07/06/2012 - 22:22

Nhiều vướng mắc trong thực hiện thí điểm bảo hiểm nuôi tôm

Sóc Trăng là một trong những địa phương được chọn thí điểm bảo hiểm trên hai đối tượng thủy sản là tôm sú và tôm thẻ chân trắng tại 9 xã, thị trấn thuộc 3 huyện, thị xã có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, trong khi có nhiều người tham gia bảo hiểm nuôi tôm bị thiệt hại đang từng ngày trông đợi nhận tiền bồi thường để tái sản xuất thì cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn loay hoay với quy trình xác định bệnh và thủ tục bồi thường.

Chăm sóc ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Sóc Trăng. 

Theo thống kê của các ngành hữu quan, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 3 tổ chức và 12.375 hộ nuôi tôm tham gia thí điểm bảo hiểm nuôi tôm với tổng diện tích trên 17.400ha. Ước tính của Công ty Bảo Việt Sóc Trăng, tổng giá trị bảo hiểm lên đến 3.231 tỉ đồng. Riêng phí bảo hiểm của toàn bộ diện tích trên khoảng 261 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 154 tỉ đồng; tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm đóng góp 106 tỉ đồng. Ước tính là vậy, nhưng cho đến đầu tháng 6-2012, tức đã quá nửa thời gian của vụ nuôi, số hộ tham gia bảo hiểm chưa được 10%, diện tích tham gia khoảng 625ha. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, số hộ cũng như diện tích tham gia thấp một phần do thiệt hại nặng từ vụ nuôi trước khiến người nuôi tôm thiếu vốn. Mặt khác, do mức phí bảo hiểm tôm nuôi còn khá cao nên hộ nuôi không tham gia hết diện tích. Thực tế cho thấy, trong tổng số 1.000 hộ tham gia bảo hiểm tôm nuôi có đến 988 hộ nghèo (do được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm), chỉ có 4 hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm (phải đóng phí 20%) và 40 hộ không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Như vậy, mục tiêu bảo hiểm là “lấy số đông bù số ít” khó có thể thực hiện được, gây nguy cơ thua lỗ cho đơn vị nhận bảo hiểm.

Vận động người nuôi tôm tham gia bảo hiểm đã khó, nhưng các đơn vị tham gia thực hiện lại gặp thêm khó khăn khác từ hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện. Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, băn khoăn: “Đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy nên chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể để xác định bệnh. Trong khi đó, tình hình thiệt hại tôm nuôi từ đầu vụ đến nay có trên 50% là do bệnh này”. Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Bảo Việt Sóc Trăng, cũng băn khoăn không kém: “Chỉ riêng các khoản chi phí như: hoa hồng, hoạt động bộ máy, thú y... đến nay vẫn chưa có nguồn và hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, việc phân cấp bồi thường đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể, nên dù các hồ sơ đã hoàn tất, nhưng người bị thiệt hại vẫn chưa thể nhận được tiền, gây bức xúc và khó khăn cho việc triển khai các bước tiếp theo”. Ông Phương cũng thừa nhận, những ngày gần đây, số hộ bị thiệt hại liên tục gọi điện cho công ty thắc mắc về công tác bồi thường, nhưng ông vẫn không thể trả lời chính xác thời gian được.

Tính đến ngày 1-6, toàn tỉnh Sóc Trăng có 1.032 hộ tham gia bảo hiểm tôm nuôi trên diện tích 623,18ha với tổng số tiền 6,76 tỉ đồng. Trong đó, hộ nghèo 988 hộ, hộ cận nghèo 4 hộ và hộ không thuộc 2 đối tượng trên là 40 hộ. Đã có 66 hộ bị thiệt hại với diện tích gần 73,2 ha, ước giá trị bồi thường khoảng 4 tỉ đồng. Trong số này có 26 hồ sơ đã hoàn tất đang chờ Công ty Bảo Việt phê duyệt bồi thường thiệt hại.

Ngày 4-6-2012, ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Bảo Việt Sóc Trăng, cho biết: “Cái khó hiện nay là không thể giải thích, thuyết phục người dân hiểu nguyên nhân của tình trạng chậm giải quyết bồi thường thiệt hại. Thậm chí có người còn cho rằng, đơn vị bảo hiểm đã có tiền nhưng cố tình chiếm dụng, chưa chịu chi trả”.

Ngành chuyên môn gặp khó, thì việc người tham gia bảo hiểm và chính quyền địa phương bức xúc là điều dễ hiểu. Ông Lâm Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, phản ánh: “Phí bảo hiểm đã cao, tình hình nuôi đang gặp khó, nhưng việc chậm chi trả bồi thường đã khiến người dân mất lòng tin vào chủ trương này!”. Các thủ tục công bố dịch, xác nhận bệnh cũng gây không ít phiền toái cho cả đơn vị thực hiện lẫn người tham gia bảo hiểm. Ông Quách Văn Tây cho biết thêm: “Đối với hội chứng hoại tử gan tụy, kết quả chẩn đoán bằng phương pháp PCR không phát hiện tác nhân gây bệnh nên không có cơ sở để đưa vào hồ sơ bồi thường, rất khó khăn cho đơn vị”. Liên quan đến việc chỉ quy định một số loại bệnh nằm trong danh mục công bố dịch mới được bảo hiểm bồi thường, Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, đề xuất: “Cần mở rộng thêm phương pháp xác định bồi thường thiệt hại vì hiện nay có khoảng 50 loại virus có khả năng làm chết tôm nuôi”. Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, đề xuất thêm: “Nên xem xét việc căn cứ vào tỷ lệ thiệt hại để làm cơ sở bồi thường chứ không nên căn cứ vào nguyên nhân thiệt hại. Bởi vì mục đích chính của chủ trương bảo hiểm là giảm bớt khó khăn cho người nuôi khi bị thiệt hại. Các đơn vị xét nghiệm sử dụng bộ kít khác nhau, đôi khi cũng cho ra kết quả khác nhau, gây nghi ngờ nơi người tham gia bảo hiểm”.

Những hộ nuôi tôm cho rằng, thời gian từ khi lấy mẫu xét nghiệm đến khi trả kết quả và công bố dịch khá dài. Người nuôi cần có kết quả sớm vì họ không thể giữ hiện trạng ao nuôi thiệt hại lâu mà không biết kết quả xét nghiệm sẽ ra sao. Mặt khác, trong một số trường hợp, người dân không thể lưu ao lâu để chờ cán bộ thú y, vì tuy thiệt hại nhưng tôm còn thu hoạch bán được. Trước những bức xúc của người dân, nhiều ý kiến đề xuất cho phép căn cứ triệu chứng lâm sàng của thú y để làm cơ sở xác định bồi thường. Ông Quách Văn Tây nêu bất cập: “Tình hình bệnh hoại tử cơ và cơ quan tạo máu dưới vỏ trên tôm thẻ chân trắng xuất hiện khá phổ biến trên diện tích thiệt hại, nhưng chưa được đưa vào danh mục các loại bệnh được bảo hiểm bồi thường; trong khi bệnh này lại là một trong những bệnh nằm trong danh mục công bố dịch”.

Trước những khó khăn, lúng túng trong việc triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm nuôi, ngày 23-5, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Chỉ đạo bảo hiểm Nông nghiệp Sóc Trăng để tìm giải pháp tháo gỡ. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Phi, Phó Tổng giám đốc Bảo Việt, giải thích: “Đây là chương trình bảo hiểm có sự lựa chọn một số rủi ro nhất định để bồi thường. Vì vậy, phải có căn cứ xác định rủi ro mới có thể bồi thường. Đối với những vùng đã công bố dịch là tiến hành thủ tục bồi thường. Nếu trường hợp chưa đến mức phải công bố dịch, phải có kết luận của cơ quan thú y. Vấn đề bệnh gan tụy, sẽ tham khảo ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cơ sở pháp lý khi xác định bằng triệu chứng lâm sàng”. Cũng theo ông Phi, sẽ nhanh chóng bồi thường cho những hồ sơ đã hoàn tất. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng nhìn nhận: Cơ chế, chính sách bảo hiểm nông nghiệp hiện nay chưa đầy đủ và đồng bộ do chưa có đầy đủ cơ sở từ thực tiễn nên đã phát sinh các vấn đề không thể lường trước được. Vấn đề hiện nay là phải xem xét đến các phương pháp xác định bệnh để nhanh chóng hoàn tất thủ tục bồi thường cho người dân. Không được để thời gian bồi thường kéo dài vì như thế người dân sẽ mất lòng tin vào chủ trương này”...

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết