Tập truyện ngắn “Bộ móng tay màu đỏ” của cây bút trẻ Phát Dương không chỉ khiến người đọc như nghe đâu đó tiếng thở dài cho những thân phận phụ nữ kém may mắn, mà còn học cách nhìn cuộc sống thấu hiểu và bao dung...
Phát Dương (tên thật Dương Thành Phát), sinh năm 1995, hiện là sinh viên ngành Văn học, Trường Ðại học Cần Thơ. Nhưng đọc truyện, độc giả không khỏi bất ngờ bởi sự thấu hiểu, tinh tế và sâu sắc của cây bút trẻ về cuộc sống. 18 truyện ngắn trong tập truyện thì có đến 16 truyện viết về phụ nữ với những chìm nổi, đắng cay.
Sách nhẹ nhàng cuốn hút người đọc bởi cái cách thể hiện cảm xúc, tâm lý nhân vật gần gũi và đời thường. Ðặc biệt, không ít độc giả nữ cảm nhận bóng dáng, tính cách hay suy nghĩ của mình hoặc của người quen thấp thoáng đâu đó trong tác phẩm. Phụ nữ thường chịu thiệt vì luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho chồng con, người yêu, người thân… Như cách sống của các nhân vật trong truyện “Vòng tròn”, “Ðếm hủ tiếu”, “Lì xì”, “Ðòn ghen giữa chợ”, “Cây độc”, “Tô hủ tiếu”… Người khổ vì hết lòng lo cho gia đình nhưng bị chồng phụ bạc; người bất lực vì con bất hiếu; người uất ức vì công sức lao động bị bóc lột… Ðôi khi người đọc cảm thấy “tức giùm” cho nhân vật và giận cái cách nghĩ đơn giản, cả tin và cam chịu của những người phụ nữ mệnh khổ ấy. Vậy mà, xét kỹ thì lại thương, thông cảm với họ. Bởi những điều tưởng vô lý nhưng lại có thật, bởi sự quan sát tinh tế đời sống cũng như dẫn dắt mạch cảm xúc, tâm lý nhân vật được tác giả triển khai rất tốt.
Ở một khía cạnh khác, truyện ngắn được đặt tên cho tập truyện - “Bộ móng tay màu đỏ” - mang lại cái nhìn mới về việc làm đẹp của phụ nữ. Ðây cũng là tác phẩm đạt giải Nhất văn xuôi cuộc thi “Tác phẩm đầu tay” do Du Tử Lê Foundation tổ chức năm 2017. Tuyến - nhân vật chính trong truyện - dù lam lũ, nghèo khổ nhưng cô cũng thích làm đẹp. Cô không dám son phấn hay se sua chưng diện mà chỉ thích sơn móng tay. Ngắm móng tay được sơn đỏ sáng bóng, Tuyến quên hết bao nặng nhọc, vất vả mà đôi tay gầy gò, chai sần phải gánh vác. Ấy vậy mà niềm vui đơn thuần, nhỏ bé ấy cũng bị tước mất bởi những lời gièm pha và ánh mắt soi mói, nghi ngờ của người đời. Ðể đứa con của Tuyến phải tức tưởi khi lãnh học bổng mà bị đồn là giả nghèo chỉ vì bộ móng tay sơn đỏ của mẹ. Ðộc giả có lẽ phải giật mình nhìn lại khi đọc những dòng chữ: “Họ có thể thấy những phút móng tay được sơn đỏ đẹp đẽ, nhưng họ đâu thấy những năm tháng ròng rã chúng sứt mẻ và có khi sưng tấy, mưng mủ vì dằm gai. Người ta cho phép bản thân đánh giá người khác dù chưa tường tận mọi việc. Như người ta đánh giá Tuyến qua bộ móng tay màu đỏ” (trang 159).
Bên cạnh những số phận đáng thương, còn có những người cay nghiệt, tham lam như bà Chín Chằn trong truyện “Sông khóc”, như những cô con dâu trong truyện “Ðồ chơi”, “Chim chuyền nhành ớt”… Họ như những mảnh ghép để hoàn thiện bức tranh cuộc sống: có người tốt, kẻ xấu, có người đáng thương, kẻ đáng trách, người luôn hy sinh, kẻ chỉ muốn hưởng thụ…
Không chỉ chắc tay trong khai thác tâm lý nhân vật và xây dựng bố cục câu chuyện, tác giả còn có văn phong rất dễ cảm với giọng điệu đặc trưng của người miền Tây sông nước. Tất cả tạo nên một tập truyện ấn tượng và lôi cuốn.
CÁT ĐẰNG