09/04/2019 - 07:50

Nhiều hệ lụy khi điều trị chấn thương do chơi thể thao không đúng cách

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, những năm gần đây, bệnh viện điều trị cho khá nhiều trường hợp chấn thương ở chân, trong đó có tới 50% do chơi thể thao. Đặc biệt, các chấn thương cổ bàn chân thường gặp như tổn thương dây chằng, tổn thương sụn khớp và các tổn thương khác như viêm sưng đau cổ bàn chân kéo dài, hạn chế vận động.

Bệnh nhân bị chấn thương thể thao hay gặp ở lứa tuổi từ 20 đến ngoài 35 tuổi, chiếm tới 70-80% số bệnh nhân chấn thương thể thao đến khám tại bệnh viện. Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, thậm chí là tập yoga, do khởi động không kỹ, có sự va chạm trực tiếp, trong quá trình chơi chạy sai tư thế...

Nhiều bệnh nhân nhập viện do các chấn thương sau khi chơi thể thao song không điều trị hoặc điều trị không đúng cách bằng các biện pháp đắp thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng đi lại. Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình cho biết, chấn thương do thể thao có nhiều mức độ. Nhẹ nhất là sưng nề phần mềm, làm người tập đau, khó chịu. Nặng thì khiến người bệnh đau dai dẳng, kéo dài, có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối, hoặc đứt dây chằng quanh khớp cổ chân…

Để hạn chế hệ lụy gây ra do chấn thương sau khi chơi thể thao, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình khuyến cáo, khi thấy có biểu hiện bất thường, nên đến khám tại các bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không nên chủ quan, tự ý đi mua đơn thuốc về dùng hoặc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp. Một số trường hợp tìm đến các thầy lang để… kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau.

Cổ chân là một khớp phức tạp được cấu tạo bởi khớp giữa xương chày và xương mác, giữa xương chày và xương sên và hệ thống dây chằng cổ chân. Xương sên nằm gọn trong mộng chày mác và khớp cổ chân chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể khi đi lại, khoảng 1/6 sức nặng là do xương mác chịu, 5/6 sức nặng là do xương chày chịu. Vì vậy, khớp cổ bàn chân đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chức năng vận động của cơ thể con người.

Bích Thủy (TTXVN)

Chia sẻ bài viết