09/06/2024 - 11:06

Nhiều nền tảng vững chắc để tăng trưởng kinh tế 

Năm 2024, các tổ chức quốc tế dự báo xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn năm 2023, dù kinh tế toàn cầu tiếp tục ảm đạm. Trong 5 tháng đầu năm nay, ngành sản xuất Việt Nam đã duy trì đà phục hồi, cán cân thương mại xuất siêu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt mức cao nhất trong 5 tháng kể từ năm 2020 đến nay. Đây là động lực góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2024.  

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương, Khu công nghiệp Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: M.H

Nhiu cơ hi thun li

Theo báo cáo của Chính phủ, quy mô nền kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 430 tỉ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải… biến động mạnh.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan hơn. Các tổ chức quốc tế lớn điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 cao hơn so với dự báo từ đầu năm. Tháng 4-2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP toàn cầu tăng 3,2% (tăng 0,1% so với dự báo từ đầu năm). Tháng 5-2024, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo GDP toàn cầu năm 2024 đạt 3,1% (tăng 0,2% so với dự báo hồi tháng 2) là cơ hội thuận lợi cho phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 ở mức 2,3% (năm 2023 chỉ tăng 0,2%). IMF nhận định thương mại thế giới tăng 3,3% trong năm nay, dù thấp hơn mức bình quân 4,9% giai đoạn 2000-2019, nhưng đã có sự cải thiện. OECD có cùng dự báo với WB, nhưng nhận định sản xuất chất bán dẫn và điện tử ở châu Á tăng cùng doanh số bán ô tô tăng mạnh đang củng cố thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng trở lại.

Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3” của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), ASEAN+3 được dự báo sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2024 do khu vực bên ngoài được cải thiện sẽ hỗ trợ thêm cho nhu cầu trong nước. Nhu cầu hàng hóa từ Hoa Kỳ (đối tác thương mại lớn của Việt Nam) dần trở lại bình thường cũng có thể tác động tích cực đến xuất khẩu trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam và tăng trưởng của Việt Nam được nhận định đứng thứ 3 khu vực trong năm 2024.

Trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi. Qua khảo sát 1.400 doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý I-2024 đạt 52,8 điểm, cao nhất kể từ năm 2022 đến nay. Các doanh nghiệp châu Âu cũng nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn, đồng thời dự báo số đơn hàng, doanh thu quý II-2024 sẽ cao hơn quý đầu năm nay. Có 71% doanh nghiệp cho biết cảm thấy tích cực về triển vọng kinh doanh dài hạn tại Việt Nam trong 5 năm tới. Ðồng thời, 54% cũng nhận định nhiều khả năng, Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp FDI khác.

Củng cố và tăng thêm các động lực tăng trưởng​

Theo báo cáo của S&P Global, sức khỏe ngành sản xuất của Việt Nam thay đổi nhẹ trong 5 tháng đầu năm 2024. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) có 4 tháng vượt trên ngưỡng 50 điểm, chỉ 1 tháng dưới ngưỡng 50 (tháng 3-2024 đạt 49,9 điểm). Chỉ số PMI tháng 5 đạt 50,3 điểm cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất đã cải thiện tháng thứ hai liên tiếp. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh khiến sản lượng tăng nhanh hơn và tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 9-2022 đến nay. Các công ty cũng tăng hoạt động mua hàng, nhưng chi phí đầu vào cũng tăng mạnh khiến các công ty đối mặt với tình trạng tăng giá. Tuy vậy, theo nhận định của chuyên gia S&P Global, các kế hoạch mở rộng nhà máy, việc đưa các sản phẩm mới và triển vọng tiếp tục tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã hỗ trợ cho niềm tin về triển vọng sản lượng trong vòng một năm tới.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5-2024 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 5 tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực và được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Ðây là nền tảng để hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với các thách thức như lạm phát, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, công tác phối hợp trong điều hành còn hạn chế,… Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Các chuyên gia cho rằng, trong các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì tiên quyết nhất là khơi thông dòng vốn ra thị trường, tăng năng lực hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Văn bản số 4315/NHNN-TD yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh thành, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, đối thoại trực tiếp với khách hàng để gỡ khó cho việc tiếp cận vốn và nắm bắt nhu cầu vốn của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ngày 30-5-2024, NHNN cũng có văn bản chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành và các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp tiền tệ và lãi suất, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng trưởng tín dụng quý II ở mức 5-6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Giải trình trong phiên thảo luận hội trường các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp Quốc hội thứ 7, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, tới đây, với các giải pháp của Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp, từ đó kích hoạt tín dụng của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, NHNN cũng nhiều lần kiến nghị với 95% doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên cần tăng cường giải pháp bảo lãnh các doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng để thúc đẩy tín dụng tăng cao hơn… Qua đó trợ lực cho phục hồi sản xuất kinh doanh.l

GIA BẢO

 

Chia sẻ bài viết