15/03/2008 - 11:04

Thời tiết diễn biến bất thường

Nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đang đe dọa

Hai tháng đầu năm 2008, cả nước đã có gần 4.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 10% so với cùng kỳ năm 2007. Các chuyên gia y tế dự báo: Năm 2008 có nhiều khả năng sẽ bùng phát dịch SXH, nhất là ở các tỉnh, thành phía Nam. Các loại bệnh dịch nguy hiểm khác cũng đang có chiều hướng gia tăng. Phóng viên báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ và Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, xung quanh vấn đề này.

* Chưa vào mùa nhưng một số nơi đã bùng phát dịch SXH và các bệnh nguy hiểm khác như: tiêu chảy, thủy đậu, viêm đường hô hấp... Xin bác sĩ cho biết tình hình các bệnh này tại TP Cần Thơ?

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ:

- Từ ngày 1-1 đến 12-3-2008, TP Cần Thơ có 70 ca bệnh SXH, tập trung nhiều nhất ở quận Ninh Kiều và huyện Thốt Nốt. So với cùng kỳ năm 2007, số ca mắc bệnh SXH giảm gần phân nửa và không có trường hợp nặng, không có tử vong. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm nay có gần 4.000 ca tiêu chảy nhập viện tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, với hơn 96% là trẻ dưới 5 tuổi, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2007. Đáng lo ngại khi thời tiết đang diễn biến bất thường: trời nắng gắt nhưng độ ẩm cao, đang trong mùa khô lại có mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi và các loại vi sinh gây hại sinh sôi. SXH và các bệnh về đường ruột như: tiêu chảy cấp, thương hàn... rất dễ bùng phát.

Tiến sĩ-Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ:

- Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, trong số 96 ca SXH nhập viện (từ ngày 1-1 đến 12-3-2008) có 45 ca ở TP Cần Thơ. Mặc dù số ca bệnh nặng không nhiều (27 ca sốc độ III, IV) nhưng chúng ta không được chủ quan. Bởi vì, một số địa phương đã có ổ dịch trước đây, khả năng bùng phát rất cao, trong khi môi trường và thời tiết năm nay diễn biến bất thường. Hiện nay, SXH đã được ghi nhận xảy ra gần như quanh năm.

Các bệnh do vi-rút gây ra như: tay chân miệng, quai bị, thủy đậu... dễ xảy ra vào mùa khô nắng nóng (từ tháng 2 đến tháng 5) do điều kiện môi trường thời tiết thuận lợi cho vi-rút phát triển nhiều. Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, từ ngày 1-1 đến 12-3-2008, đã có 788 ca bệnh tiêu chảy nhập viện. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cũng hết sức nguy hiểm, do diễn biến rất nhanh nên dễ trở nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh này xảy ra thường xuyên với mật độ cao trong thời gian gần đây (có 538 ca nhập viện điều trị). Đây cũng là nhóm bệnh rất nhạy cảm với thời tiết môi trường, tập quán đời sống văn hóa-kinh tế-xã hội.

Trong khi đó, việc cách ly nguồn lây lan các bệnh này sẽ khó khăn ở người lành mang trùng nên dễ gây thành dịch.

* Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng các loại bệnh dịch này trong thời gian gần đây, thưa bác sĩ?

Tiến sĩ-Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ:

- Trước hết là yếu tố về nguyên nhân của vi-rút. Thời tiết thay đổi, giao mùa là môi trường thuận lợi nhất cho vi-rút gây bệnh phát triển.

Môi trường giao lưu cũng hết sức nhạy cảm. Với sự giao lưu đi lại làm việc, kinh doanh, du lịch... đang rộng mở như hiện nay cũng là yếu tố dễ lây lan những bệnh truyền nhiễm. Sáng nay có bệnh dịch xuất hiện ở Hà Nội, chiều nay có thể đã vào tới khu vực phía Nam...

Có những nơi người ta vẫn giữ thói quen ăn uống ở những nơi chưa được kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, ở những nơi có nhiều khói thuốc lá, khói bếp, bụi hóa chất...

* Vấn đề nào đang được ngành y tế quan tâm hàng đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh? Những điều cần lưu ý trong phòng chống và điều trị bệnh?

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ:

- Việc kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được ngành thực hiện chặt chẽ ở 3 cấp thành phố, quận, huyện, xã, phường; đồng thời, giám sát chất lượng nước sinh hoạt tại các nhà máy nước. Tháng 2-2008, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã phối hợp với các địa phương, ban ngành đoàn thể, quân y phát động toàn dân thực hiện chiến dịch phòng, chống, dịch chủ động. Cúm A (H5N1), SXH, các bệnh đường ruột (tiêu chảy cấp, thương hàn, tả lỵ) là những bệnh nguy hiểm, đang được quan tâm hàng đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Việc tuyên truyền cho người dân những kiến thức cũng như ý thức phòng chống bệnh là hết sức quan trọng. Những năm gần đây, ngành y tế dự phòng đã có sự phối hợp với báo, đài tuyên truyền cho người dân phòng chống các loại dịch bệnh; tổ chức phát tờ rơi hướng dẫn biện pháp phòng chống cúm A (H5N1) đến từng hộ dân ở những địa bàn từng có ổ dịch. Chúng tôi phân công cán bộ giám sát chặt chẽ ca bệnh tại các bệnh viện; phối hợp với ngành thú y thực hiện thường xuyên việc kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý kịp thời những nơi có dịch...

Tiến sĩ-Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ:

- Trẻ con hay người lớn đều phải được chủ động phòng bệnh trong mọi lúc, mọi nơi. Việc giữ cho môi trường sạch, thoáng, có nhiều tia nắng mặt trời, cắt nguồn sinh sôi nảy nở của muỗi và các loại vi-rút, vi sinh vật, đó là điều kiện tốt nhất để chúng ta có thể phòng chống SXH và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác. Công tác phòng chống dịch bệnh là vấn đề lâu dài và rất cần sự hiểu biết của người dân và cả cộng đồng cùng quan tâm thực hiện.

Các bệnh do vi-rút gây ra đều không có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có thuốc chủng ngừa như SXH, tay chân miệng. Do đó, khi mắc bệnh phải được thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn chăm sóc điều trị đúng, kịp thời. Đặc biệt là cách ly nguồn lây để tránh gây thành dịch.

* Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho bệnh nhân cũng như những người chưa mắc bệnh?

Tiến sĩ-Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ:

Bệnh SXH đã xảy ra rồi vẫn có khả năng xảy ra nữa và lần xảy ra sau sẽ nguy hiểm hơn trước vì SXH xảy ra sốc là tái nhiễm. Đối với trẻ bị béo phì càng được lưu ý nhiều hơn trong điều trị nhất là khi xảy ra sốc.

Đối với các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhiều khi trong cơ thể đã có mầm bệnh nhưng chưa biểu hiện bệnh lý, trong trường hợp này vẫn có thể đưa mầm bệnh đi và lây lan cho người khác. Trẻ em không chỉ dễ bị lây lan bệnh ở cộng đồng, các trường học, mà ngay cả khi ở nhà, người lớn tiếp xúc với cộng đồng, khi trở về nhà cũng có thể mang mầm bệnh truyền cho trẻ... Do vậy, đòi hỏi mọi người phải quan tâm phòng bệnh mọi lúc mọi nơi.

* Xin cảm ơn các bác sĩ!

• XUÂN QUYÊN (thực hiện)

Qua điều tra KAP (kiến thức, thái độ, thực hành về công tác phòng chống SXH) của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ vào tháng 1-2008, số người hiểu biết về bệnh SXH chiếm hơn 90% nhưng số thực hành đúng các biện pháp phòng chống dịch bệnh chỉ hơn 10%.

Bệnh SXH xảy ra ở mọi lứa tuổi. Những năm gần đây, người lớn mắc SXH chiếm khoảng 1/3 ca bệnh. Thế nhưng, do quan niệm “SXH chỉ xảy ra ở trẻ em” nên hầu hết người lớn không thường xuyên diệt lăng quăng, không sợ muỗi đốt, bị bệnh không chịu đi khám, nhiều trường hợp khi bệnh nặng đi đến bệnh viện thì đã trễ.

Khuyến cáo của bác sĩ: Trong gia đình có người bị sốt bất thường nên đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chia sẻ bài viết