31/08/2010 - 20:40

Nhiều loại hàng hóa vào mùa tăng giá ?

Dịch heo tai xanh diễn biến phức tạp, nhu cầu và sức mua các loại thực phẩm thay thế (cá, tôm…) được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng 9-2010. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại chợ Xuân Khánh, quận Ninh Kiều.

Theo công bố mới đây của Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2010 của thành phố chỉ tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 4,52% với tháng 12-2009. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tháng 9-2010, bắt đầu bước vào đợt tập trung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng vào các dịp lễ, Tết cuối năm, thêm vào đó, việc điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ tăng vừa qua sẽ tác động tăng giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường. Điều này cũng sẽ tác động ít nhiều đến CPI của tháng 9-2010.

* CPI tăng thấp

Sau khi giảm 0,06% trong tháng trước, tháng 8-2010, CPI của TP Cần Thơ quay đầu tăng nhẹ với mức 0,05%. Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, so với tháng trước, cả ở khu vực thành thị và nông thôn, chỉ số giá của 11 nhóm hàng hóa được đưa vào “rổ hàng hóa” tính CPI đều có chiều hướng tăng trở lại.

Trong tháng 8-2010, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,88% so với tháng 7-2010 (giảm 0,95% ở khu vực thành thị và giảm 0,77% ở khu vực nông thôn). Dịch bệnh heo tai xanh đã, đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra nhiều địa phương ở ĐBSCL khiến tâm lý người tiêu dùng ngại dùng thịt heo và sản phẩm từ thịt heo là một trong những nguyên nhân kéo chỉ số giá của nhóm hàng thực phẩm (thuộc nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống) giảm. Theo ghi nhận của Cục Thống kê TP Cần Thơ, so với đầu tháng, do ảnh hưởng của dịch bệnh heo tai xanh, giá heo hơi trên địa bàn thành phố giảm 3.000 – 4.000 đồng/kg và giá thịt heo các loại giảm 4.000 – 6.000 đồng/kg. Sức mua của người tiêu dùng đối với các mặt hàng thịt heo cũng giảm 30 – 40% so với trước. Ngoài ra, cũng theo ghi nhận của Cục Thống kê TP Cần Thơ, thị trường lúa gạo trên địa bàn thành phố “giảm nhiệt” vào trung tuần tháng 8 so với trước ngày 10 – 8. Cụ thể, giá nhiều loại lúa tròn và dài thường ở mức 4.600 – 4.800 đồng/kg giảm xuống còn 4.300- 4.500 đồng/kg; gạo lứt nguyên liệu từ 6.100 – 6.200 đồng/kg giảm xuống còn 5.800 – 5.900 đồng/kg; gạo trắng thành phẩm còn 6.700 – 6.900 đồng/kg (giảm khoảng 300 đồng/kg)... Ngoài ra, trong tháng 8-2010, nhóm hàng bưu chính, viễn thông dù được ghi nhận giảm đến 4,11% so với tháng trước nhưng nhóm này không tác động lớn đến kết quả CPI chung của tháng 8-2010 vì chỉ chiếm 2,73% trong cơ cấu quyền số (tỉ trọng chi tiêu của từng nhóm hàng hóa, dịch vụ so với tổng giá trị chi tiêu).

Trái chiều với những diễn biến của các mặt hàng nêu trên, chỉ số giá của nhiều nhóm hàng hóa đưa vào tính CPI được ghi nhận tăng. So với tháng 7-2010, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng cao nhất (2,68%) do bước vào năm học mới, nhu cầu tăng; kế đến là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng ở mức 2,31%. Các nhóm hàng còn lại như: đồ uống và thuốc lá; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; giáo dục; văn hóa thể thao và giải trí; hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng từ 0,01 – 1,62%.

* Giá tăng sẽ tác động tăng đến CPI?

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, thời điểm tính CPI được tính từ ngày 15 của tháng trước và kết thúc vào ngày 15 của tháng sau. Vì thế, việc tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng cao hơn từ 40-60 đồng/USD (vào ngày 19-8) khiến nhiều loại hàng hóa, nhất là hàng hóa nhập khẩu tăng sẽ tác động ít nhiều đến CPI của tháng 9-2010.

Phản ứng “nhanh nhất” từ việc điều chỉnh tăng của tỷ giá VND/USD có thể kể đến là mặt hàng ga, sắt thép. Đối với mặt hàng ga, sau ba lần giảm giá liên tiếp trong hai tháng qua, từ 19-8 (một ngày sau khi USD tăng giá), hầu hết các hãng đã nâng giá bán thêm 4.000 – 5.000 đồng/bình 12kg. Hàng loạt doanh nghiệp thép cũng đã công bố mức giá mới . Trong đó, Tổng công ty Thép Việt Nam chi nhánh phía Nam đã tăng 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và thép cây, đưa giá thép giao tại nhà máy trung bình 14,65-14,87 triệu đồng/tấn; Pomina cũng tăng 330.000 đồng/tấn, đưa giá hai loại thép cuộn và thép cây ở mức xấp xỉ 14,6 triệu đồng/tấn. Mặc dù trước đó, các chuyên gia tính toán, tháng 9 – 2010 thị trường thép mới biến động nhưng nửa đầu tháng 8, thép tăng 300-500 đồng/kg so với tháng 7-2010. Liên quan đến đồng USD tăng giá, nhiều mặt hàng nhập khẩu điện lạnh, điện tử, ô tô, thuốc... trên thị trường cũng đã “hăm he” điều chỉnh tăng giá bán đến người tiêu dùng.

Nếu như vào khoảng trung tuần tháng 8-2010, lúa gạo ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL giảm đôi chút thì bắt đầu vào tuần thứ 3 của tháng 8-2010, giá lúa gạo tăng trở lại. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ 18-8 đến 20-8, giá lúa gạo tăng bình quân mỗi ngày từ 20 – 30 đồng/kg. Lúa thu mua tại ruộng lúa hạt dài giá khoảng 4.600 – 4.650 đồng/kg, lúa ngang khoảng 4.400 – 4.550 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm khoảng 6.175 - 6.254 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.050 - 6.071 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.425 – 7.639 đồng/kg, gạo 15% tấm 6.850 – 7.129 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.425 – 6.697 đồng/kg...

Trước đó, ngày 9-8, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng từ 190-410 đồng/lít tùy loại. Đợt điều chỉnh này, theo ngành thống kê, do thời điểm tăng giá xăng dầu khá gần ngày “chốt” số liệu CPI của tháng 8 -2010 nên sẽ tác động đến CPI của tháng 9-2010. Không chỉ vậy, Cục Quản lý giá dự báo, trong ngắn hạn, giá lúa gạo sẽ còn tăng do nhu cầu thị trường thế giới tăng; giá thép tăng do tác động từ giá phôi trên thị trương thế giới; giá một số loại thực phẩm thay thế thịt heo có thể tăng nhẹ... Thêm vào đó, theo các ngành hữu quan, thông lệ hằng năm, từ tháng 9 trở đi, mùa xây dựng, mua sắm phục vụ cho các dịp lễ, Tết vào cuối năm nên giá cả sẽ có xu hướng tăng. Chính vì thế, để kiểm soát và kiềm chế lạm phát cao, nhất là dịp cuối năm, ngành chức năng cần kiểm soát tốt thị trường thương mại, nhất là kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng... góp phần bình ổn giá cả thị trường.

Bài, ảnh: Hà Triều

Dịch heo tai xanh diễn biến phức tạp, nhu cầu và sức mua các loại thực phẩm thay thế (cá, tôm…) được dự báo s

Chia sẻ bài viết