02/08/2024 - 09:04

Nhật tiến vào “sân sau” của Nga 

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida từ ngày 9 đến ngày 11-8 sẽ có chuyến thăm Trung Á để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan nhằm thúc đẩy sự hiện diện của Tokyo tại  khu vực giàu khoáng sản và năng lượng vốn được coi là “sân sau” của Nga và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: AFP

Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Á - Nhật Bản đầu tiên ở Kazakhstan vào tuần tới, Thủ tướng Kishida và đại diện 5 quốc gia Trung Á dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố chung về hợp tác phát triển kinh tế bền vững. Theo kế hoạch, ông Kishida sẽ công bố hỗ trợ của Tokyo đối với nỗ lực nhằm đạt mức trung hòa carbon của khu vực, giới thiệu các công nghệ nổi trội từ các công ty Nhật Bản, chẳng hạn như các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch thải ra lượng thấp khí thải carbon.

Nhật Bản cũng sẽ cân nhắc hỗ trợ các nước sản xuất nhóm hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, chẳng hạn như hydro hay phân bón sản xuất bằng khí đốt tự nhiên; hỗ trợ triển khai công nghệ kỹ thuật số trong thủ tục hải quan; khuyến khích các nước sử dụng chương trình “Người lao động kỹ năng đặc định” của Nhật Bản để đào tạo nhân tài và thúc đẩy trao đổi nhân sự. Hội nghị dự kiến đề cập đến tuyến đường vận chuyển trên Biển Caspi, vốn được lên kế hoạch nối Trung Á với châu Âu mà không đi qua Nga.

Trong bối cảnh chiến sự nổ ra ở Ukraine, hình ảnh của Nga ở Trung Á xấu đi đáng kể nhưng Mát-xcơ-va vẫn là đối tác kinh tế và an ninh quan trọng của khu vực. Ước tính cho thấy, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Á hồi năm 2022 tăng 20%, trong khi thị trường lao động xứ bạch dương tiếp nhận hàng triệu công nhân Trung Á; lượng kiều hối từ Nga chiếm hơn 30% GDP ở Tajikistan và Kyrgyzstan.

Trong khi đó, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan là nơi đặt các căn cứ quân sự của Nga, đồng thời phụ thuộc vào “chiếc ô an ninh” của nước này khi là thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu. Ảnh hưởng của Nga tại khu vực được thể hiện một cách rõ ràng khi cả 5 nhà lãnh đạo Trung Á đã bay tới thủ đô Mát-xcơ-va để tham dự Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng (9-5-2023), đánh dấu tròn 78 năm Đức Quốc xã đầu hàng Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Theo Nikkei Asia, Nhật Bản có kế hoạch tận dụng hội nghị thượng đỉnh nói trên để thảo luận về việc thiết lập mạng lưới cung cấp khoáng sản quan trọng, bởi khu vực này rất giàu tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản. Không riêng gì Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan cũng sở hữu lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Năm 2022, Turkmenistan xuất khẩu hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc. Trong khi đó, Kazakhstan là nước sản xuất uranium hàng đầu thế giới và có trữ lượng đáng kể các kim loại khác.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Á - Nhật Bản đầu tiên dự kiến được tổ chức trùng với dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập nền tảng Đối thoại Nhật Bản - Trung Á, sáng kiến do Tokyo đưa ra nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực. Theo giới phân tích, động thái ngoại giao này nêu bật cách tiếp cận chủ động của Tokyo trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, qua đó đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia Trung Á và Nhật Bản.

 

5 quốc gia Trung Á nằm ở vị trí có ý nghĩa địa chính trị giữa Đông Á và châu Âu, nhờ đó mà các cường quốc trên thế giới đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực. Trong khi Trung Quốc hồi tháng 5-2023 tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên với các nhà lãnh đạo Trung Á, Liên minh châu Âu một tháng sau đó cũng đã tổ chức hội nghị tương tự, còn Mỹ và Đức thì “tiếp bước” vào tháng 9.

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết