20/06/2020 - 10:02

Nhớ thầy Liêm Trắng! 

Sự ra đi đột ngột của Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thanh Liêm khiến giới văn nghệ Cần Thơ và tài tử đờn ca ở Nam bộ không khỏi xót xa. Thầy “Liêm Trắng” - biệt danh mà mọi người vẫn quen gọi ông suốt mấy chục năm qua - đến cuối cuộc đời vẫn trọn lòng với di sản đờn ca.

Mới tuần trước, anh đồng nghiệp ở Đài PT-TH TP Cần Thơ còn kể với chúng tôi chuyện vừa làm phim về thầy Liêm Trắng, ông vẫn khỏe khoắn, tiếng nói sang sảng và yêu đời, hài hước. Vậy mà nay người nghệ nhân 71 tuổi ấy đã đi xa.

Từng là một diễn viên xông xáo của Văn công Cần Thơ thời kháng chiến, thời bình NNƯT Thanh Liêm lại gắn bó với sự nghiệp sân khấu cải lương. Sau khi Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ thành lập, ông bắt đầu công tác giảng dạy, với vai trò Trưởng Bộ môn Sân khấu. Người thầy ấy luôn tâm huyết trao truyền cho học trò cách ca cổ nhạc sao cho mùi, đờn tài tử sao cho “bén” và tiếng nói sân khấu sao cho “rặt” cải lương. Về hưu, ông vẫn tham gia thỉnh giảng, mới nghỉ hẳn chừng 2 năm nay nhưng cũng thường tham gia chấm thi ở các liên hoan, hội thi, hội diễn của thành phố. Năm 2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT. Ông nói với tôi rằng: “Vậy là chú mãn nguyện”.

Thỉnh thoảng tôi hay đến phòng trọ của ông để nghe ông kể chuyện về Văn công Cần Thơ, về sân khấu cải lương Cần Thơ hồi trước. Ông hay cười, kể chuyện dí dỏm mà say sưa về niềm đam mê cuộc đời: đờn ca tài tử và sân khấu cải lương. Ông thương nghiệp sân khấu và hay xúc động với những kỷ niệm cuộc đời. Lần nào, ông cũng kể về cố soạn giả Chí Sinh, người lãnh đạo mẫu mực, tài hoa của Văn công Cần Thơ đã hy sinh; về những tình cảm đồng đội thời chiến. Ông kể có lần, Văn công Cần Thơ đi công tác bằng vỏ lãi ở miệt Vĩnh Viễn, Long Mỹ. Đến một con kinh, thấy bà con cứ phất tay không ngớt, một người phụ nữ đang giặt đồ ở bến sông hết đứng rồi quỳ, chắp tay xá. Lúc đó, các nghệ sĩ mới hiểu bà con ra hiệu phía trước có giặc. Ông cũng không quên những đêm giăng mùng dã chiến ngủ trong đồng bưng xép nước, bị vắt, đỉa hút máu khắp người; những chuyến đi diễn bị trực thăng, đầm già phát hiện, phóng pháo…

Ông là một nghệ sĩ, nghệ nhân giỏi nghề và là người thầy tận tâm. Mấy ngày nay, nhiều học trò của ông vẫn thường kể về Thầy Liêm Trắng với bao xúc động. NNƯT Kiều Nga (Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô) kể về những ngày được Thầy Liêm Trắng dạy dỗ trên giảng đường rồi ra trường, được Thầy động viên theo nghiệp hát. Nghệ sĩ Võ Minh Lâm thì kể về những ngày được Thầy Liêm dựng kịch bản tốt nghiệp, bảo ban từng chút. Nữ nghệ sĩ Hồng Thủy (Đoàn Cải lương Tây Đô) kể với tôi rằng: Hồi trước khi thi vào trường văn hóa - nghệ thuật, cô chọn thanh nhạc với ước mơ làm ca sĩ. Vào thử giọng, Thầy Liêm nhận ra tố chất cải lương trong cô và đã hướng cô học ngành diễn viên cải lương. Chính sự tận tâm và phát hiện ấy của NNƯT Thanh Liêm giờ đã giúp sân khấu cải lương có thêm một cô đào sáng giá.

“Sinh ký tử quy”- quy luật đời người NNƯT Thanh Liêm phải trải qua. Bạn bè, học trò và người đồng điệu đờn ca tài tử sẽ mãi nhớ về tiếng đờn, tiếng cười và tấm lòng của ông - Thầy Liêm Trắng!

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết