09/05/2015 - 18:23

Truyện ngắn TRẦN HUY MINH PHƯƠNG

Nhịp sống

1. Nó sống trong cảnh sung túc nhưng lúc nào cũng cứ dàu dàu. Cuộc sống buộc nó ưỡn bộ ngực lép ra mà chịu đựng những trận bão đời khiến nó rã rời. Tóc nó chớm bạc khi tuổi chỉ mới sang hàng băm, kết quả của những đêm không ngủ bên đống hồ sơ sản phẩm mới, giấy tờ liên doanh của công ty mà nó giữ chức phó giám đốc. Những lúc như vậy, nó thường thèm nghe tiếng gió bên lũy tre làng, thèm nhìn lại cánh diều giấy mà một thuở nó cùng lũ bạn cắt cắt dán dán rồi thả tít lên trời đong nặng ước mơ.

Nó có mười năm thơ ấu khá đẹp tuy có lam lũ, mười năm học và chơi. Rồi lại gần mười năm bạn bè mến nó nhưng không thích chơi lâu bởi tính nó nhạt nhòa và hay ngớ ngẩn. Nó thích sống trong thế giới sách và học hành dù nó là con nông dân thứ thiệt. Ba đời, từ nội tổ đến cha nó chưa có người nào đủ sức đọc hết cuốn sách mỏng. Bên ngoại cũng không khác. Khác chăng là mẹ nó, một người phụ nữ thôn quê truyền thống nhưng bà thuộc truyện Kiều, hàng trăm câu ca dao, khúc dân ca. Bà có trí nhớ nghe qua một lần là nằm lòng. Những khúc ru của mẹ lúc ấu thơ đã gieo vào tâm hồn nó một khoảng trời mơ mộng.

Để rồi bây giờ, nó là người nửa quê nửa phố. Về quê nó là người của phố, bạn bè bà con gặp nó vẫy tay chào vậy thôi vì từ nhỏ nó ốm yếu hơn lũ bạn cùng xóm, bệnh tật thường xuyên thăm viếng, lại gắn bó với sách vở nên xa cách. Ở phố nó ít nói, chỉ lặng lẽ làm việc và sống trong mặc định, bởi nó là người quê.

2. Nó dần chán ngấy cảnh sáo ngữ, đón lời làm vui cấp trên của nhân viên. Ngày theo ngày gấp rủi trong thời đại công nghiệp, nó càng thu mình khi con người chỉ nhìn nhau bằng công việc, ép xác vào bốn bức tường, hít thở không khí từ máy điều hòa. Lúc đầu nó lầm tưởng những người phục sức sang trọng, luôn tỏa ra mùi thơm cao cấp sống phóng khoáng. Nhưng càng hiểu sâu, nó chỉ còn thấy ở họ lòng ganh và mắt hờn khi lúc nào cũng lăm le tìm mọi cách huých nhau một cái cho ngã nhào. Bởi vậy nó chọn đến công ty với bộ đồ vừa đủ lịch sự, đôi giày công sở bình thường. Chiếc cà vạt và đôi giày bóng nhoáng mũi nhọn không chứng minh được gì dưới con mắt của nó.

Ông Khấm, giám đốc công ty, thường hay để ý và hễ có cơ hội là góp ý một cách hả hê về cung cách ăn mặc của nó, rằng chẳng xứng với tầm vóc phó giám đốc của một công ty liên doanh. Nó chỉ khẽ cười, rồi thôi. Ông Khấm trạc ngũ tuần, người béo trùng trục, trắng nhờn nhợt. Ông làm việc quan cách và luôn lo ngại nó sẽ cưa ngã ghế của ông. Đã nhiều lần ông định loại trừ nó khỏi công ty, nhưng còn e dè bởi nó là người giỏi, là người duy nhất trong công ty có khả năng phát triển những sản phẩm mới, chỉ huy và hiện thực hóa những ý tưởng đưa công ty đi lên. Ông Khấm tuy sợ nó vượt mặt, nhưng cũng biết loại nó ra khỏi công ty rồi thì sẽ khó khăn, vị trí của ông chắc gì còn vững. Bởi vậy với nó ông "vừa đấm vừa xoa" để nhân tài ở cạnh mình, nhưng cũng không thể nổi bật. Trước thái độ của sếp, nó không tự phụ, chỉ thấy thêm buồn. Ông Khấm chưa bao giờ chịu cho cấp dưới học nâng cao tay nghề, vì ông sợ rồi đây họ sẽ hơn ông. Ông cũng khó khăn khi xét duyệt những dự án mới, dù sau đó thể nào cũng thông qua, để mọi người thấy vị thế của ông là không tầm thường. Thế là trong công ty đội quân đi làm chỉ để chờ tới tháng kí tiền lĩnh lương ngày một đông. Rỗi việc, họ thích đâm bị thóc thọc bị gạo cho công ty xào xáo, bè phái vây cánh giống như thầy cô giáo chia lớp học ra thành nhiều tổ để dễ quản lí – để ông Khấm vững tin rằng chẳng có phái nào đủ mạnh để lật đổ ông…

