24/05/2023 - 08:27

Nhiều lợi ích từ việc canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ rơm rạ 

 Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Mô hình “canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm” đã và đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và các đơn vị có liên quan hỗ trợ nông dân thực hiện tại quận Thốt Nốt, huyện Thới Lai và Cờ Đỏ, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực...

Mô hình trình diễn sản xuất lúa theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” gắn với sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm được thực hiện tại phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt trong vụ hè thu 2023.

Hiệu quả

Ông Trần Văn Đào, thành viên Tổ hợp tác Nông trại xanh (New Green Farm) ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Tham gia mô hình canh tác lúa sử dụng phân hữu cơ từ rơm gắn với áp dụng gói kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” tôi thấy giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế và môi trường, đặc biệt là tăng cao được thu nhập cho nông dân. Qua thực hiện mô hình trong vụ hè thu 2023, tôi ước tính có thể giảm chi phí sản xuất gần 1,7 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng hơn 3,4 triệu đồng/ha so với ruộng lúa đối chứng. Với năng suất lúa đạt 6,4 tấn/ha và giá bán lúa tươi OM 5451 ở mức 6.300 đồng/kg, vụ hè thu 2023 tôi có lời khoảng 30 triệu đồng/ha”. Theo ông Lưu Văn Đình, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp An Phú ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, ngành chức năng đã hỗ trợ phân bón hữu cơ từ rơm để ông  thực hiện mô hình từ vụ đông xuân 2022-2023. Kết quả cho thấy, lúa không chỉ đạt năng suất, chất lượng cao mà còn giảm được nhiều chi phí sản xuất nhờ phát triển tốt, ít sâu bệnh, nông dân giảm mạnh được lượng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc hóa học. Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, tới đây nông dân cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, liên tục trong những vụ lúa gần đây,  Chi cục đã phối hợp cùng với IRRI và các đơn vị có liên quan hỗ trợ nông dân tại quận Thốt Nốt và huyện Thới Lai, Cờ Đỏ thực hiện mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm. Mỗi mô hình được triển khai thực hiện với quy mô diện tích khoảng 1ha và có 1ha diện tích đối chứng được canh tác theo tập quán thông thường của nông dân để so sánh hiệu quả. Ruộng lúa trong mô hình được bón lót 1 tấn phân hữu từ cơ rơm rạ ngay đầu vụ gắn với áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, tăng cường áp dụng cơ giới, thực hiện gieo sạ thưa với 80kg giống/ha, giảm sử dụng phân vô cơ và thuốc hóa học…

Kết quả thực hiện mô hình trong vụ đông xuân 2022-2023 và hè thu 2023 tại các địa phương cho thấy, lúa trong mô hình phát triển khỏe mạnh và ít sâu bệnh, đồng thời lúa phát triển tốt bộ rễ, cứng cây, chất lượng hạt tốt và ít bị đổ ngã. Qua đó, nông dân giảm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà còn nâng cao năng suất, chất lượng, lợi nhuận. Đồng thời, canh tác lúa chuyển đổi theo hướng xanh, sạch, bền vững và giảm được khí thải nhà kính. Bởi nó giúp nông dân từ bỏ tập quán đốt bỏ rơm rạ trên đồng, thay vào đó là sử dụng rơm rạ để làm phân bón hữu cơ và giảm sử dụng các phân bón vô cơ, cũng như thuốc hóa học, tạo tiền đề cho trồng lúa theo hướng hữu cơ.

Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân

Hiện nay, việc giảm sử dụng phân bón hóa học và tăng cường sử dụng loại phân bón hữu cơ đã được nông dân đẩy mạnh áp dụng trong canh tác nhiều loại rau màu và cây ăn trái. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất lúa chưa nhiều, nhất là việc tái sử dụng rơm rạ để làm phân bón hữu cơ phục vụ lại cho chính quá trình sản xuất lúa. Do vậy, bên cạnh hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm và sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cũng quan tâm khuyến khích, hướng nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ phục vụ sản xuất lúa.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi Cục Trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, Chi cục đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân tại nhiều tổ hợp tác và hợp tác xã ở các quận, huyện trong xây dựng các mô hình và điểm trình diễn canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm. Chú ý, duy trì thực hiện mô hình trong nhiều vụ lúa khác nhau tại các địa phương. Qua đó, giúp nông dân nhận thấy rõ hiệu quả và biết cách khai thác, sử dụng hiệu quả phân bón hữu cơ từ rơm rạ để phục vụ canh tác lúa. Đồng thời, tạo điều kiện cho nông dân từ các nơi khác đến tham quan, học tập để nhân rộng phát triển mô hình.

Để giúp nông dân trồng lúa nâng cao hiệu quả sản xuất và tránh tình trạng đốt bỏ lãng phí rơm rạ trên đồng, thời gian qua ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Tăng cường tập huấn cho nông dân về cách xử lý rơm rạ để làm phân bón hữu cơ, sử dụng rơm để sản xuất nấm rơm và phục vụ chăn nuôi, cũng như áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu gom rơm và sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ. Ðến nay, nông dân tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng đã quan tâm thu gom và khai thác khá tốt nguồn rơm rạ sau các mùa thu hoạch lúa để kiếm thêm thu nhập chứ không đốt bỏ lãng phí. Ðáng chú ý, nhiều nông dân đã sử dụng rơm để trồng nấm rơm và rơm sau khi trồng nấm lại tiếp tục tái sử dụng làm phân bón hữu cơ phục vụ nhiều loại cây trồng. Thông qua sự hỗ trợ, hướng dẫn quy trình sản xuất từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), Trường Ðại học Nông Lâm (TP Hồ Chí Minh) và các đơn vị có liên quan, nông dân tại Tổ Hợp tác Nông trại xanh ở quận Thốt Nốt cũng đã sử dụng rơm rạ kết hợp cùng các phế phụ phẩm nông nghiệp khác để làm ra sản phẩm phân bón hữu cơ. Tổ Hợp tác Nông trại xanh cũng đã thiết kế bao bì, nhãn hiệu cho sản phẩm và đóng gói thành bao 20kg và gói 2,5kg để cung ứng ra thị trường phục vụ nông dân.

Chia sẻ bài viết