11/10/2021 - 08:38

Nhớ Anh hùng Hồ Đức Thắng 

Trong ngôi nhà thờ Anh hùng Hồ Đức Thắng tại ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, các con cháu ông luôn trân quí giữ gìn những kỷ vật gắn liền với những ngày ông xuôi ngược trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây không chỉ là niềm hãnh diện của gia đình, dòng họ mà cho cả làng quê biển Hiệp Thạnh có được vị Anh hùng cả đời cống hiến cho cách mạng, cho tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Sau khi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương lên phương án mở đường Hồ Chí Minh trên biển để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi diện cho chiến trường Nam Bộ, Khu ủy Khu Tây Nam Bộ chỉ đạo các tỉnh ven biển Nam Bộ nghiên cứu tổ chức vận chuyển và mở bến tiếp nhận.

Tháng 6/1961, đồng chí Trần Văn Long, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo tập hợp một số đảng viên của các xã ven biển để tổ chức chuyến đi đầu tiên thăm dò trên biển nhằm nắm bắt tình hình hoạt động bố phòng của địch, tạo sở cho Trung ương mở đường vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam.

Chân dung Anh hùng LLVTND Hồ Đức Thắng

Trong những đảng viên được triệu tập, đồng chí Lê Văn Lòng (Phó Bí thư Huyện ủy Trà Cú) được chỉ định làm Chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ tàu; đồng chí Nguyễn Văn Inh (Bí thư Chi bộ Hiệp Thạnh, sau này lấy bí danh là Hồ Đức Thắng) được chọn làm thuyền trưởng. Sở dĩ đồng chí Nguyễn Văn Inh được chọn làm thuyền trưởng là vì đồng chí có bảng thành tích khá dày với kinh nghiệm hoạt động trên biển.

Trước khi về Hiệp Thạnh hoạt động, vào năm 1946, Nguyễn Văn Inh đã gia nhập Chi đội 14 Bộ đội Hải quân Nam Bộ do đồng chí Trần Long Chu trực tiếp làm Chỉ huy trưởng. Năm 1947, Nguyễn Văn Inh được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng cùng 12 thủy thủ của Chi đội 14 hóa trang thành thuyền buôn vượt biển mang tài liệu, thuốc men và lương thực ra miền Trung. Chuyến đi đó không thành công do đến vùng biển Nha Trang, tàu bị địch phát hiện và vây bắt. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Inh đã phải hủy tàu để tài liệu không rơi vào tay địch, giữ bí mật cho tổ chức cũng như chuyến đi. Bị địch bắt, dù bị tra tấn, đồng chí Inh nhất quyết không khai một lời.

Tháng 3/1950, Nguyễn Văn Inh giữ chức vụ Đại đội phó Đại đội 198, đơn vị vận tải 14 Bộ đội Hải quân Nam Bộ với nhiều chuyến vận tải an toàn trên biển.

Bởi bảng thành tích hoạt động trên biển cùng sự dũng cảm, lòng trung thành với cách mạng của Nguyễn Văn Inh nên lần này tổ chức khá yên tâm để ông lèo lái chuyến tàu đầu tiên của Trà Vinh lần đường ra miền Bắc.

Chính trị viên, thuyền trưởng và bốn thủy thủ trên tàu thống nhất lấy bí danh Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi như một phương châm hành động quả cảm. Từ đây, Nguyễn Văn Inh mang tên Hồ Đức Thắng.

Ngày 25/8/1961, chiếc tàu gỗ trọng tải 15 tấn với trang bị thô sơ do thuyền trưởng Hồ Đức Thắng chỉ huy nhổ neo tại bến Trà Vinh. Cuộc hành trình hết sức gian nan, nguy hiểm nhưng cuối cùng cũng hoàn thành sứ mệnh là ra được miền Bắc, báo cáo với Bác và Trung ương.

Từ kinh nghiệm của tàu Trà Vinh và tàu một số tỉnh khác, Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày tuyến đường chính thức đi vào hoạt động, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, các cán bộ, chiến sĩ trong đó có thuyền trưởng Hồ Đức Thắng được gặp Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và đoàn đã tuyên thệ sẽ tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và sẵn sàng hy sinh để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Từ đó, Hồ Đức Thắng gắn liền với tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, hoạt động xuyên suốt, liên tục ra Bắc vào Nam.

