02/11/2017 - 10:02

Đại tá Trần Cừ, nguyên Cán sự tham mưu Tiểu đoàn Tây Đô; nguyên Giám đốc Sở Thể dục Thể thao tỉnh Hậu Giang:

Nhớ mãi 52 ngày đêm bám trụ, chiến đấu

Tôi tham gia hoạt động cách mạng ngày 15-4-1954. Trực tiếp tham gia hoạt động, sống, chiến đấu trên tuyến lộ Vòng Cung từ năm 1963 đến 1968. Trong những năm hoạt động, sống, chiến đấu trên lộ Vòng Cung, tôi cùng các đồng đội trong Tiểu đoàn Tây Đô đã trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, nguy hiểm rình rập; tổ chức nhiều trận đánh gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Trong đó, đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Đánh chìm 9 tàu Mỹ

Trong nhiều trận chiến đấu tại Lộ Vòng cung năm 1968, tôi nhớ nhất là trận đánh tàu Mỹ tại vàm Rạch Kè, xã Mỹ Khánh mùng 7 Tết Mậu Thân (1968). Thời điểm này, Mỹ đưa Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 9 ở Đồng Tâm (Tiền Giang) chi viện xuống vùng IV chiến thuật ở Cần Thơ. Tàu Mỹ thường xuyên di chuyển từ Cái Răng đến Phong Điền và ngược lại. Tại xã Mỹ Khánh (địa điểm trụ sở UBND xã Mỹ Khánh hiện nay) địch đặt dưới tàu và trên bờ hơn 20 khẩu pháo cỡ lớn. Chúng sẵn sàng chi viện cho lực lượng của chúng ở Ô Môn và các vùng của tỉnh Vĩnh Long tiếp giáp Cần Thơ. Chúng hung hăng bắn phá ác liệt những nơi chúng nghi ngờ lực lượng của ta đóng quân. Do vậy, Tiểu đoàn Tây Đô lúc đó đóng quân ở Trà Niềng (nay là thị trấn Phong Điền) đứng trước rất nhiều nguy hiểm. Những hôm địch bắn phá ác liệt, đơn vị không thể nấu cơm ăn. Quyết tâm đẩy lùi tàu Mỹ ra khỏi khu vực, 7 giờ sáng ngày 27-2-1968, tôi đến gặp đồng chí Hồ Văn Tửu, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Tây Đô, đề xuất nổ súng đánh tàu Mỹ. Tôi nói: “Anh Hai (Hai Tửu- PV), tình hình không chịu nổi, phải tổ chức đánh thôi”. Anh Hai Tửu hỏi lại: “Đánh sao anh Sáu?”. Nghe tôi trình bày cách đánh, anh Hai Tửu đồng ý và nói: “Anh về đơn vị xây dựng kế hoạch đánh kỹ lượng, 3 giờ chiều lên báo cáo với tôi”.

Tôi về nghiên cứu, xây dựng kế hoạch. Cụ thể, dùng 4 khẩu súng chống tăng B40, với 7 quả đạn/ khẩu. Mỗi khẩu biên chế 2 đồng chí. Tôi bố trí 4 khẩu súng trong địa đoạn 80m (mỗi khẩu cách nhau khoảng 20m); mục tiêu bắn cách 60m. Tôi quy định nổ súng: nếu tàu Mỹ từ Cái Răng đi vào Phong Điền thì khẩu số 1 bắn 1 quả, kết quả tàu chưa chìm thì khẩu số 2 bắn 1 quả và nếu tàu chưa chìm thì lần lượt khẩu số 3 bắn 1 quả, tương tự khẩu số 4 bắn 1 quả. Ngược lại, nếu tàu Mỹ đi từ hướng Phong Điền ra Cái Răng thì khẩu số 4 bắn trước, nếu tàu chưa chìm thì thứ tự từng khẩu số 3, 2, 1 bắn tiếp. Đúng 3 giờ chiều tôi lên trình bày kế hoạch và được Tiểu đoàn Trưởng phê duyệt. Đúng 6 giờ 30 phút tôi cùng đồng chí Nguyễn Văn Bé (Bé Quẹo), Phân đội Trưởng Trinh sát Tiểu đoàn chỉ huy 8 đồng chí hành quân từ đơn vị đến vàm Rạch Kè, xã Mỹ Khánh bố trí trận địa dựa theo địa hình bờ sông. Đơn vị bố trí xong trận địa, sẵn sàng chiến đấu được một lúc thì phát hiện tàu Mỹ từ hướng Phong Điền đi ra Cái Răng. Chúng tôi chiến đấu đúng phương án đã định sẵn. Sau ba tiếng rưỡi chiến đấu quyết liệt chúng tôi bắn chìm và cháy 9 tàu Mỹ. Tất cả chúng tôi bảo đảm an toàn về người và vũ khí. Hôm sau, chúng tôi được Tiền phương Quân khu báo tin trong trận này chúng tôi đã tiêu diệt tổng cộng 262 tên địch. Đây là trận đánh tàu Mỹ đầu tiên của ta tại ĐBSCL, gây được tiếng vang trong cả nước.

Giải cứu xuồng vũ khí

Sau trận đánh tàu Mỹ tại Mỹ Khánh, khoảng 3 ngày sau, tôi cùng 2 đồng chí quân khí viên được giao đi nhận vũ khí cho Tiểu đoàn, với số lượng 7 khẩu B40, 7 khẩu B41, 7 khẩu trung liên ARBD, 7 khẩu AK, 7 khẩu CKC và số lượng đạn kèm theo. Khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi hành quân từ Rạch Ngỗng vào Miễu Ông để nhận số vũ khí trên. Thời gian chúng tôi đi nhận vũ khí thì địch đổ quân đánh Tiểu đoàn từ sáng đến chiều nên không thể về đơn vị. Trước tình thế đó, tôi giao 2 đồng chí đi cùng vận chuyển vũ khí về Tiểu đoàn bằng đường sông, còn tôi đi bằng đường bộ. Do địch đánh dữ dội nên đến 18 giờ 30 tôi mới về đến đơn vị. Tôi gặp đồng chí Hồ Văn Tửu, Tiểu đoàn Trưởng hỏi các đồng chí đi cùng tôi đã đưa vũ khí về chưa. Nghe Tiểu đoàn Trưởng nói chưa thấy các đồng chí ấy về, tôi tức tốc cử 2 đồng chí trợ lý trinh sát cùng tôi đi tìm. Khoảng 19 giờ chúng tôi phát hiện chiếc xuồng chở vũ khí đã nằm trong đội hình của Tiểu đoàn, nhưng bị địch bắn phá đang cháy dữ dội. Tôi ra lệnh đồng chí Nguyễn Văn Bé (Bé Quẹo) nhảy xuống sông nhấn chìm chiếc xuồng xuống đáy. Giữa lúc rất nguy hiểm, xuồng vũ khí có thể bị nổ, nhưng đồng chí Bé Quẹo bất chấp hy sinh nhảy xuống nhấn chìm xuồng vũ khí, bảo toàn số vũ khí. Hành động ấy đã thể hiện tinh thần dũng cảm, kiên cường, chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh chiến đấu của chỉ huy.

Sau 52 ngày đêm bám trụ chiến đấu đợt 1 Tết Mậu Thân, tôi được điều về làm Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Tây Đô 2, hoạt động, chiến đấu ở địa bàn Ô Môn. Kết thúc chiến tranh, tôi tiếp tục tham gia công tác trong các đơn vị Quân đội, rồi Giám đốc Sở Thể dục Thể thao tỉnh Hậu Giang cho đến lúc nghỉ hưu. Tôi cũng thường kể lại những kỷ niệm chiến đấu của mình và của Tiểu đoàn Tây Đô, với mong muốn qua đó góp phần giáo dục truyền thống, vun đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

ANH DŨNG (ghi)

Chia sẻ bài viết