07/09/2016 - 15:48

Nhiều khuất tất trong Dự án Trường Mầm non Tân Nhơn ở huyện Phong Điền

Chỉ xây ngôi trường có từ 6-8 phòng học, nhưng ngân sách nhà nước mất đến 15 tỉ đồng, do diện tích trường được nâng lên gấp đôi so dự kiến ban đầu. Ngoài ra, dư luận cũng đặt câu hỏi có hay không việc gom đất để hưởng tiền đền bù? Bên cạnh đó, doanh nghiệp nợ thuế vẫn được tham gia đấu thầu!

* Tăng diện tích đất cần thu hồi

Theo chủ trương của HĐND TP Cần Thơ tại Nghị quyết số 18 ngày 5-12-2014, dự án Trường Mầm non (TMN) Tân Nhơn (xã Tân Thới, huyện Phong Điền) được thông qua, liệt vào danh mục các dự án cần thu hồi đất trong năm 2015 với diện tích đất cần thu hồi là 3.500m2.

Khu đất đang xây dựng Trường Mầm non Tân Nhơn.

Từ chủ trương này, căn cứ vào Đề án xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia của huyện lập năm 2011 và Quy chế xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tháng 5-2015, Phòng GD&ĐT huyện Phong Điền đã lập tờ trình số 226 đề xuất xây dựng mới TMN Tân Nhơn với quy mô 6-8 phòng học, diện tích đất cần thu hồi xây dựng công trình là 3.000m2. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Phong Điền (gọi tắt Ban QLDA), cụ thể là Giám đốc Trương Nhựt Quang, lại "vẽ" thêm để xài tiền ngân sách. Cụ thể, cũng với quy mô xây dựng này, trong tờ trình số 209 và hồ sơ đề xuất xây dựng dự án ngày 13-7-2015 của Ban QLDA do ông Quang ký, đã "đôn" diện tích đất cần thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB) lên gấp đôi (6.331m2).

Để thuyết phục, Giám đốc Ban QLDA vịn vào Quyết định số 725 của Bộ Xây dựng về công bố tập suất vốn đầu tư xây dựng công trình để đề xuất tập suất vốn đầu tư cho dự án với quy mô từ 6-8 nhóm lớp. Ngoài ra, Ban QLDA huyện Phong Điền còn lấy lý do là sẽ đưa TMN Tân Nhơn thành trường đạt chuẩn Quốc gia về sau này.

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Sử lý giải: "Trước đây, các phòng ban tham mưu đề xuất lên UBND huyện dự án đáp ứng từ 200- 250 trẻ và quy hoạch đất từ 3.000 đến 3.500m2 là phù hợp. Nhưng năm 2015 ngân sách không cân đối nên không đầu tư xây dựng". Đến cuối năm 2015, qua khảo sát nhu cầu phục vụ học sinh trên địa bàn tăng lên khoảng 584 học sinh nên các phòng ban tiếp tục tham mưu cho Ủy ban cần thu hồi đất để đầu tư xây dựng dự án TMN Tân Nhơn khoảng 6.600m2. "Từ những cơ sở này, tháng 9-2015, tôi ký ban hành cho chủ trương xây dựng TMN. Đến cuối năm 2015, HĐND thành phố thông qua danh mục đầu tư dự án và đến tháng 3-2016 huyện ban hành quyết định thu hồi đất"- ông Sử thông tin.

Điều đáng nói là, Ban QLDA huyện căn cứ vào số lượng trẻ để đề xuất tăng diện tích thu hồi đất lên gấp đôi, trong khi quy mô xây dựng không tăng (6-8 phòng), thì liệu có đủ phòng học cho trẻ?

* Gom đất để hưởng đền bù?

Theo tìm hiểu, khu đất 6.331m2 cần thu hồi để xây dựng TMN Tân Nhơn, trước đây nằm trong mảnh đất gần 15.000m2 của một người tên S. Sau này, khu đất được vợ một cán bộ đang công tác tại huyện Phong Điền, tên Nguyễn Thị Hồng V. (SN 1970, ngụ ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) mua lại. Sau ngày 13-7-2015, tức sau khi Ban QLDA huyện Phong Điền lập tờ trình, đề xuất xây dựng dự án đến từng chi tiết, bà V. đã gấp rút làm thủ tục gộp thửa, chuyển mục đích sử dụng. Ngày 8-7-2015, dù đã có quy hoạch xây dựng trường, nhưng ông Đỗ Thiên Tư, Trưởng Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Phong Điền vẫn ký công văn, xác nhận cho bà V. chuyển 116m2 trong thửa đất số 979, sang đất trồng cây lâu năm để hưởng tiền đền bù cao hơn đất lúa. Và ngày 22-7-2015, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền vẫn ký duyệt.

Sau khi "gom" được nhiều thửa đất nằm trong khu quy hoạch, ngày 28-7-2015, đất của bà V. được Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Trung Nghĩa ký cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng gộp thành 1 thửa lớn. Và trong tờ trình đề xuất xây dựng TMN Tân Nhơn, Ban QLDA huyện Phong Điền đã chọn địa điểm xây dựng trường nằm gọn 100% trên khu đất của bà V., với quy mô GPMB 6.331m2! TMN này được nâng tổng kinh phí đầu tư dự án gần 15 tỉ đồng, trong đó giá bồi thường đất là 360.000 đồng/m2, chi phí bồi thường hoa màu 120.000 đồng/m2… Dự án được Chủ tịch UBND huyện thông qua đã khiến dự án đội vốn từ 10 tỉ đồng (so với dự kiến ban đầu) lên gần 15 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là đội vốn do chi phí GPMB. Riêng phần bà V., đã nhận được hơn 2 tỉ đồng tiền đền bù trong tổng số gần 3,5 tỉ đồng đền bù của cả dự án, trong khi số đất này, bà vừa mua với tổng giá trị chỉ vài trăm triệu đồng!

Hiện nay, UBND huyện Phong Điền cũng xác nhận dự án TMN Tân Nhơn đã được xây dựng vẫn chỉ với quy mô 6-8 phòng học, và theo TCVN 3907:2011 trường chỉ phục vụ khoảng 150- 200 học sinh. Trong khi trước đó, ông Quang lại lấy lý do phục vụ khoảng 580 học sinh để quy hoạch khu đất 6.331m2. Vậy phần mặt bằng được giải phóng xem như không sử dụng hết? Như vậy, trước mắt dự án TMN Tân Nhơn đã gây ra cảnh lãng phí ngân sách nhà nước, thất thoát đầu tư công. Tính ra mỗi phòng học tốn khoảng 2 tỉ đồng!

* Và nhà thầu nợ thuế vẫn được chọn thi công

Sau khi UBND huyện Phong Điền ra Quyết định số 2926 ngày 8-9-2015, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình TMN Tân Nhơn, đã có quyết định thành lập tổ chuyên gia mở thầu, xét thầu gồm: Ban QLDA huyện; Đại diện các Phòng Tài chính- Kế hoạch, Thanh tra, Giáo dục, HĐND, UBND huyện và Công ty tư vấn kiểm định xây dựng GCE.

Dự án xây trường với tổng trị giá hợp đồng trọn gói là 8.080.513.800 đồng, thời gian đóng và mở thầu cùng trong ngày 14-5-2016. Theo thông tin mời thầu được đăng tải trên báo chí ngày 4-5-2016, thời gian bán hồ sơ mời thầu từ 8 giờ ngày 14-5-2016, thời gian đóng thầu là 9 giờ ngày 14-5-2016. Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, giá bán hồ sơ mời thầu là 2 triệu đồng/bộ. Thời gian thi công 280 ngày.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian Ban QLDA huyện xét duyệt kết quả trúng thầu (chưa công bố kết quả), thì 3 ngày sau (ngày 18-5-2016) dự án TMN Tân Nhơn đã được làm lễ khởi công. Đơn vị thi công đưa thiết bị, máy móc và công nhân ra vào thi công ráo riết. Trong khi đó, đến ngày 26-5-2016, Giám đốc Ban QLDA huyện Trương Nhựt Quang mới ra Quyết định số 36 lựa chọn Liên danh DNTN Trường Thuận và Công ty TNHH xây dựng Đồng Tâm trúng thầu?!

Trong 2 DN liên danh trúng thầu thì DNTN Trường Thuận hiện đang bị Chi cục Thuế huyện Phong Điền liệt vào danh sách nợ thuế kiểu khó đòi. Theo Luật Đấu thầu, DN đã nợ thuế thì đương nhiên không được tham gia đấu thầu. Nhưng DNTN Trường Thuận vẫn được ông Quang đưa vào đấu thầu và chọn cho thi công! Đặc biệt, giá trúng thầu lại cao hơn giá phê duyệt hơn 300 triệu đồng, và theo tìm hiểu thông tin trên mạng đấu thầu, dự án TMN Tân Nhơn tuy đã được thi công từ lâu nhưng kết quả đấu thầu dự án này cho đến nay vẫn chưa được công bố rộng rãi theo quy định của Luật Đấu thầu.

Chính sự "vội vàng" này khiến nhiều DN nghi ngờ Ban QLDA huyện Phong Điền, cụ thể là ông Quang, có sự "thông thầu" với DNTN Trường Thuận, tạo điều kiện cho đơn vị này tham dự và thắng thầu.

Thông Nguyễn

Chia sẻ bài viết