Từ năm 1961 đến năm 1966, với vai trò là thuyền trưởng và chính trị viên, Hồ Đức Thắng đã chỉ huy 16 chuyến tàu (cập hầu hết các bến ở Nam bộ, trong đó có bến Trà Vinh-B22) an toàn chở theo hơn 1.000 tấn vũ khí và các trang thiết bị cho chiến trường. Đó là thành tích kỳ diệu trong điều kiện chiến tranh ác liệt.

Thượng úy Hồ Đức Thắng nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, năm 1967

Với thành tích ấy, ngày 1/1/1967, Thượng úy Hồ Đức Thắng vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định tuyên dương Anh hùng quân đội (nay là Anh hùng LLVTND).  Ông là một trong 3 người đầu tiên của Đoàn tàu Không số được phong tặng danh hiệu cao quí này. Gắn bó với tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, Hồ Đức Thắng còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng 4 huân chương. Đây là niềm vinh dự và cũng là sự ghi nhận xứng đáng dành cho một “kình ngư” mưu trí, dũng cảm luôn trong tư thế quyết tử để giữ bí mật tuyệt đối cho tuyến đường.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Hồ Đức Thắng được phong quân hàm Thiếu tá và điều về công tác tại Công xưởng Nhà Bè thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân đóng tại TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, ông giữ chức vụ Phó Chính ủy cho đến ngày nghỉ hưu, năm 1980, sau hơn 40 năm cống hiến cho cách mạng.

Anh hùng Hồ Đức Thắng (ngoài cùng bên phải) cùng các đại biểu tại Công xưởng Nhà Bè

Ông Hồ Quốc Phục (nguyên Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh)-người con thứ bảy của Anh hùng Hồ Đức Thắng cho biết: Thân sinh của mình tên thật là Hồ Bá Thọ (còn có tên khác là Nguyễn Văn Inh, Hồ Lộc) sinh năm 1922 tại Cù Lao Dài (nay thuộc 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện), huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Hồ Bá Thọ sinh ra trong gia đình nông dân. Cha mẹ ông đều tham gia cách mạng từ những năm 1930. Tháng 4 năm 1940, Hồ Bá Thọ tham gia cách mạng do 2 người anh ruột là Hồ Hữu Dụng và Hồ Minh Lý dìu dắt vào tổ chức bí mật “Thanh niên tương tế ái hữu” xã Quới Thiện. Ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 1946 và là người hoạt động tích cực trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và giành thắng lợi ở Vũng Liêm.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Đức Thắng ít nhất 3 lần bị địch bắt, giam cầm nhưng ông vẫn kiên trung với cách mạng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cơ duyên Hồ Đức Thắng gắn bó với mảnh đất Hiệp Thạnh là khi thực dân Pháp quay trở lại miền Nam, đơn vị vận tải 14 Bộ đội Hải quân Nam Bộ chọn vùng rừng ven biển xã Mỹ Long và Hiệp Thạnh để xây dựng căn cứ; ông được giao chức vụ trung đội trưởng. Tại đây, ông kết duyên cùng Nguyễn Thị Ba (còn gọi là Nguyễn Thị Năm)-cô gái làng biển Hiệp Thạnh và gắn cuộc đời hoạt động cách mạng của mình tại quê vợ. Hồ Đức Thắng từng đảm trách nhiều chức vụ quan trọng tại xã Hiệp Thạnh như: Xã đội trưởng, Bí thư Chi bộ và lãnh đạo cuộc Đồng khởi ở đây giành thắng lợi.

Mảnh đất Hiệp Thạnh với ông sâu nặng nghĩa tình, vì vậy, sau khi nghỉ hưu, ông về sinh sống tại Hiệp Thạnh cho đến ngày cuối đời. Ông mất năm 2005.

Quê hương sông nước Cù Lao Dài là nơi sinh ra Hồ Bá Thọ nhưng làng biển Hiệp Thạnh lại là nơi gắn liền với hoạt động cách mạng của Hồ Đức Thắng và Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Vĩnh Trà (Báo Hải quân Việt Nam)

Chia sẻ bài viết