05/03/2014 - 22:49

SẢN XUẤT LÚA THEO HƯỚNG SẠCH, TĂNG TRƯỞNG XANH Ở TP CẦN THƠ

Nhiều triển vọng từ các dự án tài trợ

Những năm gần đây, TP Cần Thơ hướng nền sản xuất lúa nói riêng và nông nghiệp nói chung theo hướng sạch, tăng trưởng xanh, chú trọng cải tiến sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và bền vững cho môi trường. Với sự hỗ trợ hiệu quả của ngành nông nghiệp và các chương trình, dự án quốc tế trong việc cải tiến sản xuất lúa và tận dụng các nguồn tài nguyên sẵn có... nhiều nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập...

* Đổi mới sản xuất

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ đã chuyển mục tiêu từ "số lượng sang chất lượng", chú trọng gia tăng giá trị bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với điều kiện diện tích đất canh tác giảm và xu hướng phát triển nông nghiệp ven đô. Ngành nông nghiệp thành phố xác định: Nâng cao chất lượng sản phẩm để bán được giá cao; sản xuất giảm được chi phí, ít ảnh hưởng xấu đến môi trường; sản phẩm làm ra phải tốt cho người tiêu dùng về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hướng đến mục tiêu trên, công tác khuyến nông, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất… được ngành nông nghiệp và các địa phương tại thành phố đẩy mạnh. Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách ưu đãi chung, ngành nông nghiệp còn tham mưu cho UBND thành phố ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và giống cây trồng vật nuôi, giúp nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, thành phố còn tranh thủ sự hỗ trợ của nhiều chương trình, dự án quốc tế để giúp nông dân cải tiến sản xuất. Trong đó, đáng chú ý là Dự án sau thu hoạch lúa gạo ADB-IRRI- Việt Nam, Dự án CORIGAP.

Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ và Dự án CORIGAP, gia đình ông Nguyễn Hữu Đơn ở xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh tận dụng rơm rạ và khoảng đất trống gần nhà để trồng nấm rơm, tăng nguồn thu cho gia đình.

Dự án sau thu hoạch lúa gạo ADB-IRRI- Việt Nam được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) và Việt Nam thực hiện từ năm 2009 nhằm mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch lúa thông qua phổ biến các cải tiến về phương pháp quản lý sau thu hoạch, tăng thu nhập cho nông dân và tăng cường các hệ thống khuyến nông… Dự án CORIGAP do Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) triển khai thực hiện. Dự án này triển khai giai đoạn 1 (từ năm 2013-2016) tại Việt Nam và các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Sri Lanka. Mục tiêu chủ yếu của dự án là hướng đến cải thiện thu nhập cho hơn 500.000 nông dân tại 6 quốc gia được triển khai dự án thông qua việc phát triển các mô hình sản xuất lúa tiên tiến, sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả và bền vững môi trường. Tại Việt Nam, Dự án CORIGAP triển khai ở TP Cần Thơ và tỉnh Long An từ tháng 6 -2013… Lồng ghép sự hỗ trợ từ 2 dự án trên, thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố có nhiều hỗ trợ thiết thực cho nông dân trong phát triển các mô hình "cánh đồng lớn", mô hình sản xuất lúa theo VietGAP, GlobalGAP gắn với áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất và tận dụng tốt các nguồn phụ phẩm sau thu hoạch lúa. Cụ thể như, san bằng mặt ruộng bằng tia laser, áp dụng kỹ thuật "1 phải, 6 giảm" vào sản xuất lúa; thực hiện cơ giới hóa cả trong khâu sản xuất, thu hoạch lúa và thu gom rơm; cải tiến công nghệ sấy lúa; khai thác tốt nguồn rơm rạ để trồng nấm rơm và phục vụ cho các mục đích sản xuất khác nhằm tăng thêm thu nhập…

* Nhiều triển vọng

Theo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, các dự án trên đã giúp nông dân có nhiều cải tiến giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, giảm các tác động xấu đến môi trường cũng như khai thác tốt các nguồn tài nguyên sẵn có để cải thiện thu nhập.

Từ sự hỗ trợ của Dự án CORIGAP, từ năm 2013 đến nay, ngành nông nghiệp thành phố tập huấn và hỗ trợ nông dân xây dựng được 7 mô hình tận dụng rơm rạ để trồng nấm rơm. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Bước đầu, nông dân trồng trên diện tích ít để làm quen. Nhưng chỉ khoảng 500m2 trồng nấm, sau một tháng có hộ dân thu nhập trên 20 triệu đồng. Điều này cho thấy, nếu biết tận dụng tốt các nguồn rơm rạ sẽ giúp nông dân cải thiện thu nhập đáng kể; đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính do vứt bỏ rơm bừa bãi ra môi trường hoặc đem đốt đồng… Mặt ruộng được san bằng tia laser nông dân thuận lợi hơn trong chăm sóc lúa, giúp tiết kiệm giống, giảm lượng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; dễ đưa cơ giới hóa vào sản xuất…". Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Dự án CORIGAP là một dự án lớn, được thực hiện bởi các chuyên gia có uy tín đến từ IRRI. Nếu thực hiện tốt giai đoạn 1 sẽ có nhiều cơ hội để Dự án xem xét triển khai thêm các giai đoạn tiếp theo và sẽ là cơ hội tốt để thành phố kết nối thêm nhiều dự án khác, hỗ trợ, giúp nông dân có thêm nhiều điều kiện cải tiến sản xuất, nâng cao thu nhập.

Tại Hội nghị tổng kết và lập kế hoạch thường niên Dự án CORIGAP – lần thứ 1 vừa diễn ra ở TP Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng, nhấn mạnh: Trong xu thế hội nhập, TP Cần Thơ cùng với các tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục đầu tư chiều sâu, phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Thời gian qua, được sự hỗ trợ kỹ thuật từ IRRI và Bộ NN&PTNT, TP Cần Thơ đã từng bước thực hiện thành công chương trình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", ứng dụng kỹ thuật canh tác giảm khí thải nhà kính, san bằng mặt ruộng bằng tia laser, xây dựng và mở rộng mô hình cánh đồng lớn… Tuy vậy, nông dân trồng lúa vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, thu nhập rất thấp. Thời gian tới, cần quy hoạch và hoàn chỉnh các vùng lúa chất lượng cao, tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, "cánh đồng lớn", phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, từng bước hướng sản xuất đi vào chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, đa dạng hóa thu nhập để tăng nguồn thu cho nông dân.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết