07/02/2019 - 09:28

Nhất nghệ tinh
Khát vọng vinh hoa nhờ nghề 

Định kiến học nghề là chuyện “chẳng đặng đừng”, bởi cửa vào đời thông qua trường nghề sẽ nhỏ hẹp, dường như đã ăn sâu vào gốc rễ xã hội. Điều đó đang dần được các trường nghề ở Cần Thơ thay đổi bằng cách kiến tạo những chương trình đủ hấp dẫn thu hút người học và đủ tầm để người học tự tin hòa nhập thị trường lao động quốc gia, quốc tế. Trong hành trình đưa thuyền ra biển lớn ấy, có sự nỗ lực của giáo viên và cả quyết tâm của học sinh vượt qua định kiến để “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

 

Khát vọng vinh hoa nhờ nghề

“Hãy phấn đấu nhiều hơn khả năng mình vốn có và kiên định đeo đuổi tận cùng ước mơ đã chọn”. Đó là điều anh Võ Thanh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH SX TM Aqua Vina, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, chia sẻ với sinh viên. Câu chuyện của anh tạo niềm tin cho không ít học sinh, sinh viên trường nghề.

Anh Võ Thanh Toàn thị sát ao nuôi ở Sóc Trăng.

Ít ai biết rằng, cách nay 15 năm, cậu học sinh Võ Thanh Toàn đã từng băn khoăn như thế nào khi chọn lựa học trung cấp Nuôi trồng thủy sản. Gia cảnh khó khăn, phải mưu sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, học đại học là điều xa vời với chàng trai quê Sóc Trăng. Nhưng ước mơ thành lập công ty chuyên về nuôi trồng thủy sản thì không thể dập tắt. Vậy là, anh quyết định trang bị cho mình những kiến thức thực dụng và phù hợp với năng lực, điều kiện cá nhân: học trung cấp nghề.

Tốt nghiệp, ở tuổi 20, Toàn làm việc tại trại cá Đăng Tín, Tiền Giang. Công việc mang tính chất “3 trong 1” (nuôi - canh - thu hoạch) nên anh túc trực và ngủ đêm ở ao cá. Anh không nhớ bao nhiêu lần hứng gió lạnh trong đêm, trầm mình trong nước và cả những lần mệt quá ngủ quên, suýt lăn ùm xuống ao giữa đêm khuya vắng. “Trong 6 người làm cùng tôi, thì 5 người nghỉ việc sau 3 tháng. Còn tôi vẫn ở lại vì thấy mình ứng dụng được kiến thức đã học vào công việc và học thêm được nhiều điều thực tế”- anh Toàn chia sẻ với sự hàm ơn những ngày đầu vất vả ấy. 

Sau khi nắm vững kỹ thuật, anh Toàn làm quản lý ao nuôi 3ha ở Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Tân Lộc, quận Thốt Nốt. Lựa chọn này còn vì thuận tiện cho việc học cao đẳng của anh. Sau đó anh tiếp tục đầu quân cho một công ty nuôi trồng thủy sản ở Thuận Hưng, để cuối tuần về học đại học. Và mới đây, anh vừa bảo vệ luận văn thạc sĩ. 13 năm lập nghiệp có đến 11 năm vừa làm vừa học, anh Toàn bộc bạch: “Tôi học vì ở mỗi giai đoạn công việc, lại thấy mình thiếu hụt. Ở vị trí nào thì nghề cũng phải giỏi”.

Tháng 6-2012, Võ Thanh Toàn mở công ty “Aqua Vina”- hàm ý chất lượng Việt Nam. Trước khi mở công ty, anh gom hết tiền tích góp trong nhiều năm làm công, cộng với vay ngân hàng, để xây xưởng thuốc chuyên dùng cho nuôi trồng thủy sản. Công ty thành lập, anh Toàn lại một mình giong ruổi xe máy khắp ĐBSCL giới thiệu sản phẩm và không ít lần nhận những lời từ chối rất thẳng. 

Anh Bùi Ngọc Long (bìa trái), cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Địa Kỹ thuật Xây dựng Hưng Phú Thịnh đang hướng dẫn thực hành cho sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ. 

Nay thì Aqua Vina đã có hơn 100 sản phẩm chuyên dụng nuôi trồng thủy sản được tiêu thụ ở thị trường các tỉnh thành miền Tây. Ngoài cơ sở tại Khu dân cư Hồng Loan, công ty còn có một xưởng thuốc ở phường Hưng Thạnh, trại ao nuôi cá ở Sóc Trăng… “Qua Tết, tôi sẽ xây thêm nhà máy, tuyển thêm nhân sự. Ưu tiên của công ty vẫn là lao động có kiến thức sát hợp thực tế, chịu khó, nhiệt tình trong công việc”. Nhà máy tương lai của anh sẽ tọa lạc ở huyện Phong Điền, với nhiệm vụ chủ yếu là hình thành hệ thống nuôi trồng thủy sản theo mô hình thâm canh sâu. Người nuôi quản lý nguồn nước, dịch bệnh, sự phát triển của cá, tỷ lệ sống, sản lượng... 

*     *     *

Anh Võ Thanh Toàn nhắn nhủ: “Không phải đại học là con đường duy nhất để thành công. Học ngành nghề nào, ở cấp bậc nào, cũng đều trân quý. Quan trọng người học bền chí với nghề đã chọn. Nếu như làm một nghề đạt đến sự thấu hiểu và tinh xảo, thì sẽ được nhận vinh hoa từ nghề. Tôi mong các bạn trẻ sẽ luôn mang khát vọng đạt được vinh hoa từ nghề mà mình đã chọn”.

Lời nhắn của anh Toàn khiến tôi liên tưởng đến nhiều câu chuyện khác. Đó là công việc đúng chuyên ngành, mức lương 15 triệu đồng/tháng, chỉ sau hơn 3 tháng tốt nghiệp của Bùi Ngọc Long, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Địa Kỹ thuật Xây dựng Hưng Phú Thịnh, quận Cái Răng, cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Cần Thơ. Hay như Lương Quốc Đạt, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, được Toyota Cần Thơ “săn” về làm việc hơn nửa năm nay với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Rồi Nguyễn Thanh Phương, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, hiện là chủ của doanh nghiệp chuyên kinh doanh điện - điện tử ở huyện Cờ Đỏ… Và gần đây, một thế hệ học sinh, sinh viên vừa học nghề vừa học ngoại ngữ và kỹ năng mềm, với mong muốn sau này có thể “làm việc trong môi trường quốc tế”- như chia sẻ của Nguyễn Thị Bảo Yến, sinh viên lớp Ứng dụng phần mềm, chương trình đào tạo quốc tế do Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ hợp tác với Học viện Chilshom của Úc.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, tỷ lệ học sinh sinh viên tốt nghiệp các trường nghề có việc làm bình quân đạt trên 80% mỗi năm. Các ngành: Công nghệ ô tô, cơ khí, tin học, dịch vụ du lịch, điều dưỡng… thu hút đông người học nhất bởi tỷ lệ tìm được việc làm từ 85% đến 100%.

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết