06/05/2014 - 22:25

Nhớ mãi Điện Biên ơi!

Trong những ngày cả nước hướng về Điện Biên chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp thực hiện chuyến về nguồn đến các tỉnh Tây Bắc – nơi 60 năm trước quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, gây chấn động địa cầu.

Rời sân bay Nội Bài, chúng tôi tiến thẳng về Điện Biên với lòng háo hức của đứa con miền Nam lần đầu đến chiến trường xưa. Do đoạn đường từ Hà Nội đến Điện Biên hơn 500 km, chúng tôi phải dừng chân ngủ đêm ở Sơn La. Hôm ấy, dù còn khá xa mới tới ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng đã có rất đông các đoàn cựu chiến binh, du khách từ khắp mọi miền đất nước đổ về Điện Biên thăm chiến trường xưa. Các khách sạn ở Sơn La cũng như Điện Biên Phủ cả tháng qua, hầu như đêm nào cũng kín phòng.

Trước khi lên đường đi Điện Biên, hầu hết mọi đoàn đều dừng chân ở Sơn La để khách ghé thăm di tích nhà tù Sơn La – nơi phơi bày tội ác của thực dân Pháp đối với các tù chính trị, đồng thời cũng là nơi minh chứng của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường dưới chế độ khắc nghiệt của nhà tù thực dân Pháp. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản. Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn hết sức hiểm ác, kẻ thù hòng tiêu diệt tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng. Nhưng chính tại nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sĩ, đảng viên cộng sản trung kiên trong đó nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu và nhiều lớp chiến sĩ trung kiên khác. Mọi người dừng chân bên cây đào Tô Hiệu, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ đến anh linh người cộng sản kiên cường và chụp ảnh lưu niệm. Thăm di tích nhà tù Sơn La, sau khi được nghe thuyết minh về lịch sử nhà tù cũng như lòng kiên trung của các chiến sĩ cộng sản tiền bối, mọi người, không ai bảo ai, đều đến thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ, khấn vái hương hồn các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát. Các thế hệ nối tiếp cũng tự nhủ với lòng sẽ tiếp nối truyền thống, sống và làm việc, học tập sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các bậc tiền bối.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Chỉ huy Trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: HỒ HOÀNG

Đến thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi đi thăm đồi A1 ngay bởi muốn được hồi ức lại trận đánh đồi A1. Đã từng được học hồi còn ở ghế nhà trường về những trận đánh làm nên chiến thắng Điện Biên, nhưng hôm nay, đến tận nơi, nhìn thấy địa hình cùng hệ thống hầm chìm, hầm nổi và lớp dây thép gai bao bọc ngọn đồi A1, chúng tôi càng hiểu rõ vì sao trận đánh đồi A1 là trận mở màn 31 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ. Giờ đây, đứng trên ngọn đồi A1, nhìn xa xa là thành phố Điện Biên Phủ với cánh đồng Mường Thanh, chúng tôi càng hiểu thêm về vị trí chiến lược của ngọn đồi A1.

Ấn tượng kế tiếp là do không thạo đường nên khi đến thăm tượng đài chiến thắng trên ngọn đồi D1 ở độ cao khoảng 50 m so với cánh đồng Mường Thanh, chúng tôi không đi bằng ô tô mà lại leo lên 340 bậc thang. Tượng đài chiến thắng là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đây là công trình văn hóa lịch sử mang đậm tính nhân văn và tâm linh sâu sắc để tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng bào Điện Biên đã cùng với cả nước đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chúng tôi cũng đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập - nơi yên nghỉ của 2.432 liệt sĩ, trong đó có những nhân vật được ghi danh vào sử sách như: Anh hùng Liệt sĩ Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Trần Can,… Những ngày này, trên các phần mộ liệt sĩ luôn nghi ngút khói hương và hoa tươi của các cựu chiến binh đến viếng.

Sau khi thăm sở chỉ huy của tướng Đờ-Cát, chúng tôi đến thăm Sở Chỉ huy chiến dịch của quân đội ta tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 25 km. Tại nơi đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy trận Điện Biên Phủ. Tuy vậy, xe ô tô phải chạy ngoằn ngoèo đến 41 km, qua những cánh rừng, bản làng. Để tái hiện lịch sử, tỉnh Điện Biên cho phục dựng quần thể di tích. Hầu hết các cơ sở cũ như: Chòi canh, hầm thông tin, đài quan sát, lán ở và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lán ở và nơi làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, đường hầm giao thông, bếp Hoàng Cầm … đều được phục dựng và có biển giới thiệu.

Trở về Mường Thanh nghỉ đêm, chúng tôi chọn bữa ăn chiều ở bản Teng, gần thành phố Điện Biên Phủ, thưởng thức những món ăn của đồng bào dân tộc Thái. Thời gian lưu lại Điện Biên quá ít ỏi, chúng tôi không có nhiều cơ hội đi thăm được nhiều di tích và thắng cảnh khác như: di tích Noong Nhai; đập Nậm Rôm; hồ Huổi Phạ, hồ Pa Khoang,… để được thâm nhập cuộc sống và bản sắc các dân tộc Tây Bắc. Điều mà chúng tôi rất vui và vinh dự là được đến nơi đã làm cho tên tuổi Việt Nam lẫy lừng thế giới, mà khi còn ngồi trên ghế nhà trường - học trên sách vở - chúng tôi đã từng ao ước được một lần đến thăm!

LÊ QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết