(CTO) - Đó là ghi nhận của các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long khi Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của BV tiếp nhận nhiều trường hợp tăng đông máu sau nhiễm COVID-19.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị rối loạn đông máu, có tiền sử mắc COVID-19. Ảnh do BV cung cấp.
Như trường hợp của cụ bà T.T.X (81 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long), sau 3 tháng khỏi bệnh COVID-19, bắp chân phải của bà đột ngột sưng phù, bị chuột rút, đau tức. Cụ bà được gia đình đưa đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long thăm khám. Các bác sĩ phát hiện cụ bà có huyết khối tĩnh mạch đùi bên phải gây tắc gần 90%. Ngay lập tức, bác sĩ dùng thuốc kháng đông để phòng cục máu đông di chuyển lên, gây tắc mạch phổi cấp, có thể dẫn đến tử vong.
Một trường hợp khác, bà T.T.T (62 tuổi, ở TP Cần Thơ), mới khỏi COVID-19 khoảng một tháng, đột ngột đau lói ngực, khó thở, suy hô hấp, tụt huyết áp. Qua kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu phổi, các bác sĩ BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long phát hiện bệnh nhân bị tắc gần như hoàn toàn động mạch phổi phải do cục máu đông lớn mới hình thành. Bác sĩ nhanh chóng cho bệnh nhân dùng thuốc tiêu sợi huyết và điều trị thuốc chống đông đường uống duy trì lâu dài. Hiện tại tình trạng bệnh cải thiện, hết đau ngực, bớt khó thở, huyết áp ổn định và đang được theo dõi nội trú.
Các bác sĩ cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam, ông N.V.L (76 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) vào cấp cứu vì nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng và rối loạn máu toan chuyển hóa. Trên kết quả siêu âm và chụp CT ổ bụng thông thường không phát hiện bất thường. Tuy nhiên khi chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có dùng thuốc cản quang, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu động mạch mạc treo. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân bị COVID-19 cách đây 8 tháng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu loại bỏ đoạn thuyên tắc, tái thông tuần hoàn. Hiện tình hình bệnh ổn và đang được theo dõi nội trú.
BS CKI Trương Hoàng Tâm, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết, điểm chung của các trường hợp trên là có hiện tượng đông máu bất thường sau khi khỏi COVID-19. Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nhiễm COVID-19 làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông nghiêm trọng từ 3 đến 6 tháng sau khi mắc bệnh. COVID-19 gây ra hàng loạt các đáp ứng miễn dịch quá mức, trong đó có rối loạn tăng đông máu. Nhiều báo cáo cho thấy tình trạng này thường gặp ở người cao tuổi, nhiễm COVID-19 ở mức độ nặng, chưa tiêm vaccine, thừa cân béo phì và nhiều bệnh lý nền. Máu đông có thể xuất hiện ở bất cứ mạch máu nào trong cơ thể, gây tắc mạch.
Các triệu chứng thường gặp khi bị đông máu: Sưng một bên chi, đau tay, chân, vệt đỏ xuất hiện trên da, đau ngực, khó thở, tim đập nhanh, ho không rõ nguyên nhân, đau đầu dữ dội. Do đó, người bệnh có tiền sử mắc COVID-19, khi thấy sức khỏe bất thường, nên đến cơ sở y tế thăm khám sớm, đặc biệt với nhóm người cao tuổi, có nhiều bệnh nền.
THU SƯƠNG