Trong công ty, người được ông Khấm cưng chiều nhất là Thùy Dương - thư kí riêng có nhiệm vụ chính là giải tỏa mệt mỏi cho sếp. Dựa thế sếp, Thùy Dương chểnh mảng công việc, thường ra vẻ hoạnh họe những người làm được việc, kể cả nó, phó giám đốc công ty. Nó biết nhưng vẫn lặng lẽ sống và làm việc, bởi nó quá mệt mỏi với việc phải chuyển công ty, phải đối diện những gương mặt mới với những thủ đoạn cũ. Nó lấy việc bươn chải đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng làm niềm vui, lấy việc lên mạng tự học tiếng Anh để cập nhật và hòa nhập cùng trào lưu mới của thị trường thế giới làm chút an ủi cho công việc. Nhưng nó vẫn băn khoăn, giữa rừng sản phẩm làm đẹp cho tóc bằng hóa chất kia, có chỗ nào cho những sản phẩm quê nhà. Hồi nhỏ nó thường thấy mẹ gội đầu bằng trái bồ kết được trồng ven đường, nấu bằng nước sông quê, vậy mà thơm đến vương vít lòng.

Nó sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã đi qua, song bóng tre làng rủ xuống đời nó cái cảm nhận của đói – no – được – mất là nhân cách sống của con người và đạo làm người. Nhà nó buổi đó thường phải ăn củ sen trộn với khoai lang thay cơm. Quê nó nghèo. Ấp Sa Bâu khi đó có dăm chục cái nóc nhà quấn quýt lấy nhau, có hề chi việc cài chốt cửa. Họ cùng vượt cạn, cùng lam lũ trên cánh đồng trơ gió. Từng đêm nó nhớ mà thương cho tình cảm xưa.

3. Ông Khấm dạo này ít giao việc lớn cho nó. Ông bực vì gần đây đám nhân viên coi thường ông ra mặt, có việc gì đều chạy lên hỏi nó cho nhanh, cho được việc. Ông nghe nói nó hay cập nhật kiến thức từ nước ngoài. Vậy là tuần rồi ông đi học tập kinh nghiệm với công ty bên Singapore. Chiều nay lại có cuộc họp. Ông Khấm triển khai cái mới, cái hay của nước bạn. Sếp huyên thuyên nói. Mọi người liên tục ghi ghi chép chép tâm đắc, dù rằng không ít người chẳng hiểu gì về nguyên liệu, quy trình, máy móc chế tạo sản phẩm. Nó im lặng, lắng nghe còn mắt thì để về nơi xa lắm. Bởi những điều ông Khấm nói, nó đã từng hành rồi, hiệu quả hẳn hoi. Có điều nó đang tìm cách thêm vào những nguyên liệu đặc trưng của nước mình, của quê mình, để tạo bản sắc giữa vô vàn thương hiệu ngoại tràn lan. Thấy nó ơ hờ, ông Khấm tưởng nó đang lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau vì chẳng biết gì về những kiến thức thâm sâu của ông, nên đắc ý kêu nó có ý kiến. Nó hiểu ý ông, cũng nực cười trong bụng, đứng dậy và nói:

- Thực ra những anh em trực tiếp sản xuất ở đây đều biết những gì sếp vừa nói đã được áp dụng ở công ty ta từ lâu. Cái cần thay đổi ở công ty này, là thái độ làm việc, là khơi dậy nhiệt tâm đã lụi tàn, là bỏ đi thói ganh ghét để sống cho đáng sống.

Nói xong, nó rút từ trong cặp da đã sờn mép hồ sơ đề án và thiết kế mẫu sản phẩm mới cho công ty mà đã lâu chưa có dịp được trình, đưa cho ông Khấm.

Ông Khấm sựng người. Mọi người im lặng. Khoảng lặng rợn ngợp bị xé toang khi trưởng phòng sản xuất đề nghị nó trình bày dự án sản phẩm mới trong tiếng vỗ tay của mọi người.

4. Chiều nay mưa. Phượng đã cháy đỏ từng chùm. Đường phố như mát thoáng lại sau vài trận mưa cuối xuân bất thường. Phố như thênh thang hơn. Lưa thưa dáng người đổ dài dưới mưa vội vã đi về. Nó từ nhà nhìn qua vuông cửa sổ và thầm nghĩ, không biết có nên nhận lời hợp tác với bạn học cũ phát triển sản phẩm mới, hay làm hòa với ông Khấm, hoặc thành lập công ty riêng… Chiều mưa vẫn rơi, và có vẻ nó đã có sự chọn lựa, để đẩy bản thân mình thoát khỏi nhịp sống mà nó không mong muốn, để một lần trong đời không còn băn khoăn mình là người ở phố hay quê, mà làm chủ cuộc đời.

Thư giãn cùng nhịp mưa bằng cách đọc hết quyển sách, rồi theo dòng mưa nó ngủ tự lúc nào không rõ. Có cánh chuồn chuồn ớt lạch xạch cánh đậu bên bậu cửa chờ mưa ngớt hạt sẽ lại bay tiếp chặng đường của ngày…

Chia sẻ bài viết