22/08/2019 - 09:59

Kiên Giang

Nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới phát huy hiệu quả 

Phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) luôn được tỉnh Kiên Giang đặc biệt quan tâm, xem đó là khâu then chốt trong tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ông Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang, cho biết: Mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012 đã tiến bộ rất nhiều, phù hợp với kinh tế thị trường, hỗ trợ thúc đẩy cho kinh tế hộ phát triển, tạo nền tảng để mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đa dạng các loại hình hợp tác

Đến cuối năm 2018, Kiên Giang có 400 HTX, với 55.300ha canh tác, chiếm 13,76% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh; có 50.200 hộ thành viên, chiếm 13,9% số hộ của tỉnh và tạo việc làm cho 9.443 lao động thường xuyên và lao động thời vụ. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 352 HTX; lĩnh vực phi nông nghiệp có 48 HTX.

Theo ông Nguyễn Văn Thế, để hỗ trợ cho thành viên HTX phải thực hiện được các khâu trong chuỗi liên kết gồm: Cung ứng đầu vào, như dịch vụ thủy lợi, làm đất, giống, vật tư nông nghiệp, thu hoạch... thông qua hợp đồng liên kết bằng hình thức đấu thầu; khâu sản xuất (quản lý lịch thời vụ, gieo sạ đồng loạt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật); thu gom, tiêu thụ nông sản, như hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp.

Toàn tỉnh có 104 HTX thực hiện được tất cả các khâu trong chuỗi liên kết, trong đó có 9 HTX có doanh nghiệp tham gia làm thành viên và làm chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc HTX; có 2 HTX liên kết được giữa HTX với HTX Số còn lại chỉ làm dịch vụ thủy lợi, khâu sản xuất và khâu tiêu thụ.

Kinh tế tập thể ở Kiên Giang những năm qua có nhiều đổi mới và phát triển khá, HTX tăng nhanh về số lượng, đa dạng hóa các loại hình hợp tác và sản xuất kinh doanh, xuất hiện loại hình HTX mới, như HTX trồng tiêu, HTX nuôi ba ba, HTX nuôi sò, tôm, cua; HTX nông nghiệp công nghệ cao trồng rau thủy canh, HTX nuôi cá lồng kết hợp với du lịch sinh thái cung ứng dịch vụ giải trí và ăn uống cho du khách tại nhà lồng nuôi cá; vốn điều lệ của nhiều HTX mới thành lập lớn hơn những năm trước, có HTX có vốn điều lệ lên tới hàng tỉ đồng.

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo ông Lê Minh Hải, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hưng, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, trước tiên muốn thành công, HTX quyết tâm nghiên cứu về liên kết sản xuất, nếu tự phát sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều sức lao động, đầu vào cao, đầu ra thấp. Vì vậy, HTX nông nghiệp Tân Hưng tổ chức sản xuất lại tất cả các khâu dịch vụ, như mời đối tác tham gia đấu giá, lấy giá thấp, giao diện tích lớn cho doanh nghiệp đầu vào, đầu ra lấy giá cao đồng thời mỗi khâu dịch vụ phải đảm bảo chất lượng. Ban quản lý rất quan tâm đến lợi ích của thành viên để giảm chi phí tối đa đầu vào, tổng lợi nhuận đầu ra.

Hợp tác xã kiểu mới nuôi cá lồng bè trên biển Kiên Lương.

Lúc đầu thành lập, HTX nông nghiệp Tân Hưng thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 85ha thực hiện gieo sạ đồng loạt cùng một loại giống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, diện tích đã tăng lên 512ha, gấp hơn 6 lần so với diện tích lúa ban đầu trong HTX. Năng suất bình quân 7,5 tấn/ha, chất lượng sản phẩm một loại giống rất đồng đều, xuống giống đồng loạt, áp dụng "1 phải 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng" và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Từ đó thu hút nhiều doanh nghiệp đến đấu thầu thu mua với giá cao hơn giá lúa bên ngoài HTX từ 150-300 đồng/kg lúa. Hiệu quả mô hình đem lại năng suất lúa tăng hơn cách làm truyền thống trước đây từ 0,3-0,4 tấn/ha.

Hiệu quả mang lại giúp cho thành viên HTX giảm chi phí 1,7 triệu đồng/ha/vụ, trong đó từ dịch vụ bơm tưới 500.000 đồng/ha, làm đất 600.000 đồng/ha và thu hoạch 600.000 đồng/ha. Ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu lúa tươi giúp giảm chi phí bảo quản sau thu hoạch, tăng thu nhập cho thành viên HTX là 1,5 triệu đồng/ha/vụ; bán gốc rơm rạ cao hơn bên ngoài HTX 500.000 đồng/ha. Ngoài ra, thành viên HTX còn được chia lãi hằng năm từ 65% trở lên theo mức độ sử dụng dịch vụ và vốn góp.

Bên cạnh thành viên hưởng lợi trực tiếp nêu trên, HTX còn được các chủ máy và doanh nghiệp nhận được kinh phí trích từ các khâu dịch vụ cho HTX thành viên là 600.000 đồng/ha/vụ; trong đó, từ dịch vụ làm đất 100.000 đồng/ha, thu hoạch 250.000 đồng/ha, thu mua 200.000 đồng/ha và bán gốc rơm rạ 50.000 đồng/ha. Kinh phí này để HTX hoạt động và chi trả lương cho Ban quản lý HTX, trích quỹ phúc lợi, khen thưởng, công tác xã hội ở địa phương.

Mô hình HTX nông nghiệp Tân Hưng là một trong số HTX điển hình về tổ chức sản xuất khép kín từ đầu vụ cho đến cuối vụ. Mỗi khâu dịch vụ đều mang cho thành viên lợi ích cao, đồng thời tiết kiệm thời gian lao động, dư thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm việc làm khác tăng thu nhập. Từ đó tạo sự ảnh hưởng rất lớn cho các HTX và địa phương lân cận làm theo. Ban quản lý HTX nông nghiệp Tân Hưng cũng đã tận tình đến và tuyên truyền về cách làm của mình để giúp bà con địa phương phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang - Nguyễn Văn Thế, cho biết: Thông qua các chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, các HTX tham gia xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là vùng nông thôn, làm thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tận dụng hết tiềm năng lợi thế đất đai, lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.

Tại các xã đang xây dựng nông thôn mới, các HTX là đơn vị chủ trì xây dựng cánh đồng mẫu lớn và thực hiện tốt công tác sắp xếp, bố trí việc sản xuất cho thành viên… Các công trình được Nhà nước và HTX đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng như: Giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, trạm y tế… đã phát huy được hiệu quả không những đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn là tiền đề, nền tảng ổn định vững chắc cho sự phát triển của nông thôn trong những năm tiếp theo.

Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã công nhận được 51 xã và huyện Tân Hiệp đạt chuẩn xã, huyện nông thôn mới. Các HTX nhìn chung đều xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng thực tế của nông dân và người lao động; thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tự chủ trong nguồn vốn và hoạt động kinh doanh của từng HTX. Cùng với quá trình chuyển đổi sang nền sản xuất hàng hóa nhằm thích ứng với cơ chế thị trường, mà nòng cốt của kinh tế tập thể là vai trò của HTX, đã góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo ở địa phương.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết