07/07/2021 - 05:14

Nhật tuyên bố bảo vệ Đài Loan 

Nhật Bản đang nổi lên như trụ cột số hai trong “lực lượng đồng minh” bảo vệ Đài Loan, với tuyên bố của Phó Thủ tướng Taro Aso về khả năng Tokyo thực thi quyền phòng vệ tập thể nếu Trung Quốc thu hồi hòn đảo này bằng vũ lực.

Bệ phóng tên lửa được chuyển đến đảo Amami Oshima tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật.

Phát biểu hôm 5-7, Phó Thủ tướng Aso lưu ý tình hình Đài Loan đang trong trạng thái “cực kỳ căng thẳng”, đặc biệt sau khẳng định cuối tuần rồi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng việc “tái thống nhất” hòn đảo này là sứ mệnh lịch sử không thể thay đổi. Nếu có “sự cố nghiêm trọng” nào xảy đến với Đài Loan, Nhật Bản có thể coi đây là mối đe dọa đến sự tồn vong quốc gia. “Trong tình huống đó, Nhật Bản và Mỹ phải cùng nhau bảo vệ Đài Loan” - Phó Thủ tướng Aso nhấn mạnh.

Vốn Nhật không được phép phát động chiến tranh, đe dọa sử dụng hoặc dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế do các quy định hạn chế trong hiến pháp đối với lực lượng vũ trang. Tokyo cũng bị cấm duy trì quân đội thường trực và chỉ được phép huy động Lực lượng Phòng vệ (SDF) vì mục đích phòng thủ quốc gia trong trường hợp bị tấn công trực tiếp. Nhưng từ năm 2015, Thủ tướng khi đó là Shinzo Abe đã cố diễn giải lại hiến pháp để SDF tham chiến hỗ trợ đồng minh theo quyền phòng vệ tập thể trong các tình huống “đe dọa sự tồn vong của Nhật Bản”. Theo khái niệm mới, nhà khoa học chính trị Jeffrey Hornung cho biết quốc gia Đông Á có thể triển khai SDF ngay cả khi không bị tấn công trực tiếp. Lấy ví dụ, Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 của hiệp ước an ninh, do đó Washington bị tấn công được coi là ảnh hưởng đến sự tồn vong của Nhật Bản. Tokyo trong tình huống này có thể sử dụng vũ lực theo quyền phòng vệ tập thể.

“Lực lượng đồng minh” bảo vệ Đài Loan

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên eo biển Đài Loan, Mỹ - Nhật tiếp tục thể hiện mối quan hệ gắn kết thông qua cuộc tập trận chung đang diễn ra.  Đây là lần đầu các đơn vị phòng thủ tên lửa hai bên được triển khai đến một trong những hòn đảo xa xôi của Nhật Bản, cách Đài Loan khoảng 850km.

Theo Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, cuộc diễn tập mô phỏng các tình huống phòng thủ chống lại máy bay và tên lửa thù địch, thể hiện khả năng của liên minh triển khai lực lượng đến các hòn đảo xa trong bối cảnh an ninh châu Á - Thái Bình Dương đang thay đổi. Trong khi đó, tờ Financial Times nhận định Mỹ - Nhật tiến hành tập trận có thể nhằm chuẩn bị cho tình huống xung đột với Trung Quốc xung quanh vấn đề Đài Loan.

Theo tin tức tiết lộ trước đó, Nhật Bản yêu cầu giới chức Mỹ chia sẻ kế hoạch của họ trong việc bảo vệ Đài Loan nhưng bị từ chối. Thay vì vậy, Washington muốn phối hợp chặt chẽ với Tokyo theo từng giai đoạn, mục tiêu cuối cùng là lập ra kế hoạch chung cho lực lượng vũ trang hai nước nếu chiến tranh xảy ra. Các nhà phân tích thì cho rằng Mỹ rõ ràng cần đến sự hỗ trợ của đồng minh thân cận nhất ở châu Á trong tình huống xung đột với Trung Quốc bởi phần lớn lực lượng của họ ở Tây Thái Bình Dương đều tập trung ở Nhật Bản. Ngoài được phép tiến hành hoạt động tác chiến từ các căn cứ trên đất Nhật, Mỹ còn có thể tăng thêm lực lượng vì chính quyền Tokyo khi đó nhiều khả năng để SDF tham gia.

Nhưng về cơ bản, vị trí địa lý ở khu vực là yếu tố quyết định vai trò của Nhật với tư cách là một phần của “lực lượng đồng minh” bảo vệ Đài Loan. Nếu Nhật can thiệp cuộc xung đột tiềm tàng ở Đài Loan, eo biển Miyako cách hòn đảo này 400km có thể trở thành một trong những tuyến đường thủy nguy hiểm nhất thế giới. Hồi tháng 4, Trung Quốc đã điều tàu sân bay Liêu Ninh đi qua eo biển chiến lược nói trên để ra Thái Bình Dương. Trước đó, Bắc Kinh còn triển khai máy bay chiến đấu đến khu vực với đường bay mà giới phân tích cho là tạo thành thế gọng kìm bao vây Đài Loan. Đây được ví như thông điệp của Trung Quốc về việc họ có thể cô lập Đài Loan nếu Mỹ - Nhật có ý định  hỗ trợ vùng lãnh thổ này.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày 6-7 cho biết trong tuần này sẽ chuyển thêm cho Việt Nam, Thái Lan và Philippines mỗi nước 1 triệu liều vaccine AstraZeneca. Riêng Đài Loan sẽ nhận 1,13 triệu liều bên cạnh 1,24 triệu liều hồi tháng 6.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei)

Chia sẻ bài viết