06/10/2019 - 10:18

TP Cần Thơ

Nhiều công trình trọng điểm khó giải ngân vốn 

Tại cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công vừa qua do UBND thành phố tổ chức, các chủ đầu tư đều khẳng định từ nay đến hết 31-12-2019 sẽ tập trung giải ngân vốn kế hoạch (KH) đạt từ 90% trở lên. Song, thời gian còn rất ngắn, nhiều công trình có vốn đầu tư lớn sẽ rất khó hoàn thành mục tiêu đã hứa. Nhất là các công trình hạ tầng giao thông, đô thị có vốn đầu tư lớn đa phần đều chậm tiến độ, do vướng thủ tục, giải phóng mặt bằng (GPMB), nhà thầu kém năng lực.

Ì ạch tiến độ

Tính đến ngày 30-9-2019, thống kê từ Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, một số dự án được thành phố bố trí vốn nhiều trong năm 2019, gồm: Dự án Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (Dự án 3) vốn bố trí 984,9/3.415 tỉ đồng, chiếm 28,84% KH vốn thành phố, giải ngân 408,323 tỉ đồng, đạt 41,5% KH vốn. Dự án đường Vành Đai sân bay Cần Thơ kết nối đường Lê Hồng Phong- quốc lộ 91B, giai đoạn 1 (đoạn từ nút giao Võ Văn Kiệt-Km1+675), vốn bố trí 48/3.415 tỉ đồng, mới giải ngân 5,445 tỉ đồng, đạt 11,3% KH vốn. Dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu, vốn bố trí 306,661/3.415 tỉ đồng, giải ngân 20,884 tỉ đồng đạt 6,8%. Dự án Kè chống sạt lở, chống xâm ngập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực Rạch Cái Sơn vốn bố trí 149,466/3.415 tỉ đồng, giải ngân 6,722 tỉ đồng, đạt 4,5%. Dự án Mở rộng đường Quang Trung- Cái Cui được bố trí 100/3.415 tỉ đồng, giải ngân 98,326 tỉ đồng đạt 98,30%...

Theo Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, trong danh sách 7 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn dưới 30% có Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ: KH vốn năm nay được bố trí 129,4 tỉ đồng, mới giải ngân 3%. Còn Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, KH vốn năm 2019 được bố trí 486,3 tỉ đồng, hiện mới giải ngân 8,7%. Ban là chủ đầu tư các công trình, gồm: Đường Nguyễn Văn Cừ đoạn Mỹ Khánh- Phong Điền (đường Nguyễn Văn Cừ giai đoạn 2), KH vốn 2019 bố trí 13 tỉ đồng, giải ngân 0,80%; KH vốn năm 2018 kéo dài của công trình này chuyển sang là 12,512 tỉ đồng, mới giải ngân đạt 30,93%. Dự án Kè bờ sông Cần Thơ- Ứng phó biến đổi khí hậu, dự kiến quý IV-2019 sẽ giải ngân hết 156,661 tỉ đồng (nguồn vốn vay của ngân sách Trung ương). Dự án đường tỉnh 922 vốn đầu tư trên 1.494 tỉ đồng, dự án này đã được Chính phủ giao vốn bằng tổng mức đầu tư nên vốn năm nay không sử dụng hết phải xin phép Thủ tướng tiếp tục kéo dài mới được thanh toán…

Bà Bùi Thị Kiều, Phó Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Ban đang được thành phố giao làm chủ đầu tư 14 dự án (10 dự án đang trong giai đoạn đầu tư, 3 dự án chuẩn bị đầu tư và 1 dự án đang thẩm tra quyết toán). Riêng dự án đường tỉnh 922 tiến độ chậm, do năng lực yếu kém của nhà thầu chính, vướng công tác GPMB, có 1.626 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, để có mặt bằng liên tục là rất khó, một số hộ dân chưa chịu nhận tiền bồi hoàn, phát sinh một số trường hợp mới. Một phần do công tác thẩm định hồ sơ, thủ tục của các sở, ngành còn chậm. Do vậy, khả năng sử dụng hết vốn 2018 kéo dài của dự án này là rất khó, khả năng giải ngân đến cuối năm nay khoảng 267 tỉ đồng. Ban đã có văn bản đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xin kéo dài vốn dự án sang năm 2020, do dự án theo KH ký kết là hoàn thành tháng 4-2020…

Theo ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&ĐT thành phố, trong các nguyên nhân giải ngân vốn các công trình trọng điểm chậm, thì nguyên nhân chủ quan nhiều hơn. Cụ thể là một số nhà thầu trúng thầu dự án lớn nhưng không đủ năng lực triển khai, làm chậm tiến độ thực hiện. Một số nhà thầu chưa quyết liệt thi công, công tác phối hợp chưa tốt. Công tác đấu thầu kéo dài, mất nhiều thời gian so với quy định. Số vốn năm 2018 được phép kéo dài theo Luật Đầu tư công chuyển sang là rất lớn, nhưng chủ đầu tư chủ quan, nghĩ rằng có thể xin gia hạn tiếp; nhưng vốn gia hạn phải xin ý kiến Chính phủ.

Công trình đường tỉnh 922 tiến độ đang rất chậm, khó giải ngân hết KH vốn đã bố trí. Ảnh: T.H

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Tại cuộc họp với các chủ đầu tư để xở gỡ giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo UBND thành phố cho biết thực tế các chủ đầu tư khá chủ quan trong quản lý, thụ động trong giải ngân. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, nói: Tiến độ giải ngân chậm do khó về GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, năng lực nhà thầu và quản lý dự án. Hầu hết các dự án lớn đều vướng khâu bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Vì vậy, các chủ đầu tư từ nay về sau, những vấn đề liên quan đến thu hồi đất phải triển khai ngay từ đầu năm; thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật và bám sát vào quyết định danh mục thu hồi đất của thành phố. Đồng thời phải thuê đơn vị tư vấn độc lập, đủ năng lực thẩm định giá đất. Hiện nay có tình trạng dự án đã giao vốn nhưng chưa trình UBND phê duyệt, nên thực hiện các quy trình, thủ tục phải đảm bảo nhịp nhàng trong công tác phối hợp giữa các bên liên quan, linh động theo thẩm quyền để giải quyết công việc. Cán bộ, chủ đầu tư phải tăng cường đi cơ sở để kiểm tra, giám sát tiến độ dự án, mạnh dạn điều chuyển vốn nếu không thể giải ngân đạt KH.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý tạm ứng và thu hồi tạm ứng theo chế độ quy định; thực hiện dứt điểm các nội dung kiến nghị của cơ quan thanh tra và kiểm toán nhà nước; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển KH vốn đối với những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 50% tính đến thời điểm 31-8-2019). Tránh trường hợp dự án cuối năm giải ngân không hết được chuyển nguồn sang năm sau nhưng vẫn không có khả năng giải ngân hết KH kéo dài làm ảnh hưởng tới KH đầu tư công trung hạn.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Mạnh cho rằng đã trải qua 3 quý của năm, nhưng nhiều dự án còn vướng hồ sơ, thủ tục, đây là sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Do vậy, các chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ trong công tác này, không chỉ cho KH năm 2019, mà phải hoàn tất các thủ tục cho năm 2020. Liên quan đến công tác GPMB phải quyết liệt hơn nữa, thông báo cho dân thủ tục thu hồi đất sớm hơn, áp giá bồi hoàn đảm bảo trình tự. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát dự án của các chủ đầu tư, phải báo cáo thường xuyên với lãnh đạo UBND thành phố để có hướng xử lý kịp thời.

Đến ngày 30-9-2019, tổng KH vốn được giao trên địa bàn 5.788 tỉ đồng, so với KH đầu năm tăng 1.993 tỉ đồng; lũy kế thanh toán 2.454 tỉ đồng, đạt 42,4% KH. So cùng kỳ năm trước, KH vốn giảm 643 tỉ đồng, thanh toán giảm 324 tỉ đồng, tỷ lệ giải ngân vốn giảm 0,8%.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết