26/07/2013 - 14:55

Nhau tiền đạo, nhau cài răng lược và tiền sử mổ lấy thai

Thai phụ cần được thăm khám sức khỏe
thai kỳ thường xuyên.

Nhau cài răng lược (NCRL) dễ xảy ra khi sản phụ bị nhau tiền đạo (NTĐ) và có tiền sử mổ lấy thai. Tỷ lệ NCRL tăng theo số lần mổ lấy thai. Hiện nay, y học tiến bộ, vấn đề mổ lấy thai tương đối an toàn, thuận lợi nên số trường hợp muốn có thai lại sau 2 lần mổ lấy thai không phải là ít. Vì vậy, nguy cơ NTĐ và NCRL sẽ tăng lên, hai bệnh lý này góp phần làm tăng tai biến sản khoa và tử vong mẹ.

Khoảng cuối tháng 6-2013, ê kíp bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ và BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ vừa phối hợp phẫu thuật thành công cho thai phụ Ng. T. Ng. S. (31 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) bị NTĐ trung tâm, NCRL. Chị S. mang thai đứa con thứ 3, tuổi thai 38 tuần, có dấu hiệu ra huyết, nhập viện BV Đa khoa TP Cần Thơ. Các bác sĩ chẩn đoán thai trong tình trạng NTĐ trung tâm, NCRL, trên nền bệnh cảnh là vết mổ cũ. Đây là bệnh lý nặng, hiếm gặp, khả năng cắt tử cung rất cao. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ dọc thân để lấy thai, cắt tử cung toàn phần để cấp cứu cho bệnh nhân. Trải qua gần ba giờ, ê kíp bác sĩ tích cực phẫu thuật, hỗ trợ hồi sức, truyền 4 đơn vị máu cho bệnh nhân và ca phẫu thuật thành công. Thạc sĩ - bác sĩ Lâm Đức Tâm, BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ, cho biết, tỷ lệ thai phụ bị NTĐ ngày càng tăng.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, thông thường nhau bám ở đáy tử cung và sau khi sổ thai, tử cung co nhỏ lại làm nhau tróc ra dần dần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh lý, nhau không nằm ở vị trí bình thường và cũng không tróc một cách tự nhiên, dẫn đến tai biến sản khoa. Đó là trường hợp NTĐ, NCRL, là những bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

NTĐ là tình trạng nhau không bám ở vùng đáy tử cung như thông thường, mà một phần hay toàn bộ bánh nhau bám vào ở đoạn eo tử cung. Đây là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong 3 tháng cuối của thai kỳ và là nguyên nhân gây băng huyết nặng sau sinh. Tùy vào vị trí bám của bánh nhau mà chia ra: nhau bám thấp (bám vào thân của tử cung và chỉ một phần nhỏ bám vào đoạn dưới tử cung, tuy không gây chảy máu nhưng thường gây vỡ ối sớm); nhau bám bên (phần lớn nhau bám vào đoạn dưới chưa tới cổ tử cung, chảy máu nhẹ); nhau bám mép (bờ bánh nhau tới cổ tử cung chưa che lấp cổ tử cung, chảy máu vừa); nhau tiền đạo bán trung tâm không hoàn toàn (bánh nhau che lấp một phần cổ tử cung, sờ thấy múi nhau và màng nhau, chảy máu nhiều); nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn (bánh nhau che kín cổ tử cung khi cổ tử cung đã mở, sờ thấy múi nhau và màng nhau, chảy máu rất nhiều).

Chưa xác định rõ nguyên nhân dẫn đến NTĐ ở thai phụ, tuy nhiên, có các yếu tố thuận lợi như: do thai phụ lớn tuổi (đối với sản phụ trên 35 tuổi); thai phụ đa sản; có tiền sử nạo phá thai, sảy thai; tử cung có vết sẹo mổ cũ. Theo các tài liệu nghiên cứu y khoa, có sự liên quan mật thiết giữa số lần mổ lấy thai và bệnh lý NTĐ. Nguy cơ NTĐ trên những tử cung không có vết mổ lấy thai ít hơn so với mổ lấy thai. Ngoài ra, nguy cơ NTĐ đối với thai phụ có tiền sử viêm nhiễm tử cung; do thai phụ sử dụng thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá trong thời kỳ mang thai; tử cung dị dạng; NTĐ có thể kết hợp với NCRL; do trứng thụ tinh làm tổ thấp, gần đoạn eo, do đó sẽ phát triển ở đoạn dưới tử cung. Những dấu hiệu NTĐ ở thai phụ như: ra huyết âm đạo, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ, không đau bụng; chẩn đoán dựa vào siêu âm và cộng hưởng từ MRI.  Tùy thuộc vào vị trí nhau bám, NTĐ thường có những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và thai nhi. Chẳng hạn, tình trạng bánh nhau; màng nhau (dễ bị ối vỡ non hoặc vỡ sớm); dây nhau (không bám vào giữa bánh nhau mà bám vào bờ bánh nhau gần lỗ cổ tử cung nên dễ gây sa dây nhau); ngôi thai bất thường,...

NCRL là bánh nhau không chỉ nằm ở vị trí bất lợi cho cuộc sinh nở mà còn nguy hiểm ở chỗ sau khi sổ thai xong thì nhau không tróc tự nhiên, bám rất chắc vào cơ tử cung, thậm chí xuyên thủng cả tử cung để xâm lấn vào cơ quan lân cận như bàng quang. NCRL dễ xảy ra khi sản phụ bị NTĐ và có mổ lấy thai, tỷ lệ NCRL tăng theo số lần mổ lấy thai. Đây là điều rất đáng quan tâm vì hiện nay tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng, có nơi lên đến 60-70% hoặc hơn nữa. Với những tiến bộ trong y học về kỹ thuật mổ lấy thai, gây mê, kháng sinh, vấn đề mổ lấy thai tương đối an toàn, thuận lợi hơn trước nên số trường hợp muốn có thai lại sau 2 lần mổ lấy thai không phải là ít. Vì vậy, nguy cơ NTĐ và NCRL sẽ tăng lên, hai bệnh lý này góp phần làm tăng tai biến sản khoa và tử vong mẹ.

Đối với mẹ, nguy cơ của NTĐ gây xuất huyết âm đạo, có thể rất nặng, gây choáng mất máu và tử vong ở mẹ; rối loạn đông máu. Đối với con, thai dễ bị suy do thiếu máu; sinh non tháng, khả năng phải chấm dứt thai kỳ sớm. Nếu tình trạng xuất huyết âm đạo trầm trọng, xảy ra trước khi thai trưởng thành thì cũng quyết định chấm dứt thai kỳ sớm để cứu mẹ. Vì thế, thai non tháng là lý do chính làm tỷ lệ tử vong của con khá cao, chiếm tỷ lệ 30-40% (kể cả non tháng và đủ tháng).

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự khuyên, những sản phụ có NTĐ thường  được theo dõi sát, hẹn nhập viện sớm trước khi chuyển dạ và khả năng phải mổ cấp cứu để cứu mẹ và con. Hướng xử trí tùy thuộc vào tuổi thai, mức độ chảy máu nhiều hay ít, đã chuyển dạ chưa. Thai phụ nên đi khám thai định kỳ, hạn chế công việc nặng, tránh giao hợp, và nhất là khi xuất huyết âm đạo phải nhanh chóng đến bệnh viện có chuyên khoa Sản gần nhất để được khám và điều trị. Trường hợp ra máu âm đạo nhiều ≥ 300g, phải chấm dứt thai kỳ ở mọi tuổi thai bằng phương pháp nào nhanh nhất (ưu tiên cứu mẹ). Trường hợp thai dưới 8 tháng, trọng lượng thai ước lượng < 2000g, ra máu ít, mục đích xử trí trường hợp này là cố gắng kéo dài thêm thai kỳ với những điều kiện an toàn cho cả mẹ lẫn thai. Bác sĩ sẽ không khám âm đạo để tránh làm ra máu nhiều hơn. Sản phụ được giữ lại bệnh viện, nằm nghỉ tại giường để theo dõi và dùng siêu âm để xác định chẩn đoán, phân loại nhau tiền đạo, mức độ trưởng thành của thai. Nếu thai gần ngày sanh, trọng lượng thai ước lượng > 2500g, đã chuyển dạ hoặc đang ra máu, nếu là NTĐ bán trung tâm hoặc NTĐ trung tâm hoàn toàn phải mổ lấy thai vì chảy máu nhiều; nếu là nhau bám thấp hoặc nhau bám bên, bám mép, ra máu ít, đa số trường hợp bác sĩ có thể cho sanh ngã âm đạo, sau khi xé rộng màng ối để giúp giảm bớt sự co kéo màng ối, gây bong nhau thêm và ngôi thai chúc xuống, đè vào bánh nhau, làm bớt chảy máu.

Bài, ảnh: Hải Tiến

 

Chia sẻ bài viết