21/06/2024 - 06:15

Nhớ về triển lãm “Tôi nói về chúng ta” 

Cũng vào những ngày này, 8 năm về trước, các nhà báo, nhiếp ảnh gia tập hợp về Hậu Giang chuẩn bị cho cuộc triển lãm ảnh “Tôi nói về chúng ta” nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2018). 100 bức ảnh về nghề báo và những người làm báo suốt gần nửa thế kỷ, đã kể lại chuyện nghề sống động.

Các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp ảnh lưu niệm tại buổi khai mạc triển lãm. Ảnh: HỮU HỒNG

“Tôi nói về chúng ta”

Chỉ tính riêng ĐBSCL, mỗi năm đã có hàng ngàn bài báo, gồm cả báo in, báo nói, báo hình, báo mạng, của hàng trăm phóng viên.

Nhưng rất nhiều tác giả đều “mờ nhân ảnh”. Ngay trong làng báo với nhau, đọc bài của nhau, thích đó nhưng đâu phải ai cũng biết người viết bài “mặt méo hay tròn, vuông hay dẹt, già hay trẻ?”.

“Ngày của mình” thì phải làm rõ mình. Triển lãm ảnh “Tôi nói về chúng ta” do Hội Nhà báo tỉnh Hậu Giang phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang tổ chức, đúng ngày 21-6 năm 2018 đã làm được điều này. Trước là nối kết đồng nghiệp, sau cho bạn đọc hiểu hơn nghề báo. Chẳng phải “khoe nghề” mà để tôn vinh và tự hào với nghề, để tự thấy mỗi lần viết báo phải trách nhiệm hơn.

Lần đầu tiên, rất nhiều gương mặt phóng viên địa phương và các Văn phòng đại diện khu vực ĐBSCL “công khai”, xuất hiện trước “bàn dân thiên hạ”. Cũng thật sống động bởi được chính đồng nghiệp chụp ngay tại hiện trường, gắn liền với các sự kiện nóng, thời sự…

Lần đầu tiên, hiện diện qua ảnh nhiều thế hệ làm báo - đài, từ lãnh đạo, phóng viên, trị sự, phát hành của “Hậu Giang cũ” đến “Hậu Giang mới” và Cần Thơ, Sóc Trăng...

Cả một khoảng thời gian dài, suốt từ 1975-2018 được chuyển tải, tái hiện. Ngay những người làm báo 70-80 tuổi cũng giật mình, ngỡ ngàng khi thấy hình mình trong triển lãm.

Cái ý tưởng của một nhóm bạn già về hưu đất Cần Thơ ra “hình khối”, thiệt nhẹ lòng. Họ là các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh: Trần Anh Thắng, Văn Ngọc Nhuần, Võ Xuân Hiệp, Nguyễn Hữu Hồng, Vũ Thống Nhất... Hưu rồi danh phận, tiền tài chi nữa, họ chỉ nghĩ cái gì có ích thì mần tới vậy thôi. Triển lãm này này cũng nhờ Hội Nhà báo và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang nhiều lắm, cách riêng là nhà báo Trần Anh Dũng, lúc bấy giờ là Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hậu Giang. Từ thư ngỏ, địa điểm, kinh phí… đến cả “cụng ly”, có gì chơi nấy khi kết thúc. Khó mấy cũng ráng “bặm môi”, chơi đẹp. Người có tình với nghề, với bạn là vậy.

Cạn ly cùng người đã xa

Mỗi bức hình đều ẩn chứa một câu chuyện dài vui buồn trên đường tác nghiệp. Nhà báo Hồng Bình Hiếu có tấm hình chụp nhà báo lão thành Huỳnh Văn Hoài (sinh năm 1933) cùng tấm thẻ nhà báo “Biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam” thời kỳ 1967-1970. Anh có phát hiện lý thú, ông chính là một trong những người được giao nhiệm vụ chọn vị trí đặt Tượng đài Bác Hồ (như hiện nay) trên bến Ninh Kiều năm 1976.

Quang cảnh triển lãm “Tôi nói về chúng ta” tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Và lại nhớ đến nhiều bậc cha chú, đàn anh, bạn bè. Tấm hình Tổng Biên tập Báo Hậu Giang (cũ), chú Hai Thường, gợi nhớ một sự kiện “xém chết”. Đâu khoảng năm 1991-1992, vừa báo cáo nghiệm thu một đề tài khoa học, phóng viên đến phỏng vấn. Có nhà báo của Báo Công an TP Hồ Chí Minh tới Cần Thơ, làm việc xong gợi ý “Đề tài nóng đó. Anh viết cho bên em loạt bài này?”.

TP Hồ Chí Minh xa quá, vác bài sang Báo Hậu Giang. Báo ra, “sấm chớp” đã giật đùng đùng. Nghe kể lại, người phụ trách văn hóa - tư tưởng tỉnh Hậu Giang khi đó bừng bừng điện ngay sang Tòa soạn: “Mấy ông đăng gì mà tôi ngồi phà Cần Thơ nghe rao rần rần “Hiếp dâm đây! Hiếp dâm ngày một gia tăng đây…”. Tác giả là ai, con cái ông nào...”. Chú Hai Thường điềm đạm trả lời, bài 1 phải nêu thực trạng, bài 2 là giải pháp phòng ngừa, có tác dụng anh à. Bài sau ra, êm ru, thở phào.

Một Tổng Biên tập khác, là chú Hai Xuân Thủy. Có lần chú điện: “Cậu dùng từ “hằng sản” tôi chịu, xài “địa chủ” là ác, họ còn làm lộ, lập chùa cho dân mà”. Ông sống mực thước, nhân cách, tỉ mỉ từng câu chữ.

Làm nghề được gặp một Tổng Biên tập “cứng” là hên, anh em an tâm, có cửa để viết. Những chỉ bảo từ họ là kinh nghiệm rất quý cho nghề.

Cả hai ông đã mất nhiều năm rồi. “Ngày của mình” đồng nghiệp gặp nhau. Tôi cạn ly với cả những người đã đi xa...

***

Cũng mong, triển lãm “Tôi nói về chúng ta” sẽ còn được tổ chức nữa và mở rộng hơn nữa, như giới thiệu sách của các nhà báo chẳng hạn. Một “Bảo tàng Báo chí ĐBSCL” cũng là ước mơ...

VŨ THỐNG NHẤT

 

Chia sẻ bài viết