09/06/2012 - 06:00

NHÀ ĐẦU TƯ DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN TẠI TP CẦN THƠ

Nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Bất động sản đang chờ sự tiếp sức
của ngân hàng.

Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ (CaREA) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) chuyên ngành xây dựng - bất động sản (BĐS) về những khó khăn đang gặp phải. Nhiều kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp được ghi nhận tại hội nghị này.

Ông Nguyễn Văn Dược, Phó Chủ tịch Thường trực CaREA, cho biết: Về tình hình chung, năm 2012 Chính phủ có những giải pháp thiết thực chỉ đạo quyết liệt, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý và cơ cấu lại nền kinh tế, lãi suất ngân hàng từng bước giảm dần. Tuy nhiên, nền kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Đặc biệt, DN BĐS, mặc dù lãi suất được Ngân hàng Nhà nước thông báo còn 15%, nhưng DN khó tiếp cận, sản phẩm hàng hóa khó tiêu thụ, sức mua giảm, hàng tồn kho lớn, DN khó khăn thua lỗ càng nhiều... Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc này, CaREA thu thập những ý kiến đề xuất, kiến nghị của DN, trên cơ sở đó tổng hợp đề xuất lên UBND thành phố, hiệp hội, bộ, ngành Trung ương để có hướng tháo gỡ kịp thời.

Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long chi nhánh Cần Thơ - Lê Minh Thẩm, kiến nghị: Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 về nội dung thu tiền sử dụng đất các dự án BĐS từ khi ra đời đến nay chưa có đơn vị nào đứng ra phản biện tính hiệu quả và lợi ích của nó. Nhà đầu tư vừa phải đền bù giải tỏa cho dân, rồi phải đóng tiền sử dụng đất, tức là mua đất đến 2 lần, nhưng mặt khác nghị định này lại buộc nhà đầu tư kéo giá bán nhà đất xuống thấp nhất để bán cho dân thì hoàn toàn bất hợp lý. Bởi nhà đầu tư phải mua 2 lần, đã đội giá lên, chưa kể lãi vay ngân hàng, các chi phí khác, thời gian thực hiện dự án kéo dài... tất cả đều cấu thành giá thành đầu tư. Ngoài ra, theo ông Thẩm, đối với lĩnh vực đầu tư BĐS người ta có định kiến cho rằng siêu lợi nhuận, nhưng dự án nào cũng có nhà đầu tư thứ cấp, nếu không bán “lúa non” thì tiền đâu mà làm dự án. Do đó, khi giá đất lên, nhà đầu tư trực tiếp dự án thường “ngồi nhìn mà tiếc”, nhà đầu tư thứ cấp, nhỏ lẻ, họ mới là người hưởng lợi nhuận nhiều. “Do đó, chúng tôi kiến nghị phải sớm điều chỉnh sửa chữa bổ sung Nghị định 69 phù hợp hơn với tình hình thực tế, để đảm bảo bán được sản phẩm với giá thấp nhất để người dân có nhu cầu nhà ở mua được nhà” - ông Thẩm kiến nghị.

Ông Nguyễn Quang Thông, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Vạn Phát, cũng đồng quan điểm: Hầu hết DN đầu tư BĐS theo hình thức: Vốn sẵn có + vốn vay (chịu lãi) + góp vốn (“bán lúa non”) để đầu tư dự án. Nhưng hiện nay, nhà đầu tư BĐS đang trong trạng thái “lấy lãi trước trả lãi sau”. Hiện nay, dự án BĐS dở dang cũng “chết”, dự án chưa bán hết sản phẩm cũng “chết”. Do đó, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS, ngoài những chính sách chung của Chính phủ, thì trước mắt thành phố cần cải cách nhanh thủ tục hành chính - việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay của các sở, ngành.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Xây dựng Việt Úc, cho rằng: Ngành xây dựng đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, trước đây một công trình mời gọi đấu thầu chỉ có 5-7 nhà thầu tham gia, nay có tới 15-20 nhà thầu tham gia đấu thầu. Thực chất không phải thắng thầu là có lời, mà mục đích chính là tạo công ăn việc làm cho công nhân, nên nhiều đơn vị chấp nhận lỗ để tạo việc làm tồn tại vượt qua khó khăn này. Chính vì vậy, khi ngành xây dựng bị ách tắc, nó ảnh hưởng đến các ngành khác như: Tư vấn thiết kế, kinh doanh vật liệu xây dựng, thi công... đều ế ẩm, không có sức mua. “Kinh tế bị giảm phát còn khó khắc phục hơn lạm phát. Do đó, về chính sách vĩ mô, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần sớm giảm lãi suất cho vay xuống còn 14-15%/năm thì DN xây dựng, kinh doanh BĐS mới có cơ hội phục hồi và phát triển” - ông Nguyễn Hữu Hoàng, Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Xây dựng Việt Úc, kiến nghị.

Những ý kiến kiến nghị về thủ tục hành chính cũng khá cụ thể. Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Miền Nam - Nguyễn Ngọc Thành, kiến nghị: Tại TP Cần Thơ, hiện thủ tục tiếp nhận, trả hồ sơ của các sở, ngành chức năng liên quan đến đất đai còn khá chậm, do đó cần xem xét rút ngắn để DN đỡ phiền toái. Đây cũng là cách giúp DN vượt khó trong bối cảnh khó khăn như hiện nay... Ông Võ Thành Vạn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc, cùng kiến nghị: Thành phố còn “nặng nề” về thủ tục hành chính, nhất là công tác liên quan đến quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch... kéo dài, gây khó khăn cho DN. “Tiền sử dụng đất toàn dự án lô 13A khu dân cư Thiên Lộc (hơn 40ha) sau khi khấu trừ chỉ đóng tiền sử dụng đất hơn 21 tỉ đồng. Trong khi xây dựng 2 trường học (khoảng 17.000m2) theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Chính phủ, thì ngành thuế lại đánh thuế xây dựng gần 42 tỉ đồng(!). Vậy làm sao hợp lý và khuyến khích tư nhân đầu tư trường học?” - ông Võ Thành Vạn bức xúc.

Ngoài ra, nhiều ý kiến kiến nghị tập trung vào các nội dung: Kiến nghị gia hạn nợ thuế giá trị gia tăng 1 năm; giảm thuế suất thu nhập DN từ 25% còn 20% để bớt khó khăn cho DN. Kiến nghị Chính phủ có chủ trương cho các DN BĐS được vay vốn tín dụng ngân hàng để tiếp tục đầu tư dự án BĐS thi công dở dang có sản phẩm sau năm 2012... Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: VCCI ghi nhận những kiến nghị này và sẽ tổng hợp trình lên UBND thành phố xem xét; đồng thời kiến nghị lên các bộ, ngành Trung ương có liên quan để có hướng tháo gỡ cho những khó khăn chung của DN trong cả nước hoạt động trên lĩnh vực này.

Bài, ảnh: AN KHÁNH

Bất động sản đang chờ sự tiếp sức của ngân hàng.

Chia sẻ bài viết