12-2023. Hầu hết dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên đều tăng so với cuối năm 2023.
Đảm bảo vốn cho nền kinh tế
Theo NHNN, năm 2023, hoạt động cấp tín dụng của các TCTD còn gặp khó khăn, do cầu tín dụng giảm và sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế khó khăn. Thực tế, năm qua, một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, hoặc vướng thủ tục, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thu vốn của nhóm doanh nghiệp lĩnh vực này trong khi bất động sản chiếm đến 21% tổng tín dụng chung của nền kinh tế… Thêm vào đó, khả năng huy động vốn trung và dài hạn của các TCTD còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế; dù lãi suất cho vay bình quân chung đã giảm nhưng ở một số NHTM vẫn còn cao so với mặt bằng chung; thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ khó khăn giữa khách hàng và ngân hàng nên cũng làm tăng trưởng tín dụng chưa đạt như kỳ vọng.
Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng, các TCTD nhận định rủi ro tín dụng tổng thể năm 2023 của các khoản vay tăng mạnh hơn so với năm 2022 và so với dự báo ban đầu. Do đó, các TCTD ngoài nỗ lực thu hẹp hơn nữa “Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân”, thì vẫn thắt chặt nhẹ các điều khoản, điều kiện tổng thể cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp (chủ yếu là yêu cầu về tài sản bảo đảm, các điều khoản bổ sung trong hợp đồng tín dụng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng,... Nhất là đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán và cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản) để quản trị rủi ro tốt hơn, đảm bảo an toàn và chất lượng tín dụng, nhưng giữ ổn định các điều khoản, điều kiện tín dụng đối với khách hàng cá nhân.
Năm 2024, các dự báo của các tổ chức quốc tế và các định chế tài chính lớn đều cho rằng, rủi ro giảm tổng cầu vẫn tiềm ẩn, chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế lớn để kiểm soát lạm phát có thể tiếp tục duy trì, lãi suất vẫn neo ở mức cao. Các TCTD dự báo 6 tháng đầu năm và cả năm 2024, diễn biến tăng trưởng kinh tế; lãi suất; thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh; cơ hội đầu tư, xuất nhập khẩu; chất lượng dịch vụ cải thiện là những nhân tố được nhiều TCTD nhận định và dự báo ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng doanh nghiệp. Bên cạnh các nhân tố trên, nhân tố cải tiến sản phẩm cho vay của TCTD được dự báo tác động nhiều nhất đến sự gia tăng nhu cầu vay vốn của nhóm khách hàng cá nhân trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2024.
Cũng theo đánh giá của các TCTD, các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tín dụng là những diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán, tăng trưởng kinh tế và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng. Có 3 lĩnh vực kinh tế được dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng mạnh trong năm 2024 theo đánh giá của các TCTD tại kỳ điều tra này gồm: “Bán buôn, bán lẻ”; “Xuất, nhập khẩu”; “Sản xuất thức ăn và đồ uống”. 2 lĩnh vực được dự báo tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất tiếp tục là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán...
Trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2024, có 70,3-73,3% TCTD dự kiến tiếp tục giữ nguyên “không đổi” hoặc “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình (13,9-16,8% TCTD dự kiến “nới lỏng” tiêu chuẩn tín dụng, 12,9% TCTD dự kiến “thắt chặt” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng), trong đó, dự kiến “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với tất cả các lĩnh vực ưu tiên và “Công nghiệp chế biến chế tạo”, “Cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics” và “Cho vay mua nhà để ở”… Ðồng thời, các TCTD dự kiến giữ ổn định các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể đối với khách hàng doanh nghiệp và nới lỏng hơn đối với khách hàng cá nhân (dự kiến áp dụng đối với lĩnh vực vay phục vụ đời sống, vay mua BÐS để ở).
Bài, ảnh: GIA BẢO