23/01/2013 - 14:42

Nhiều giải pháp đảm bảo trật tự kỷ cương trong công tác thi và tuyển sinh năm 2013

Đại biểu ở điểm cầu Cần Thơ phát biểu góp ý về quy chế tuyển sinh tại hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013.

Hôm qua (22-1), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị về công tác thi và tuyển sinh năm 2013 tại 6 điểm cầu trên cả nước. Mặc dù hình thức thi tuyển sinh năm nay cơ bản vẫn giữ "3 chung" (chung đề, chung đợt, chung kết quả) nhưng nhiều điểm mới trong thi, tuyển sinh 2013, trong đó có việc rút ngắn thời gian xét tuyển, tuyển thẳng vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đối với những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế... được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận sôi nổi.

Cơ bản giữ "3 chung"

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cả nước có 370 lượt trường tổ chức thi (246 trường ĐH và 124 trường CĐ). Năm 2012, cả nước có trên 2 triệu thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ, giảm trên 160 ngàn hồ sơ so với năm 2011. Qua đó cho thấy, việc tác động tích cực, có hiệu quả của công tác hướng nghiệp ở các trường THPT, công tác tư vấn tuyển sinh của các trường và các cơ quan thông tấn báo chí đã giúp thí sinh cân nhắc, lựa chọn đúng đắn, phù hợp hơn trong đăng ký dự thi. Việc tổ chức thêm các cụm thi đã tiết kiệm chi phí cho hàng chục ngàn thí sinh. Tuy nhiên, theo ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho rằng: Kỳ thi tuyển sinh vẫn còn nhiều hạn chế như cơ sở vật chất nhiều hội đồng tuyển sinh không đảm bảo, phòng thi chật hẹp, không đúng quy định. Bộ GD&ĐT đã chấm thẩm định bài thi tự luận và tổ chức chấm 1.405 bài thi các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý của một số trường, kết quả cho thấy, công tác chấm thi của các trường có sai sót, chưa nghiêm túc, không chấm 2 vòng độc lập theo quy định, có biểu hiện đánh dấu bài...

Bên cạnh đó, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh không đúng, theo kết quả thanh tra, đã có 30 trường ĐH, CĐ không đạt tiêu chí. Bộ GD&ĐT đã đề nghị các Bộ chủ quản các trường có hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách đối với hiệu trưởng những trường vi phạm và quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường tuyển sinh vượt từ 5% chỉ tiêu năm 2012 trở lên; năm 2013 sẽ cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với 17 trường. Ông Khôi cho biết: Năm 2013, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cơ bản vẫn theo hình thức "3 chung" như mọi năm. Để nâng cao hiệu quả thi, tuyển sinh, Bộ GD&ĐT vẫn giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013 và khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực, thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật...

Thêm nhiều điểm mới

Năm 2013, Bộ GD&ĐT bổ sung những điểm mới trong thi, tuyển sinh nhằm khắc phục những hạn chế năm qua, như: bổ sung Ban chấm thanh tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường. Ban chấm thanh tra có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn thi tự luận; bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông, là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng (kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi) có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CĐ hoặc ĐH. Những thí sinh này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy. Thí điểm cho 10 trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật tuyển sinh riêng. Cụ thể, các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối văn hóa (khối C), không tổ chức thi, chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT; các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối nghệ thuật (khối H, N, S), chỉ tổ chức thi các môn năng khiếu; xét tuyển môn Ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm học THPT...

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, năm nay, Bộ tiếp tục giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển 20-8-2013 và kết thúc xét tuyển ngày 30-10-2013. Bộ GD&ĐT bổ sung một số chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013 như tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ đối với những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và Quốc tế; học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp THPT. Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ, được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị 1 năm.

Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm và phải học dự bị 1 năm, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho địa phương.

Để nâng cao hiệu quả

Việc bổ sung những điểm mới về công tác thi, tuyển sinh năm 2013 đều được các đại biểu thống nhất cao. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn về qui chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Theo ông Nguyễn Cao Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long (Vĩnh Long), năm 2012, các trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh hết sức khó khăn, do quy chế tuyển sinh đánh đồng với các trường ĐH ở các vùng, miền khác. Thời hạn xét tuyển kéo dài, cũng như cho phép thí sinh photo giấy chứng nhận kết quả thi, gây khó khăn cho các trường. Ông Đạt nói: "Bộ cần có sự điều chỉnh trong tuyển sinh để tạo thuận lợi hơn cho các trường. Mặt khác, kết quả thi THPT của học sinh khá cao nhưng kết quả thi ĐH, CĐ thấp, phải xem lại cách ra đề thi ra sao, có phù hợp?". Còn theo ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, Bộ GD&ĐT không nên quan trọng quá quy định điểm sàn, bởi nếu như thí sinh không giỏi, trường có trách nhiệm đào tạo như thế nào để các em giỏi hơn. Đồng thời, việc quy định cộng thêm điểm ưu tiên đối với thí sinh là người dân tộc, cần kèm theo các tiêu chí quy định cụ thể hơn để tránh sự thắc mắc. Nhiều đại biểu cho rằng, nên quy định điểm chuẩn trúng tuyển sau phải cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển trước để các trường thuận lợi hơn trong xét tuyển.

Quy định cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi của kỳ thi THPT và ĐH, CĐ là vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm. Ông Hồ Quang Huy, Giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu, nói: "Có nên quy định cho thí sinh mang các thiết bị này vào phòng thi không, bởi sẽ ảnh hưởng đến thí sinh khi làm bài thi, gây xáo trộn phòng thi. Nhất là thi ĐH, nguy cơ tiêu cực sẽ cao gấp 100 lần so với thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, các hội đồng thi có thể đặt camera quan sát thí sinh cho hiệu quả". Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho rằng, với kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu cho thí sinh mang thiết bị vào phòng thi sẽ rất khó kiểm soát, các đại biểu ở điểm cầu Thái Nguyên cũng đồng tình quan điểm này. Tuy nhiên, theo ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, những năm qua quy chế tuyển sinh có nhiều thay đổi nhưng đều có sự chuẩn bị chu đáo. Việc quy định cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi tuy gây khó khăn cho các trường nhưng qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm tiêu cực của một số đơn vị, như việc phát hiện tiêu cực tại hội đồng thi ở Đồi Ngô là một ví dụ.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thống nhất thời gian xét tuyển hồ sơ thi đại học rút ngắn đến hết ngày 30-10-2013 và mỗi đợt xét tuyển cách nhau 20 ngày. Đồng thời ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu về công tác thi, tuyển sinh để điều chỉnh cho phù hợp, trong đó có việc xác định điểm sàn, điểm xét tuyển ở mỗi đợt, tăng lệ phí thi, cách ra đề thi... Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đối với việc thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, các trường không nên quá lo lắng, coi đó là vấn đề phức tạp, bởi năm trước đã có quy định này và chưa có tình trạng đáng tiếc xảy ra. Ông Ga nhấn mạnh: "Quy định này là phù hợp, tạo sự nghiêm túc, kỷ luật trong phòng thi nên vẫn áp dụng vào qui chế trong kỳ thi, tuyển sinh 2013. Còn quy định mới về đào tạo liên thông, Bộ thực hiện đúng quy định pháp luật, yêu cầu các trường phải nghiêm túc thực hiện. Năm 2013, nếu các trường tiếp tục vi phạm trong tuyển sinh, Bộ sẽ công khai các vi phạm và kiên quyết xử lý nhằm đảm bảo trật tự kỷ cương trong công tác thi, tuyển sinh".

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết